Startup pin cát Việt Nam nhận vốn 1,5 triệu USD

Việt Hưng - 09:52, 03/04/2024

TheLEADERStartup Alternō mang đến giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ cho nông nghiệp giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể và giảm phát thải carbon hàng năm.

Startup Alternō của Việt Nam vừa huy động thành công hơn 1,5 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống được dẫn dắt bởi quỹ The Radical Fund, Touchstone Partners, Antler, Impact Square, Glocalink Singapore và nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế khác.

Alternō mang đến giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ cho nông nghiệp. Hệ thống này sử dụng một công nghệ đã được đăng ký bản quyền chứa cát cách nhiệt với các ống dẫn nhiệt đặc chế.

Khi sử dụng, nhiệt từ pin cát sẽ được chuyển qua đường ống dẫn để phục vụ nhu cầu sấy, sưởi ấm hoặc gia nhiệt.

Một trong số những khách hàng đầu tiên của Alternō là nông trại Ecovi Farm tại Ninh Hoà, Khánh Hoà. Chị Nguyễn Thị Lê Na - Nhà sáng lập EcoVi Farm chia sẻ hệ thống sấy không phát thải carbon đã giúp nông trại đạt được mục tiêu kinh tế, cũng như đóng góp vào định hướng phát triển bền vững.

Toạ lạc tại một vùng đất nắng nóng và chưa có điện lưới, thay vì phải đi kéo điện về sử dụng, chị Na chọn hệ thống tấm quang năng cùng pin cát để lưu trữ năng lượng nhiệt thay thế, phục vụ cho việc sấy xoài và dược liệu.

Startup pin cát Việt Nam nhận vốn 1,5 triệu USD
Chị Lê Na và đội ngũ Alternō tại nông trại Ecovi Farm - Ảnh: Alternō

Pin cát đảm bảo nguồn nhiệt ổn định, không bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết nên có thể đáp ứng được công suất sấy liên tục cho nông trại.

"Với công suất sấy hiện tại mỗi tháng phải tốn 5 đến 6 triệu tiền điện, trung bình một năm sẽ là 60 đến 70 triệu. Trong khi chi phí đầu tư cho hệ thống pin cát là dưới 500 triệu và chỉ cần 5 năm là bù lại chi phí chưa kể hao hụt máy móc”, chị Na chia sẻ.

Hơn nữa trong quá trình vận hành, hệ thống pin cát vẫn được đội ngũ Alternō theo dõi và cập nhật thuật toán từ xa tại trụ sở TP. HCM, đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật của khách hàng cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng.

Anh Thuận Đỗ - CEO và nhà sáng lập DoTea tại Bảo Lộc, Lâm Đồng cho biết "Chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống pin cát này cho công đoạn làm héo và sấy trà. Hiện tại thì vẫn đang dùng dầu để sấy và điện để làm héo. Nhiều năm qua, chúng tôi đã đi theo giá trị làm trà sạch, thì nay cũng muốn có bước tiến mới là trà sạch từ năng lượng sạch".

Ở Bảo Lộc, đa số các nhà máy, trang trại sử dụng củi, gas dầu để xử lý và lưu trữ nông sản. Củi tuy rẻ nhưng có hại cho môi trường, ô nhiễm không khí và nguồn cung thì ngày càng cạn kiệt. Có những thời điểm các nhà máy phải tranh nhau thu mua củi để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Startup pin cát Việt Nam nhận vốn 1,5 triệu USD 1
Đội ngũ Alternō tại nhà máy sản xuất pin cát - Ảnh: Alternō

Anh Thuận, chị Na có cùng chung mục tiêu đẩy mạnh sản lượng trong năm 2024 trước tình hình sản xuất nông nghiệp 2 tháng đầu năm đang có dấu hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023 mang đến tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, đồng thời cũng là thách thức trong việc cung cấp điện liên tục cho hoạt động sản xuất.

Nhu cầu nhiệt năng trong ngành nông nghiệp ngày càng tăng cao, cùng tình hình biến đổi khí hậu ngày một cực đoan, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch, bền vững và làm giảm khí thải carbon là vô cùng quan trọng.

"Hơn hết, trước tình hình các quốc gia liên minh châu Âu sẽ sớm đặt thuế carbon (CBAM) vào các sản phẩm nhập khẩu, tầm nhìn của chúng tôi không chỉ góp phần vào việc giảm phát thải carbon trong ngành nông nghiệp, mà còn giúp các công ty Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới", chia sẻ từ ông Hồ Việt Hải - đồng sáng lập Alternō.

Hiện tại, Alternō đang phát triển các phiên bản công nghiệp của pin cát với công suất lớn, từ 250 kWh đến 1,8 MWh. Điều này sẽ giúp nông trại và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tiết kiệm năng lượng đáng kể và giảm phát thải carbon hàng năm.

Trước đây, Alternō cũng đã nhận được tài trợ từ các tổ chức quốc tế, bao gồm 200.000 USD từ quỹ Temasek, 350.000 USD từ P4G và 40.000 USD từ JICA.

"Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó, việc giúp ngành nông nghiệp chuyển sang “phát thải bằng 0” là một yếu tố quan trọng cho sự bền vững của nền kinh tế, xã hội và môi trường. Công nghệ của Alternō giúp người nông dân dễ dàng ứng dụng các phương pháp mang tính bền vững, đạt hiệu quả sản xuất với khoản đầu tư ban đầu hợp lý, và quan trọng là giảm chi phí vận hành trong ngành nông nghiệp", bà Ngô Thuỳ Ngọc Tú - Giám đốc Touchstone Partners chia sẻ.