Thế Giới Di Động vượt Covid với doanh thu gần 5 tỷ USD

Việt Hưng - 14:47, 31/01/2021

TheLEADERTrong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chưa một tháng nào Thế Giới Di Động ghi nhận lỗ. Đây là điểm khác biệt lớn của MWG với các doanh nghiệp cùng ngành.

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu cùng với tình hình thiên tai liên tục diễn ra tại Việt Nam. Bất chấp những thách thức này, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận mức tăng trưởng 6% doanh thu đạt 108.546 tỷ đồng, và tăng trưởng 2% LNST đạt 3.920 tỷ đồng so với 2019.

Trong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chưa một tháng nào công ty ghi nhận lỗ. Đây là điểm khác biệt lớn của MWG với các doanh nghiệp cùng ngành, thể hiện nền tảng tài chính tốt, sự bền vững, cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn thể nhân viên.

Trong nửa sau năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế phần nào hoạt động bình thường trở lại, MWG đã triển khai thần tốc hàng loạt dự án mới như chuỗi ĐMX supermini,Bluetronics Campuchia, mô hình BHX diện tích lớn hơn 500 m2. 

Nhờ sự bứt phá này, MWG ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng 10% trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Biên lợi nhuận gộp của hầu hết các ngành hàng chính được cải thiện.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, MWG tập trung mở rộng mạng lưới cửa hàng mạnh mẽ, liên tục thử nghiệm các mô hình mới, tăng cường sức mạnh cho đội ngũ mua hàng, đầu tư cho hệ thống kho vận và các nền tảng hỗ trợ vận hành. Việc này làm tăng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng là sự đầu tư cần thiết giúp Công ty quay lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong tương lai.

Thế Giới Di Động vượt Covid với doanh thu gần 5 tỷ USD
Ngành hàng máy tính xách tay và thiết bị đeo ở MWG ghi nhận tăng trưởng dương

Thị trường đa số các sản phẩm công nghệ và điện tử tiêu dùng năm 2020 tăng trưởng âm so vớ icùng kỳ (ngoại trừ máy tính xách tay và thiết bị đeo). Trong đó, điện thoại và điện tử bị ảnh hưởn gnặng nhất, ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số so với năm 2019. 

Công ty đẩy mạnh khai thác các ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn dư địa tăng trưởng như đồng hồ, với hơn 500 điểm bán mang về gần 1.600 tỷ đồng (gấp đôi so với năm 2019) từ 1,2 triệu sản phẩm bán ra.

Ngành hàng Máy tính xách tay mở 26 trung tâm Laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trongTGDĐ & ĐMX đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với 2019). Với kết quả này, MWG chiếm khoảng 30% thị phần laptop tại Việt Nam năm 2020.

Sau 6 tháng triển khai Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS), chuỗi này đã phát triển thần tốc với 302 cửa hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng nông thôn tại 61/63 tỉnh thành. Không chỉ tăng nhanh về số lượng (mở mới 200 cửa hàng chỉ trong 2 tháng cuối năm), chuỗi này đã đóng góp hơn 850 tỷ đồng doanh thu lũy kế cho công ty, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt ổn định hơn 1 tỷ đồng/tháng.

Đáng kể, chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận mức doanh thu gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng và đóng góp khoảng 20% trong tổng doanh số của MWG. Trong năm 2020, BHX là động lực tăng trưởng chính của kênh cửa hàng hiện đại tại Việt Nam.

Thị phần hàng tiêu dùng nhanh của BHX đã vượt mức 10% tại khu vực thành thị nói chung và trên 20% tại riêng TP. HCM. Sự tăng trưởng vượt trội của BHX so với thị trường là do mở rộng mạnh mẽ hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ và Nam Trung Bộ, cũng như tăng trưởng doanh số tích cực của các cửa hàng cũ.

Thế Giới Di Động vượt Covid với doanh thu gần 5 tỷ USD 1
Cơ cấu doanh thu tại Thế Giới Di Động trong năm 2020

Tại thời điểm 31/12/2020, BHX có 1.719 cửa hàng có mặt tại 24/63 tỉnh thành (tăng 711 điểm bán so với cuối năm 2019) với doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt xấp xỉ 1,25 tỷ đồng/ tháng. Biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát đạt trên 24% cả năm 2020 (tăng trưởng 5% so với năm 2019).

Với biên lợi nhuận gộp này, BHX đã có lời EBITDA (chưa bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng và trung tâm phân phối (DC) cho cả năm 2020. Mục tiêu đến cuối năm 2021, BHX sẽ có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn đến từ cả nâng cấp và mở mới, phân bố khắp các đô thị khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Theo đó, mô hình cửa hàng diện tích lớn 500m2 được triển khai thử nghiệm khoảng 6 tháng nay, cung cấp 6.000-8.000 lựa chọn hàng hóa (phần lớn nâng cấp từ các cửa hàng hiện hữu đang kinh doanh tốt) được lựa chọn là động lực tăng trưởng doanh thu cho chuỗi BHX trong năm tới.

Năm 2020, kênh BHX online ghi nhận sự tăng trưởng đột phá về cả số lượng và doanh thu so với 2019. Tháng 12/2020, với 20 trung tâm phân phối, BHX online phục vụ trung bình 7.000 giao dịch mỗi ngày cho khách hàng tại 11 tỉnh thành, những ngày cao điểm lên đến 10.000 đơn hàng.

Cuối năm 2020, An Khang có 68 nhà thuốc đang hoạt động (trong đó có 53 điểm bán mới, được sắp xếp đi cùng với mô hình BHX diện tích lớn).