Thủ tướng: Cần dự báo tốt dịch Covid-19 và lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3

Nhật Hạ - 19:00, 02/12/2021

TheLEADERTrước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp trong nước và xuất hiện biến chủng mới Omicron trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần dự báo tốt tình hình dịch bệnh và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine mũi 3.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực tới phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng. Ông yêu cầu các cơ quan tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn vấn đề này.

"Phải hết sức bình tĩnh, không lơ là, chủ quan cũng không lo sợ, hốt hoảng trong phòng chống dịch; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công thức, phương châm phòng chống dịch đã được đúc rút, tổng kết", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại phiên họp cũng chỉ ra rằng kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn một số vấn đề về nợ xấu, lạm phát, an ninh kinh tế, đầu tư công, rủi ro của thị trường bất động sản, chứng khoán. An sinh xã hội còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục. Công tác quy hoạch, giải ngân đầu tư công còn chậm. An ninh, quốc phòng còn nhiều thách thức.

Do đó, về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết, phải nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh; kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Ông đặc biệt lưu ý nhiệm vụ tiêm vaccine, đây là giải pháp căn cơ, quyết định để kiểm soát dịch. Do đó, các đơn vị liên quan phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để bảo đảm tới giữa tháng 12, cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm cho người từ 12 tuổi; xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai tiêm mũi thứ 3.

Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra và làm tốt công tác truyền thông, "không để xảy ra khủng hoảng truyền thông".

Ông cũng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất vaccine trong nước và nhập khẩu vaccine, tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả... Cùng với việc tiêm vaccine cho trẻ em, cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Thủ tướng: Cần dự báo tốt dịch Covid-19 và lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp ngày 2/12. Ảnh: Nhật Bắc.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc của 6 Tổ công tác được thành lập theo quyết định ngày 22/11 của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, người nghèo, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết ấm áp, vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Về dự thảo nghị quyết những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, như bổ sung quan điểm hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, phát triển hợp lý, cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Hội nghị Trung ương 4, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để hoàn thiện kế hoạch, tìm ra động lực phát triển mới.

Thủ tướng lưu ý một số nội dung như ưu tiên hoàn thiện thể chế, tập trung cho các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ba khâu đột phá chiến lược; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị để thu hút đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Cũng tại phiên họp, nhấn mạnh một số kết quả đạt được, Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỷ USD.

Cùng với đó, một số vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động; báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý nhiều dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém... Việc giải ngân cho an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đạt 29.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trước đó (26.000 tỷ đồng).

Hiện Việt Nam đã tiêm được 122 triệu liều vaccine Covid-19; tỷ lệ bao phủ mũi một đạt 94% dân số trưởng thành (từ 18 tuổi); gần 70% dân số tiêm đủ liều.

Đến nay, 34 tỉnh thành đã tiêm vaccine Pfizer cho hơn 3,5 triệu trẻ 12-17 tuổi. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm là 0,3%, với các triệu chứng sưng đau vết tiêm, đau tay, mỏi cơ, sốt.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, số liệu kinh tế tháng 11 cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi mở cửa trở lại. Tình hình doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực..

Kết quả trên cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, nước ta vẫn đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến thế mới trên thế giới; kinh thế thế giới phục hồi nhưng thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức về ổn định tài chính, thiếu hụt nguồn cung năng lượng; năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, sản xuất thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống bất ngờ phức tạp phát sinh…

Thực tế nói trên yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời, kiên định, quyết tâm, quán triệt nghiêm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022.