Thủ tướng yêu cầu chủ động chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron

Nhật Hạ - 09:28, 30/11/2021

TheLEADERBộ Y tế được yêu cầu chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin.

Thủ tướng yêu cầu chủ động chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc.

Gần đây trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới.

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, Bộ Y tế được giao chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Các bộ Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng và bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến, đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng Omicron.

Trước đó, tối 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo dừng các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique; đồng thời dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến từ các quốc gia này.

Ngày 29/11, hãng tin Reuters đã dẫn một thông cáo của WHO đánh giá biến chủng mới Omicron có thể bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ra mối đe dọa toàn cầu ở mức rất cao và có thể khiến một số khu vực phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.

Trong khuyến cáo gửi 194 thành viên của tổ chức, WHO hối thúc cộng đồng quốc tế phải sẵn sàng ứng phó với biến chủng mới, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine cho các nhóm thuộc diện ưu tiên cao và bảo đảm triển khai các kế hoạch đối phó để duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.

Omicron sở hữu số lượng đột biến chưa từng có, một số trong đó liên quan đến tác động tiềm tàng đối với quỹ đạo của đại dịch… Về tổng thể, nguy cơ toàn cầu liên quan đến biến thể mới đáng quan ngại này được đánh giá là rất cao

Theo WHO, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về khả năng Omicron “né tránh” hệ thống bảo vệ mà các vaccine tạo ra cho hệ thống miễn dịch của con người. Báo cáo đầy đủ hơn dự kiến sẽ có trong vài tuần tới.

Trước đó, ngày 25/11, WHO thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại, gọi là Omicron (B.1.1.529), phát hiện tại một số quốc gia nam châu Phi.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11, có tới 32 đột biến ở protein gai. Đây là biến chủng nhiều đột biến nhất của nCoV, dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).

Hình ảnh của Omicron ngày 27/11 lần đầu tiên được công bố so sánh với chủng Delta, cho thấy lượng đột biến khổng lồ của biến chủng mới. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18.

Tại châu Âu, hàng loạt nước như Áo, Hà Lan, Đức, Anh, Scotland đã xuất hiện các ca bệnh nhiễm chủng Omicron. Tại châu Á, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã có những ca Omicron đầu tiên và đều là khách nhập cảnh.

Một mối quan tâm lớn là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine vì số lượng lớn đột biến của nó. Hiện các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 như Pfizer và Moderna đang xem xét việc điều chỉnh vaccine trước sự xuất hiện của biến thể mới. 

Giáo sư Catherine Bennett thuộc Đại học Deakin nhận định có thể chỉ mất vài tuần để có thể phát triển được loại 'vaccine thế hệ mới' dựa trên các loại vaccine có sẵn. Đây là điểm mạnh của vaccine công nghệ mRNA, có thể nhắm vào những biến thể cụ thể, như Omicron, mà không cần phải bào chế một loại vaccine mới.