Tiểu thương chợ đầu mối cũng muốn bán hàng online

Việt Hưng - 14:45, 26/06/2020

TheLEADERNhiều chợ đầu mối mong muốn được chuyển đổi số, cụ thể là tiến tới hình thức bán online. Mục đích là để mang một số mặt hàng đặc trưng, mặt hàng có điểm "nhấn" tại khu vực lên sàn thương mại điện tử hoặc chuyển đổi online

Theo Báo cáo của VECOM, năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nước ta đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn bốn năm 2016 - 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Tương tự, Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.

Những dự báo lạc quan đối với thương mại điện tử Việt Nam ngay từ đầu năm 2020 đã chịu một thử thách lớn từ đại dịch Covid-19. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2020 hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể.

Trong bức tranh màu xám đó, lĩnh vực thương mại điện tử chứng kiến 2 tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025.

Thứ nhất, Covid-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa thứ hai của năm 2020.

Các doanh nghiệp này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến.

Tiểu thương chợ đầu mối cũng muốn bàn hàng online
Tiểu thương chợ đầu mối cũng muốn bàn hàng online

Mặc dù cơ hội để thương mại điện tử Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững là rõ ràng, nhưng rất nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa thương mại điện tử ở Hà Nội và TP. HCM với các địa phương còn lại.

Chia sẻ ý kiến, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số - Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thừa nhận diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề như xuất nhập khẩu, du lịch… nhưng thương mại điện tử lại là lĩnh vực ít bị tác động hơn so với ngành khác. Thậm chí tăng trưởng bán hàng trên mạng với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… từ tháng 2 đến tháng 4 rất mạnh.

"Dịch đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng, phương thức mua hàng online ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. Các doanh nghiệp bán hàng truyền thống bắt đầu nghĩ đến phương thức chuyển dịch dần sang online. Ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng chuyển đổi số để tiệm cận với bán hàng online", bà Thúy Anh nêu.

Dẫn chứng, bà Thúy Anh cho biết làm việc với một trong những chợ đầu mối lớn nhất của TP. HCM, bà ghi nhận chợ đầu mối này rất mong muốn chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi sang hình thức bán online. Mục đích là để mang một số mặt hàng đặc trưng, mặt hàng có điểm "nhấn" tại khu vực lên sàn thương mại điện tử hoặc chuyển đổi online.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ - Nielsen Việt Nam, nhìn nhận dịch Covid-19 là cú hích khiến chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng.

Khảo sát của Nielsen cho thấy có 64% người dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.

"Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng; chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng...", ông Dũng đánh giá.

Theo nghiên cứu gần vừa được công bố của Mastercard Impact Studies, đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á, thông qua đẩy nhanh quá trình ứng dụng các phương thức thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trong trong thời gian dài.

Kết quả nghiên cứu, được thực hiện tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy, phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong khu vực.

Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3. Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn.