Thương mại điện tử trong giai đoạn 'bình thường mới'

Việt Hưng - 13:48, 23/06/2020

TheLEADERĐại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2020, cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động cho các doanh nghiệp và quốc gia trên toàn cầu. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của những ảnh hưởng đó.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân hiện đã và đang hồi phục và dịch chuyển sang một trạng thái "bình thường mới". Trong bối cảnh giao thương truyền thống sụt giảm giảm, lĩnh vực thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Tầm quan trọng của toàn cầu hóa đối với các cơ hội xuyên biên giới

Đại dịch đã mang lại nhiều biến động và rủi ro trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, những mối quan hệ quốc tế được thiết lập và phát triển qua nhiều thập kỷ đã thúc đẩy sự trao đổi kịp thời đối với các giải pháp, nguồn cung sản phẩm y tế cũng như các khoản quyên góp để giải quyết những thách thức chung mà chúng ta đang phải đối mặt trước đại dịch.

Trong bối cảnh đó, các nhà bán hàng trực tuyến đã tận dụng khả năng sản xuất và lợi thế của chuỗi cung ứng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các nhà bán hàng cũng đã tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của một công dân toàn cầu thông qua các hoạt động quyên góp.

"Cuộc khủng hoảng toàn cầu một lần nữa đã củng cố niềm tin rằng, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ và suy nghĩ lại về mức độ quan trọng của việc tận dụng những lợi thế từ toàn cầu hoá với tầm nhìn dài hạn hơn, từ đó tạo động lực cho những người bán hàng trên toàn thế giới nắm bắt tốt hơn các cơ hội phục hồi hậu Covid-19", ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á nhận định.

Xu hướng mới trong tiêu dùng và kinh doanh toàn cầu

Trong đại dịch, các kênh bán hàng trực tuyến là một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. Với việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ truyền thống sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn.

Tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng tới 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ, theo báo cáo của McKinsey & Company. Hơn thế nữa, trong một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.

Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á đánh giá, các doanh nghiệp đang dần chuyển sang các dịch vụ và kênh bán hàng kỹ thuật số để giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi kinh doanh. Do đó, nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số đặc biệt cấp thiết đối với các doanh nghiệp thương mại truyền thống.

Tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới

Một báo cáo gần đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhận định: "Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Nhiều quốc gia cũng khởi xướng các chính sách liên quan để đẩy mạnh phát triển ngành thương mại điện tử. Trong đó, có thể kể đến Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 431/QĐ-TTg, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch và tăng tốc độ thông quan hàng hóa.

Cùng với đó Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08/06 vừa qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế nội địa, với 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU được xóa bỏ. Những biện pháp này sẽ củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự phát triển vượt bậc trong tương lai của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới.