Tốc độ tăng năng suất lao động ‘đáng báo động’

Nhật Hạ - 07:37, 02/11/2023

TheLEADERNhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trong vài năm gần đây liên tục không đạt mục tiêu đề ra và đang có xu hướng giảm, thấp hơn mức trung bình giai đoạn trước.

Cải thiện và thúc đẩy năng suất lao động được xem là cốt lõi của nền kinh tế. Bởi không chỉ phản ảnh chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động còn có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, sức mạnh nội tại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, chỉ tiêu về năng suất lao động đều chưa hoàn thành. Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn để bắt kịp năng suất lao động trong khu vực, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Đại biểu bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trong vài năm gần đây đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức trung bình giai đoạn trước.

Cụ thể, năng suất lao động giai đoạn 2021 – 2023 chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân giai đoạn 2016 – 2020 (trên 6%).

Tốc độ tăng năng suất lao động ‘đáng báo động’

Dễ dàng nhận thấy, mục tiêu đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 – 2025 trên 6,5%/năm nằm trong Nghị quyết 54 (ban hành đầu năm 2022) về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 là một thách thức rất lớn của Chính phủ. Để ‘chạm’ được mục tiêu đề ra, năng suất lao động bình quân hai năm tới phải đạt trên 9%.

Được biết, trong giai đoạn được thống kê, chưa năm nào Việt Nam có mức tăng năng suất lao động chạm tới 6,5%.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn tỉnh Hà Nam) cho biết, trong thời gian vừa qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có chuyển biến rõ nét.

Đồng thời, chưa thực sự là động lực, đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường, nhất là lao động trong ngành nghề kinh tế mới, thiếu nhân lực trong ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế số.

Tốc độ tăng năng suất lao động ‘đáng báo động’ 1
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn tỉnh Hà Nam) tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động năm 2022 của Việt Nam chỉ bằng 12,2% năng suất lao động của Singapore, 24,4% của Hàn Quốc, 58,9% của Trung Quốc, 63,9% của Thái Lan, 94,2% của Phillipines.

Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia là 40 năm và so với Thái Lan là 10 năm.

Tuy xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam vẫn còn thiếu hụt.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, chính sách đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản với sự phát triển nhân lực chất lượng cao.