Năng suất lao động vẫn ở vùng trũng

An Chi - 10:39, 07/06/2023

TheLEADERĐó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trước Quốc hội về vấn đề năng suất lao động của Việt Nam.

Năng suất lao động vẫn ở vùng trũng
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Sáng 6/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nêu câu hỏi rằng, người Việt Nam thông minh và chịu khó, nhưng làm thế nào để nâng cao năng suất lao động và thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới vẫn là câu hỏi lớn.

Thực tế cho thấy, dù được cải thiện trong những năm gần đây, song năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Giai đoạn tới (2021-2030), Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động trên 6,5%/năm. Theo Tổng cục Thống kê, mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines.

Bên cạnh đó, trình độ của lao động Việt Nam cũng là vấn đề nan giải. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh), sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. 

Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%. Đây là khoảng cách rất xa so với chất lượng nguồn nhân lực của các nước. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu những năm tới không có giải pháp, công cụ hữu hiệu nào làm giảm nhanh số liệu về tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo này xuống, phản ánh đúng thực tế chất lượng của lực lượng lao động quốc gia thì sẽ càng làm suy giảm uy tín của lực lượng lao động Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia.

Thừa nhận thời gian vừa qua năng suất lao động của Việt Nam thấp, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chưa đồng tình với nhận định năng suất lao động trong nước thấp hơn so với Lào, Campuchia.

Ông Dung dẫn chứng, lực lượng lao động Việt Nam đang phân bố khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thì thấp. Hơn nữa, quy mô lao động Việt Nam rất lớn. Do đó, cùng một công việc, đáng lẽ một người làm nhưng san sẻ cho 2 - 4 người làm nên tỷ lệ thất nghiệp không cao.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Thanh rằng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, năng suất lao động thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 vấn đề chính là yếu tố vốn và kỹ năng, trình độ người lao động. 

Để nâng cao năng suất lao động, theo ông Dung, giải pháp thời gian tới là cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.

Còn theo đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh), Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên nhân về trình độ và công nghệ chỉ là một phần trong việc năng suất lao động thấp tại Việt Nam

Theo ông Trung Anh, năng suất lao động trong nước thấp do nguyên nhân rất lớn là tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. "Thay vì chịu trách nhiệm cá nhân, một người quyết định công việc thì ở nhiều đơn vị lại tổ chức cuộc họp 10 người để quyết định, do đó năng suất chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó", ông Trung Anh chia sẻ.

Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, theo ông Dung, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6 % so với quý IV/2022. Các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. 

Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ.

Giải pháp cho vấn đề này cũng được ông Dung nêu ra là tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập của đời sống, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có giải pháp chăm lo đời sống phúc lợi, thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình, tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo nâng cao chất lượng lao động.