'Tôi khởi nghiệp thấy mất quá nhiều thủ tục rườm rà'

Kim Yến - 07:38, 15/10/2017

TheLEADERÔng Trương Cẩm Minh, Giám đốc Công ty Long Đằng chia sẻ với TheLEADER về những thách thức đối với môi trường kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

'Tôi khởi nghiệp thấy mất quá nhiều thủ tục rườm rà'
Doanh nhân Trương Cẩm Minh (bên trái đeo kính) thăm dự án rau sạch hữu cơ của công ty

Trương Cẩm Minh, Giám đốc Công ty Long Đằng, một doanh nhân trẻ - "nhà đầu tư thiên thần" khá có tiếng trong giới startup với mô hình khởi nghiệp thành công chỉ với số vốn ít ỏi 150 triệu đồng. Từ một kiểm toán viên trong một công ty lớn thuộc Big Four, Trương Cẩm Minh quyết định rẽ ngang đi làm lon giấy, làm phân gà hữu cơ, trồng rau sạch...

Chia sẻ với TheLEADER về những thách thức đối với môi trường kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, ông Trương Cẩm Minh, Giám đốc Công ty Long Đằng cho biết: "Tôi khởi nghiệp thấy mất quá nhiều thủ tục rườm rà, phải nhờ luật sư làm đăng ký kinh doanh, lo kế toán, lo sau khi có mã số thuế phải lên đơn vị quản lý thuế để liên lạc, rồi họ xuống kiển ra địa điểm… xuống không lẽ không cho tiền? Chưa kể phải mở tài khoản bắt buộc tại ngân hàng…hễ làm trễ chút xíu sẽ bị phạt". 

Quan sát những động thái gần đây của Chính phủ, anh đánh giá thế nào về việc hiện thực hóa chủ trương Chính phủ kiến tạo và Quốc gia khởi nghiệp?

Doanh nhân Trương Cẩm Minh: Chính phủ đang có động thái tốt là làm đúng chức năng Chính phủ nên làm là một chính phủ kiến tạo để thực sự tạo một nền kinh tế thị trường theo đúng định hướng. Điều này đáng lẽ nên làm từ hơn 10 năm trước.

Để chiến lược Quốc gia khởi nghiệp không trở thành phong trào, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò kiến tạo, không can thiệp quá nhiều vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Ai muốn khởi nghiệp hãy cho họ làm. 

Tôi khởi nghiệp thấy mất quá nhiều thủ tục rườm rà, phải nhờ luật sư làm đăng ký kinh doanh, lo kế toán, lo sau khi có mã số thuế phải lên đơn vị quản lý thuế để liên lạc, rồi họ xuống kiển ra địa điểm… xuống không lẽ không cho tiền? Chưa kể phải mở tài khoản bắt buộc tại ngân hàng…hễ làm trễ chút xíu sẽ bị phạt.

Tại sao mấy cơ quan này không kết nối với nhau cho doanh nghiệp làm một lần thôi. Đồng Tháp rất tiến bộ, mọi thủ tục đều nằm một cửa thôi, Đà Nẵng cũng vậy. Cần thiết phải giảm bớt thủ tục đăng ký kinh doanh. 

Ở Mỹ đăng ký dễ lắm, nên tôi đã mở luôn công ty ở bên đó, mất có mấy trăm USD, chẳng ai hỏi gì cả, không đăng ký tài khoản luôn, đóng công ty cũng chẳng ai hỏi han. Còn Singapore thì Chính phủ làm quá tốt, có ý tưởng Nhà nước sẽ bỏ nửa tiền cho mình khởi nghiệp.

Còn điều gì bất cập mà ông bức xúc nhất, muốn góp ý cùng chính phủ và các bộ, ngành?

Doanh nhân Trương Cẩm Minh: Nông nghiệp là ngành chủ lực theo như định hướng hiện tại nhưng cải cách còn quá chậm, chưa thật sự chuyển đổi nên làm chậm cả nền kinh tế.

Chính phủ cần nhận thức rõ vấn đề: những quyết định phải dựa trên con số thực sự và đặt con người vào trung tâm (theo nguyên tắc quản trị hiện đại data driven- people centric).

Dưới góc độ doanh nhân, doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, không tàn phá môi trường và xã hội?

Doanh nhân Trương Cẩm Minh: Tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt do độ mở gần như tối đa của nền kinh tế khi hội nhập nhưng nội lực còn yếu kém, trách nhiệm của doanh nhân là phải tự sáng tạo để tồn tại trước làn sóng cạnh tranh bằng chính năng lực tự thân chứ không thể trông chờ vào chính sách nhà nước.

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho việc phát triển năng lực cạnh tranh trước sự đào thải Cần đổi mới mô hình kinh doanh hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước nhiều biến động như hiện nay, chiến lược kinh doanh của ông có gì khác biệt ?

Doanh nhân Trương Cẩm Minh: Tạo ra sản phẩm phát triển bền vững hơn tức là dùng ít nguyên liệu hơn do quản trị hiệu quả hơn và đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Say mê nông nghiệp, tôi cam kết sản xuất phân gà hữu cơ chất lượng. 

Chúng ta cần phát triển nông nghiệp bền vững, giấc mơ của tôi là tạo ra sản phẩm sạch với giá thấp nhất. Phát triển bền vững là xài ít hơn vẫn hiệu quả.

Tôi đã xin được 10 mẫu đất ở Hàm Thuận Bắc để trồng sake theo mô hình quản lý từ giống, quy trình, đến đầu ra. Cây sake có thể chống biến đổi khí hậu, vì trồng được ở nơi đất không đòi hỏi độ dinh dưỡng cao mà giá trị lớn. 

Tôi muốn làm một doanh nghiệp xã hội, tiền có được sẽ phục vụ xã hội, không kiếm lời.

Xin cảm ơn ông!