Doanh nhân Bùi Hải An: "Những hứa hẹn về một Quốc gia khởi nghiệp có vẻ chỉ mới dừng lại trong phòng hội nghị"

Kim Yến - 07:47, 14/10/2017

TheLEADERVới các doanh nghiệp nhỏ, việc phải bổ sung thêm chỉ 1 tờ giấy phép hoặc tăng vài phần trăm chi phí phát sinh đều là ảnh hưởng lớn.

Bùi Hải An, CEO Silicon Straits Saigon, 31 tuổi đã nổi danh trong làng startup Việt với với hai công ty khởi nghiệp thành công, bằng tư duy mới lạ và quyết tâm không gia công phần mềm mà đầu tư phát triển phần mềm đúng nghĩa.

Anh cũng là một trong sáu doanh nhân trẻ khởi nghiệp đã có dịp trình diễn khả năng phát triển phần mềm của các kỹ sư trẻ Việt Nam cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi tháng 5/2016.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trải nghiệm ứng dụng tương tác ảo do Silicon Straits Saigon phát triển năm 2016.

Chia sẻ với TheLEADER, Bùi Hải An luôn có mong muốn được chia sẻ nhiều hơn những công nghệ mới đến mọi người. 

Quan sát những động thái gần đây của Chính phủ, anh đánh giá thế nào về việc hiện thực hóa chủ trương Chính phủ kiến tạo và Quốc gia khởi nghiệp? Còn điều gì bất cập mà anh bức xúc nhất, muốn góp ý cùng chính phủ và các bộ ngành?

Doanh nhân Bùi Hải An: Tôi thấy chủ trương Chính phủ kiến tạo và Quốc gia khởi nghiệp có vẻ chưa vượt qua khỏi được việc bàn luận để trở thành những hành động đủ thực tiễn và gần gũi với giới doanh nhân chúng tôi.

Bên cạnh đó, các nghị định, chính sách khác (mặc dù chưa chính thức), cũng làm cho môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn như dự định tăng thuế VAT, thuế môi trường, bảo hiểm xã hội ... 

Có thể đứng ở góc độ kinh tế vĩ mô, những chính sách này có thể đem lại những tác động tích cực khác, nhưng với việc vận hành doanh nghiệp hàng ngày thì đây là những tác động tiêu cực khá trực tiếp.

Góp ý của tôi với Chính phủ và các bộ ngành là nên sâu sát hơn nữa với tình hình kinh doanh, đặc biệt là cho nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc thậm chí siêu nhỏ. Với các mô hình này, việc phải bổ sung thêm 1 tờ giấy phép, hoặc tăng vài phần trăm chi phí phát sinh, đều là ảnh hưởng lớn. 

Còn lại những hứa hẹn về một Quốc gia khởi nghiệp thì có vẻ cũng chỉ mới dừng lại trong phòng hội nghị, hoặc chỉ đang dành cho 1 nhóm đối tượng doanh nghiệp nào khác chứ chưa hẳn là dành cho tất cả các doanh nghiệp số đông.

Dưới góc độ doanh nhân, doanh nghiệp, anh nhìn nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, không tàn phá môi trường và xã hội?

Doanh nhân Bùi Hải An: Trách nhiệm của bản thân trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và hướng tới phát triển bền vững, vẫn nằm chính trong ý thức và mục tiêu kinh doanh. Bản thân tôi tin luôn có những ý tưởng kinh doanh có ích cho xã hội đồng thời đem lại sự phát triển bền vững. 

Đặc biệt là những mô hình kinh doanh mới với sự hỗ trợ của công nghệ. Khó khăn ở đây là việc chia sẻ, hướng dẫn và giúp không chỉ cho các khách hàng của công ty, mà cả các đối tác, thậm chí là các bộ ngành liên quan và xa hơn là xã hội hiểu được những thay đổi đến từ công nghệ này sẽ giúp ích lâu dài. 

Câu chuyện của Vinasun, Mai Linh mới đây là một ví dụ điển hành của việc thay đổi môi trường kinh doanh đến từ công nghệ. Bản thân là công ty công nghệ, tôi đặt bản thân mình trách nhiệm phải chia sẻ nhiều hơn về những công nghệ mới, tác động tích cực và cả tiêu cực của nó đến mọi người. 

Từ đó không chỉ giúp cho mọi người có cái nhìn đúng, đồng thời cũng giúp đem lại niềm cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ khác cũng dấn thân vào khởi nghiệp công nghệ. Tôi tin rằng công nghệ chính là chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ nhất và vượt lên so với các nước trong khu vực và quốc tế.

Doanh nhân Bùi Hải An.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước nhiều biến động như hiện nay, chiến lược kinh doanh của anh trong năm nay có gì khác biệt?

Doanh nhân Bùi Hải An: Chiến lược kinh doanh của tôi năm nay có sự thay đổi lớn là hướng đến sự tinh gọn, cũng như dịch chuyển từ việc làm dịch vụ công nghệ cho các đối tác nước ngoài thì dùng kinh nghiệm và năng lực tích lũy được giúp đỡ các công ty trong nước. Bối cảnh kinh tể đang rất biến động, tất nhiên sẽ đem lại nhiều cơ hội. 

Tôi thấy nhiều công ty trong nước cũng đang trong giai đoạn chín muồi cho sự phát triển bứt phá này, nên việc đem vào các công nghệ về quản lý, vận hành, xây dựng hệ thống, cũng như các công nghệ mới thậm chí có thể thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống sẽ giúp được các công ty này rất nhiều. 

Và đó cũng giúp công ty đạt được sự mệnh đã đặt ra là dùng công nghệ để thay đổi kinh doanh, từ đó sẽ thay đổi cuộc sống.

Xin cảm ơn anh!