TP.HCM kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 28/6

Nhật Hạ - 18:36, 14/06/2021

TheLEADERTP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 14 ngày tới do mầm bệnh vẫn âm thầm trong cộng đồng, nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang đang được kiểm soát tốt, các trường hợp mắc mới chủ yếu đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong toả, dự kiến 1 đến 2 tuần tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Dịch bệnh cơ bản đã từng bước được kiểm soát trên toàn quốc.

Tại Hà Tĩnh, chùm ca bệnh Covid-19 trên địa bàn hiện nay đều rõ nguồn lây, tuy nhiên đã xuất hiện mốc dịch tễ có khả năng lây nhiễm cao là bãi biển Thạch Bắc (điểm tắm nước ngọt công cộng), tính đến nay đã ghi nhận 10 ca nhiễm liên quan trực tiếp đến địa điểm này.

Tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch, tuy nhiên nguồn lây nhiễm có lịch trình di chuyển rộng, tiếp xúc nhiều người trước khi được phát hiện nên có khả năng tiếp tục ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng.

Riêng tại TP.HCM, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn do có nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, mật độ dân cư, giao thương lớn. Thời gian tới cần tiếp tục tập trung toàn bộ lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng bộ phận. Trước đó, cơ quan này cũng đã hỗ trợ hiệu quả công tác chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang.

Tại cuộc họp chống dịch Covid-19 tại TP.HCM sáng nay, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Long đã đồng ý với đề xuất của Sở Y tế tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 bao gồm cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thêm 14 ngày kể từ ngày 15/6.

Quyết định này trong bối cảnh thành phố ghi nhận 819 ca nhiễm, tại 22 quận huyện, TP. Thủ Đức – xếp thứ ba cả nước trong làn sóng Covid-19 thứ 4 và trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

"Tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trong một tuần tới, một số nơi có thể chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19", ông Phong cho biết.

Theo chỉ thị 15, yêu cầu không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách giao tiếp tối thiểu 2 m; dừng các dịch vụ không cần thiết; chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa...

Lý giải về đề xuất giãn cách, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan.

Chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng từ ngày 26/5 đến nay có 470 ca mắc Covid-19, cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, sau sàng lọc tại các bệnh viện và điều tra truy vết, thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng mới chưa rõ nguồn lây gồm khu dân cư Ehome 3 (48 ca); Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (55 ca); Xưởng Cơ khí Hóc Môn (49 ca); chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức (7 ca); chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (10 ca); chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (22 ca).

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng.

TP.HCM kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 28/6
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về chống dịch Covid-19 với TP.HCM hôm nay. Ảnh: Mạnh Hùng.

"Dịch đã len lỏi trong cộng đồng thời gian dài và qua 4 - 5 chu kỳ rồi nên cần có thêm thời gian để tầm soát, truy vết", ông Phong cho biết và yêu cầu ngành y tế thành phố củng cố việc điều tra, truy vết những trường hợp F1 tối đa 12 tiếng; xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Riêng các chung cư, toà nhà văn phòng có ca bệnh phải xét nghiệm toàn bộ người cư trú, làm việc.

Trước đó, Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá thành phố đã dồn sức, dùng nhiều biện pháp, tập trung mọi nguồn lực chống dịch nhưng đến nay vẫn còn nhiều lo ngại. Các số ca nhiễm vẫn tăng, số người F1, F2 phải cách ly ngày càng lớn, trong khi ngoài xã hội còn chưa biết bao nhiêu trường hợp âm thầm mang bệnh và lây nhiễm cho người khác.

Ngoài ra, theo ông Nên số người bệnh rất nặng đang tăng dần, một số bệnh viện của thành phố đã sử dụng gần hết công suất; còn nhiều chỗ lây nhiễm cộng đồng chưa xác định được nguồn, một số chuỗi mới phát hiện chưa kịp truy vết; ngày càng xuất hiện các ca lây nhiễm bất ngờ, trong đó cũng có yếu tố chủ quan, lơ là.

"Tình hình này đặt ra nhiều thử thách lớn cho thành phố. Đó là phải có biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh đồng thời phục hồi sản xuất thực hiện mục tiêu kép". Do đó, ông Nên cũng thống nhất với đề xuất của Sở Y tế tiếp tục giãn cách toàn thành phố thêm một thời gian.

Ngoài ra, Bí thư Thành uỷ thành phố cũng yêu cầu Ban chỉ đạo chống dịch thành phố phối hợp Viện Pasteur xét nghiệm lại cho toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vì đây là "mục tiêu đặc biệt cần được bảo vệ".

Trước tình hình trên, tại cuộc họp với TP.HCM hôm nay, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố đánh giá chính xác mức độ lây nhiễm dịch trong cộng đồng hiện nay, khả năng kiểm soát dịch và liệu các giải pháp đang triển khai có đủ kiềm chế dịch.

Nhận định một trong những nguyên nhân xuất hiện thêm những điểm dịch mới trong cộng đồng là do công tác tuyên truyền cho người dân chưa tốt, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, Phó thủ tướng yêu cầu thành phố cần làm tốt việc tuyên truyền để người dân tuân thủ quy định phòng dịch.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 7.524, ghi nhận ở 40 tỉnh thành.

Trong đó, 22 tỉnh gồm Bạc Liêu, Đăk Lăk, Điện Biên, Đồng Nai, Gia Lai, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Yên Bái, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

8 tỉnh gồm Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.