TS. Nguyễn Quốc Toàn: Doanh nhân phản biện xã hội khó như đi xiếc trên dây

Dương Nguyễn - 14:07, 14/10/2017

TheLEADERPhản biện xã hội đối với doanh nhân Việt Nam khó như đi xiếc trên dây. Làm sao giữ được cân bằng các mối quan hệ với công quyền.

TS. Nguyễn Quốc Toàn: Doanh nhân phản biện xã hội khó như đi xiếc trên dây
TS. Nguyễn Quốc Toàn: doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu bớt sợ vì họ cũng đã đắt đầu làm ăn bài bản, đàng hoàng hơn để không còn nhiều kẽ hở mà cơ quan chức năng có thể bắt lỗi. Ảnh: NVCC

Với tôi hai năm qua là những năm đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu của cái mà tôi gọi là "Doanh nhân phản biện, nhập thế". Sau nhiều năm, kể từ năm 1986 đến giờ, nhiều doanh nhân rất có uy tín bắt đầu lên tiếng phản biện xã hội, nhà nước và chính sách rất thẳng thắn và thậm chí là gay gắt. Những quan điểm của họ được rất nhiều người đọc và ủng hộ.

Nói ra coi chừng tan hoang cơ đồ

Tại sao tôi lại mừng khi doanh nhân "nhập thế"? Trí thức, nhà báo, văn sĩ, khoa học gia phản biện xã hội ở Việt Nam thì xưa nay không hiếm, các chính trị gia về hưu và cựu chiến binh thì cũng không ít. Nhưng suy cho cùng, những người đó là những người "không có tóc" và mất mát ít nhất khi tham gia phản biện xã hội. Hậu quả không tác động đến họ nhiều như mấy ông doanh nhân đi làm phản biện xã hội.

Phản biện xã hội đối với doanh nhân Việt Nam khó như đi xiếc trên dây. Làm sao giữ được cân bằng các mối quan hệ với công quyền để đến lúc có việc nhờ vả thì không phải nghe: "Chú chửi anh ghê quá, giờ sao lại nhờ?", vừa đủ dũng cảm nói ra điều mình nói. Không nói ra thì ức không chịu được, thấy mình hèn và bạc nhược quá, mà nói ra thì có khi lại tan hoang cho tất cả những người có liên quan.

Không còn nhiều kẽ hở để cơ quan chức năng bắt lỗi

Làm doanh nhân ở Việt Nam là việc khổ nhất. Hiếm có doanh nghiệp nào thành công lớn mà không phải có quan hệ chặt chẽ với nhà nước và chính trị.

TS. Nguyễn Quốc Toàn

Lý do đầu tiên là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã cho doanh nhân một kênh truyền thông riêng của mình, thay vì phải dựa vào báo chí chính thống để phát ngôn. Những doanh nhân có trách nhiệm cũng là những người tham gia trào lưu "MeCom" (truyền thông cá nhân) rất nhiệt tình. Doanh nhân thoải mái để đưa tiếng nói của mình ra bên ngoài.

Thứ hai, những tiêu cực trong quản lý đã tác động trực tiếp đến doanh nhân Việt Nam. Trước đây, các tiêu cực thường không ảnh hưởng nhiều đến đời sống doanh nhân vì họ luôn là những người có tiền và một cách nào đó "miễn nhiễm" với những tiêu cực xảy ra.

Giao thông nguy hiểm, nhiều xe máy ư? Họ đi ô tô cơ mà. Thực phẩm bẩn ư? Họ toàn mua ở siêu thị rau sạch. Giáo dục tệ quá ư? Họ gửi con đến trường tư, trường quốc tế và đi du học. Nơi ở chật chội, mất an ninh, nhiều con nghiện ư? Họ ở Ciputra, Phú Mỹ Hưng, những ốc đảo an toàn và giàu có. Chính sách xã hội ư? Gì mà phải phê phán. Họ đủ giàu để không phải lo đến chuyện xã hội.

Giờ đây mọi chuyện đã khác. Họ có giàu đến mấy cũng không chắc là thực phẩm, tôm cá họ ăn không bị ngộ độc từ thảm hoạ Formosa. Ở Phú Mỹ Hưng, thì dù có ở biệt thự Chateau, Phú Gia hàng triệu đô, hay căn hộ Riverside sang trọng thì mùi rác thải Đa Phước cũng sẽ ám đến tận nơi.

Đường xá từ Ciputra hay Phú Mỹ Hưng lên trung tâm bây giờ đã luôn tắc hàng tiếng đồng hồ và rất dễ ngập lụt mỗi khi có mưa lớn. Lúc đó thì BMW hay Roll Royes cũng chịu. Đi du học mà không chuẩn bị kỹ cho con thì không cẩn thận con lại trầm cảm, do vậy du học chưa chắc đã là giải pháp hay.

Một lý do nữa doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu đủ sung túc để nghĩ đến chuyện trên giời dưới bể. Một phần doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu bớt sợ. Vì họ cũng đã đắt đầu làm ăn bài bản, đàng hoàng hơn để không còn nhiều kẽ hở mà cơ quan chức năng có thể bắt lỗi. Họ đã dũng cảm hơn, thức tỉnh hơn. Phản biện xã hội đối với họ như là một phần của lẽ sống, của lương tâm.

Nói gì thì nói, chúng tôi cũng cần phải cảm ơn chính phủ Việt Nam. Họ đã biết tôn trọng, lắng nghe doanh nhân hơn rất nhiều và đã không còn tâm thế phản ứng rất nặng nề và tiêu cực, hay thậm chí “trả đũa” với những phản biện xã hội, đặc biệt là từ doanh nhân. Họ cũng đã một phần nào hiểu rằng, phản biện xã hội từ doanh nhân là vô cùng tích cực và thiết thực chứ không hề có tính chất phá hoại hay chống đối. 

Do vậy, tôi đánh giá rất cao việc chính quyền hiện nay, đặc biệt là những nhà lãnh đạo cao cấp, ngày càng cầu thị và thực sự muốn thay đổi.

Chính phủ kiến tạo: Doanh nhân không còn phải sợ công quyền nữa

Có một bạn nhà báo hỏi tôi rằng, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, anh mong muốn thế nào về chính phủ kiến tạo? Tôi ngẩn người ra trước câu hỏi của bạn đó và mất mấy ngày không trả lời nổi là tôi mong muốn thế nào về một chính phủ kiến tạo.

Với tôi, chính phủ kiến tạo chỉ là khi doanh nhân chúng tôi không còn phải sợ công quyền nữa. Chính phủ kiến tạo với tôi chỉ là khi doanh nhân được bình đẳng với chính phủ về mặt pháp lý và quyền làm ăn chân chính.

(*) TS. Nguyễn Quốc Toàn là partner của Công ty Ernst and Young (EY), phụ trách mảng Tư vấn Chiến lược và Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổ chức Giáo Dục Hoa Kỳ (IAE).