Không quyết liệt xóa bỏ giấy phép con, quyết tâm "Chính phủ kiến tạo" chỉ dừng lại trên lý thuyết
Thu Phương
Thứ sáu, 13/10/2017 - 11:54
Doanh nghiệp Việt Nam có phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ.
“Chính phủ kiến tạo và hành động” là quyết tâm chính trị đã được thực hiện quyết liệt trong 2 năm qua. Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân...), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển.
Mới đây Ban bí thư cũng có chỉ thị tiếp tục mở rộng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là thông điệp đặc biệt cho thấy Đảng nhìn nhận lại và rõ ràng bản chất, vị thế của doanh nghiệp tư nhân.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, TheLEADER đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Chủ tịch Tập đoàn Long Biên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.
Với quyết tâm “kiến tạo và hành động”, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện một loạt các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ông có nhìn nhận như thế nào về điều này?
TS. Nguyễn Đức Thuận: Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, doanh nghiệp luôn là tế bào của nền kinh tế. Việc các doanh nghiệp có phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu đất nước cũng như các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Ngay từ sau Đại hội, Đảng, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc đặt ra mục tiêu xây dựng “Chính phủ kiến tạo và hành động”. Trong hàng loạt những phát biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra rất nhiều khẳng định mạnh mẽ về quan điểm của Chính phủ đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đặc biệt, vừa qua, với việc thành lập Ban Kinh tế tư nhân đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp.
Tinh thần này của Chính phủ đang tạo nên một làn gió mới trong công tác xây dựng chính sách và quản lý. Đồng thời, gây được sự hưởng ứng rất tích cực từ phía các doanh nghiệp.
Quan điểm của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, chặng đường thực thi chính sách để những quy định này đi vào thực tiễn vẫn còn rất nan giải.
Ông có đánh giá gì về môi trường kinh doanh hiện nay sau hàng loạt chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ?
TS. Nguyễn Đức Thuận: Ngoài những mặt tích cực, thực trạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay đang nổi lên nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, để nền kinh tế phát triển, trước hết, Chính phủ phải tạo ra một hành lang pháp lý bình đẳng, rõ ràng giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.
Hiện nay, chúng ta còn tồn tại hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước rất đông đảo, chiếm giữ tài sản lớn. Cùng với đó là các vấn đề về nợ xấu, nợ đọng tại các tập đoàn công ty Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập, dường như Việt Nam đang rất mải mê quan tâm đến nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, chúng ta lại không có chính sách ưu tiên một số ngành nghề nhất định. Từ đó dẫn đến nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại không được ưu đãi. Chúng ta đang xây dựng một cơ chế chế bình đẳng thì ngay giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã tồn tại sự mất bình đẳng rất lớn.
Thứ hai, mặc dù Chính phủ đã ban hành hai bộ luật mới là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên để đưa hai sắc luật này vào thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tiêu biểu nhất là việc làm thế nào để có thể cắt giảm hệ thống các điều kiện kinh doanh dưới dạng giấy phép con.
Đây chính là cản trở lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay. Nếu không làm được việc này, tất cả mục tiêu, quyết tâm của Chính phủ kiến tạo đều chỉ dừng lại trên lý thuyết.
Mặt khác, trên 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong khi, hai yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp là nguồn lực con người và vốn thì các doanh nghiệp hiện nay đều yếu ở khâu này.
Theo đó, về nguồn lực con người, Việt Nam hiện chưa có chính sách khuyến khích một cách mạnh mẽ việc đào tạo, xây dựng và thu hút người người tài vào trong hoạt động của doanh nghiệp.
Về nguồn lực tài chính, với cơ chế chính sách như hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khoăn.
Do đó, Chính phủ cần có cơ chế chính sách đào tạo nhân lực, tạo nguồn vốn. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình mình và phát triển sản xuất, đầu tư vào công nghệ.
Bên cạnh đó, về các nguồn lực đất đai tài sản, hiện Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều, tuy nhiên việc các doanh nghiệp làm thế nào để tiếp cận được với các nguồn lực đất đai vẫn còn rất nhiều hạn chế phức tạp.
Để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần sớm có giải pháp đồng bộ, gắn chính sách, chủ trương với hành hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Ông nhận định như thế nào về vấn đề quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Đức Thuận: Một doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không là do vai trò của các nhà quản lý. Thành bại của doanh nghiệp nằm trong tay các doanh nhân. Song, công tác quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện rất yếu, kỹ năng quản trị đang thua xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam quan niệm giám đốc là một chức vụ nhưng trên thế giới họ lại quan niệm giám đốc là một nghề. Từ thực tế trên thế giới, tổng giám đốc của các tập đoàn lớn đều đi thuê và thi tuyển.
Do đó, chúng ta cần xây dựng một cơ chế để người dân quan niệm giám đốc là một nghề, mà đã là một nghề thì phải có kỹ năng hành nghề.
Việt Nam hiện có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp, tương đương với đó là hàng triêu doanh nhân. Trong hàng ngũ doanh nhân Việt Nam không thiếu những tài năng, tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ rất lớn các chủ doanh nghiệp hình thành theo con đường tự phát.
Chính từ thực tế đó dẫn đến một số lượng không nhỏ các doanh nhân chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng quản trị, quản lý doanh nghiệp. Họ còn nhiều hạn chế về năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị con người và quản trị rủi ro. Trong khi đây là những yếu tố rất quan trọng, quyết định đến sự thành công và phát triển của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, tôi cho rằng, Chính phủ cần sớm có chính sách đào tạo, xây dựng và phát triển một đội ngũ doanh nhân có kỹ năng quản trị, phù hợp với nền kinh tế hiện nay. Qua đó giúp nâng cao sức cạnh tranh, tạo động lực cho sự phát triên của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Gia tộc của bà Nguyễn Hồng Trang, Thành viên HĐQT Công ty thời trang Sơn Kim (SKF), được đánh giá là đã tạo ra sự khác biệt trong nhận thức và tiêu dùng của người Việt trong lĩnh vực đồ lót, đồ mặc ở nhà với một chuỗi giá trị từ thiết kế, sản xuất, hệ thống phân phối cho đến đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D).
Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư mới giá trị cao, đánh dấu sự phát triển trở thành một trung tâm sản xuất, logistics và kỹ thuật số của khu vực.
Startup nông nghiệp tái tạo Husk dù mới về tay Mekong Capital chưa lâu, nhưng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và trở thành điểm sáng của năm 2024.
Hệ thống quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc có thể được xem là nguồn cảm hứng, hình mẫu cho hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.