Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 'Muốn tranh cãi về chính sách thì không thể dịu dàng được'
Kim Yến
Thứ hai, 09/10/2017 - 08:00
Cùng với công cuộc cải cách kinh tế bền bỉ của đất nước kéo dài suốt 30 năm qua, tên bà Phạm Chi Lan luôn được nhắc đến như một người tiên phong với tiếng nói phản biện đầy trách nhiệm và hiểu biết của một chuyên gia kinh tế trước những vấn đề nóng của đất nước, của doanh nghiệp.
Bên trong người phụ nữ nhỏ nhắn, thanh lịch và duyên dáng ấy là một trái tim quả cảm, một cái nhìn bén nhọn sắc sảo và khả năng chinh phục cả từ những quan chức cao cấp nhất trong Chính phủ đến những doanh nghiệp thấp cổ bé họng, để hướng tới một nền kinh tế bình đẳng hơn, minh bạch hơn, tiến bộ hơn cho mọi thành phần kinh tế.
Trong vai trò Tổng thư ký và Phó chủ tịch VCCI, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, bà đã cống hiến không ngừng nghỉ trí tuệ và con tim mình cho quá trình đổi mới và cải cách tại Việt Nam, bền bỉ thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Nhân ngày doanh nhân 13/10 và ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Phạm Chi Lan đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với các nữ doanh nhân trẻ xoay quanh những vấn đề liên quan đến giới nữ tại sự kiện "Phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế hiện đại" vừa được FBNC tổ chức tại TP. HCM.
Trong những nghiên cứu gần đây nhất của mình bà đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ lao động nữ trước làn sóng tự động hóa đang ập đến, bà có thể phân tích rõ hơn?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Có thể thấy rõ nguy cơ này đang diễn ra trong ngành dệt may, da giày. Càng ngày các sản phẩm tinh xảo càng đòi hỏi phải tinh mắt hơn, nhưng khi phụ nữ cao tuổi không còn khả năng làm việc trong ngành này nữa.
Quá trình làm gia công của Việt Nam đã kéo dài 20 năm nay rồi, không còn là thế mạnh của Việt Nam nữa đâu. Vừa rồi có một doanh nghiệp may phía Bắc khoe với tôi đã thải 3000 nữ công nhân và tự động hóa hết rồi.
Ở phía Nam còn có nhiều doanh nghiệp trong ngành may mặc và giày dép nữa đã chuyển sang tự động hóa, có doanh nghiệp chỉ duy trì từ 200 đến 300 công nhân tay nghề cao, còn lại phải thải ra thị trường, vì theo họ nếu không thay đổi một cách cơ bản, sẽ phải đóng cửa hoàn toàn vì không thể cạnh tranh.
Cách đây 20 năm, khi đến thăm một doanh nghiệp Hải Phòng, tôi toàn thấy nữ độ tuổi trên dưới 20 - 25, hỏi tại sao không thấy có phụ nữ lớn tuổi? Câu trả lời nhận được là: Nghề dệt thảm ngoài 30 tuổi là bị loại rồi. Trong suốt hành trình cùng VCCI, bà đã có những hành động gì để kiến nghị với Nhà nước giải quyết những lực lượng phụ nữ ngoài 30 tuổi này?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Suốt 37 năm tôi làm việc ở VCCI, nhiệm vụ chính là tập trung hết công sức vào làm thế nào để có môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp tư nhân. Mãi đến năm 1999 mới có được Luật Doanh Nghiệp, từ lúc có luật đến lúc thực hiện cũng phải chiến đấu tiếp để loại bỏ các loại giấy phép con.
Sau khi loại bỏ khoảng 200 giấy phép con, thì mấy năm sau, giấy phép con lại bùng lên và bây giờ có đến … 5.200 loại điều kiện kinh doanh!
Đó là cuộc chiến không lúc nào ngừng nghỉ. Tôi chỉ tham gia một phần rất nhỏ, sau này tiếng nói của các cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau lên tiếng rất nhiều mới có được môi trường kinh doanh đỡ vất vả hơn cho doanh nghiệp như hôm nay
Bà có nghĩ rằng, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ đi ngược với việc bảo vệ quyền lợi của các phụ nữ lớn tuổi?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi không nghĩ điều này là nghịch lý, chủ nhân của các hộ kinh doanh nhỏ, bán lẻ hiện nay gồm rất nhiều phụ nữ lớn tuổi, nhân viên của họ cũng gồm nhiều phụ nữ không bị phân biệt về tuổi tác, lớn tuổi vẫn làm được.
Nhưng nếu chúng ta cứ chạy theo theo tiêu chí lao động giản đơn, giá rẻ trong các ngành công nghiệp thì thực trạng cứ ngoài 35 là bị loại ra khỏi doanh nghiệp sẽ kéo dài dài thôi, nên phải cơ cấu lại đầu tư, ngành nghề, tránh bẫy lao động giá rẻ.
Tất nhiên nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tận dụng nguồn lao động giá rẻ Việt Nam, nhưng Nhà nước phải định hướng để doanh nghiệp đi theo phát triển ngành nghề, hướng đến gia tăng chuỗi giá trị toàn cầu. Còn cứ mãi chạy theo lao động giá rẻ thì lao động có kỹ năng, tài nguyên đất nước đều cạn kiệt. Đây là hệ quả của cả một chính sách kéo dài của đất nước.
Dường như kinh tế Việt Nam đã gia nhập kinh tế thế giới một cách… lười biếng? Chỉ có hai bàn tay, đất đai, còn phân phối, thị trường, tay nghề, hậu mãi… thì “kiên trì” bán ở mức thấp nhất?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng gia công giày cho Nike, nhưng chỉ một thời gian ngắn chừng 5 năm, còn Việt Nam ở vị trí gia công ¼ thế kỷ rồi mà vẫn vô cùng tự hào về điều đó.
Chiếc giày Nike mang tiếng là “Made in Vietnam” nhưng thực ra giá trị gia tăng rất thấp, chúng ta chỉ được hưởng khoảng 1 USD trong đó. Câu chuyện phụ nữ lớn tuổi gặp khó khăn phải chăng vì điều đó?
Người Việt Nam cứ tự khen mình là chăm chỉ, nhưng tôi cũng ngờ ngợ lắm. Chăm chỉ theo tôi là làm việc có suy nghĩ, chứ không chỉ là cái máy tuân theo sự chỉ bảo của người khác. Với các nhà quản lý, chăm chỉ theo tôi trước tiên phải biết nghĩ cho doanh nghiệp, cho dân tộc, cho đất nước, không chỉ vì quyền lợi cá nhân hay lợi ích trước mắt mà đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá
Trong hội nhập, cũng có điều chúng ta hay “nhận vơ” nhiều quá. Con số 20 tỷ USD dệt may xuất khẩu mỗi năm mình chỉ có một phần nhỏ trong đó, nhiều nhất chỉ tới 15% thôi. Ngay điện thoại Samsung cũng vậy, cứ ngộ nhận đấy là của mình thật… tức cười quá.
Mình cứ lùi dần tỷ lệ xuất khẩu, trong khi tỷ lệ nhập khẩu của nước ngoài ngày càng tăng lên. Nếu cứ ngộ nhận thì sẵn sàng mang FDI về, trải thảm đỏ cho họ rồi tính kết quả xuất khẩu, thu nhập của họ là thành tích của mình. Một ngày nào đó họ thấy môi trường nước khác tốt hơn sẽ bỏ đi thì mình chới với.
Trong tiêu dùng, phụ nữ Việt Nam có quá xa xỉ không?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ chỉ người nào kiếm tiền một cách quá dễ dãi không bằng công sức của mình mới tiêu xài xa xỉ thôi, còn người đổ mồ hôi nước mắt ra kiếm đồng tiền không tiêu xài như vậy đâu. Cứ nhìn vào cách tiêu tiền của ông chủ Facebook, ông chủ Microsoft thì thấy rõ, người giàu đâu có tiêu xài xa xỉ.
Phần lớn phụ nữ Việt Nam biết tiết kiệm, muốn chung tay đóng góp với gia đình, hy sinh vì gia đình. Có biết bao người chị phải hy sinh việc học của mình để ra đời làm việc, kiếm tiền cho các em được đi học. Phụ nữ thường tằn tiện, tuy nhiên, tằn tiện không có nghĩa là keo kiệt, không biết nghĩ đến người khác.
Nhu cầu mưu sinh của người phụ nữ vẫn là số 1, vì vậy họ biết lo để tiêu tiền một cách hiệu quả. Nhất là phụ nữ kinh doanh đều ý thức phải để dành cho những lúc rủi ro. Thành thói quen, họ biết đồng tiền sau này sinh sôi nảy nở, biết quý trọng đồng tiền để dùng nó một cách hiệu quả hơn
Tôi cũng tham gia với các chị trong CLB Doanh nhân nữ ở Hà Nội, các chị rất tích cực tham gia từ thiện, sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra để cứu giúp những số phận nhỏ nhoi, những chuyến đi từ thiện với các chị rất vui.
Nói về tinh thần tiết kiệm, dường như quan chức nước ngoài ý thức điều này hơn so với người Việt?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi thấy nhiều doanh nhân nước ngoài, kể cả bà cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam vẫn đi máy bay hạng thường trong các chuyến bay trong nước, trong khi mấy quan chức nhà nước cấp vừa thôi lại nghiễm nhiên ngồi hạng C.
Mình ngửa tay xin tiền họ lại nghiễm nhiên ngồi hạng C, trong khi người ta đi hạng thường, không biết các quan chức này có tự thấy xấu hổ hay không
Theo bà, các doanh nhân nữ có lợi thế và bất lợi gì trong kinh doanh? Phải chăng trong công việc, phụ nữ là người uyển chuyển, dễ lách hay không?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Uyển chuyển thì đương nhiên rồi, nhưng lách thì đàn ông có khi lại giỏi hơn nhiều đó, vì mình thấy nhiều đàn ông to khỏe nhưng luồn lách thì không ai bằng. Người phụ nữ thành đạt, đàng hoàng thì không bao giờ chấp nhận luồn lách đâu
Như chị Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk chẳng hạn. Vào thời điểm đất nước mới có chủ trương cổ phần hóa, nếu chị cứ bình bình một cách vui vẻ để hưởng bầu sữa bao cấp thì làm sao có Vinamilk như hôm nay. Phải có khát vọng, cố gắng không ngừng nghỉ để vượt lên, trở thành hình mẫu tiên phong của đất nước trong cổ phần hóa. Hay như chị Mai Thanh, Chủ tịch tập đoàn REE, cũng là một phụ nữ tiên phong trong cổ phần hóa.
Những người phụ nữ như vậy rất có ý chí, vì vào thời điểm Việt Nam mới cổ phần hóa, chưa biết tương lai sẽ thế nào, nếu không ý chí rất mạnh để vượt lên một cách chủ động, sáng tạo, thì làm sao tạo dựng được những thương hiệu lớn cho đất nước.
Thứ hai là đam mê công việc, không phải chỉ cho cá nhân mình mà cho sự nghiệp chung, cho ngành nghề mình, từ đó có khả năng học hỏi, thu hút những người cùng chia sẻ đam mê. Nếu bản thân người đứng đầu không có ý chí, đam mê thì không thể lôi kéo người khác cùng cống hiến
Điều thứ ba tôi rất thích ở các chị là vẫn rất phụ nữ, mỗi lần gặp nhau đều trò chuyện về con cái, về gia đình. Giữ được sắc thái nữ trong công việc vốn dành cho đàn ông là điều rất đáng quý. Đối với tôi các chị còn là một tấm gương. Để giữ cho mình vẫn là phụ nữ của công việc, của bạn bè rất khó.
Trong một lần trò chuyện, bà từng thổ lộ: “Tôi có thể thiếu thời gian cho công việc nhưng không thiếu thời gian cho gia đình”?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đó là nỗ lực để mình luôn cố gắng phải cân bằng thôi, vì có nhiều lúc công việc không dứt ra được, tôi phải cậy nhờ mẹ lo cho con trai, lo cho chồng vì ông ấy chỉ biết mỗi món…luộc trứng. Nhưng sau những ngày căng thẳng ấy, tôi thường phải giảm cường độ ngay để bù lại những thời gian thiếu hụt cho gia đình
Quả thật những ngày làm việc ở VCCI thời đầu đổi mới, cùng một lúc có nhiều đoàn khách nước ngoài đến gặp gỡ, mình phải tháp tùng, tìm hiểu họ mong muốn cái gì, nhiều khi không dứt ra được. Nhưng tôi luôn khoanh lại thời gian nhất định để cân bằng lại, vì thời gian mỗi người chỉ có ngần ấy thôi.
Nhiều nữ doanh nhân vô cùng thành đạt, nhưng lại thường đau khổ vì chuyện chồng con…?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Người ta thường hay nói đằng sau một đàn ông thành công là một phụ nữ hiểu biết, nhưng tôi muốn thêm vào “Đằng sau một phụ nữ thành công là một người đàn ông biết chia sẻ”.
Nhiều trường hợp phụ nữ lên đỉnh cao thì gia đình đổ vỡ, thành công ấy cũng không thể trọn vẹn được.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển quá nhanh, mỗi người là một nhà báo, đời sống cá nhân ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là doanh nhân, làm thế nào để có thể bớt được ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội để cân bằng lại mình, tránh nguy cơ đổ vỡ gia đình?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Dưới tác động của mạng xã hội, phải ý thức được mỗi chúng ta, những người ở tuổi trưởng thành, phải trở thành người độc lập. Trước hết phải giữ mình là mình, tự mình đứng vững trước mọi ảnh hưởng, vì mỗi người quỹ thời gian có hạn, nếu cứ ngồi nghe mọi bình luận sẽ bị rối. Phải biết chọn lọc, tiếp nhận những thông tin cần thiết, và để dành thời gian nghĩ đến cuộc sống thực sự của mình.
Mỗi ngày tôi dành khoảng 2 giờ để đọc những thứ trên mạng thôi, vì còn bao nhiêu bài viết, cuốn sách hay để đọc, bao nhiêu nghiên cứu phải suy nghĩ. Đừng để cho mình bị “lôi đi sềnh sệch” bởi bao nhiêu thứ khác ngoài mình.
Tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi cũng khuyên phải biết kiềm chế trước cơn lốc thông tin của mạng xã hội, để tập trung vào công việc và cuộc sống của chính mình. Không tự chủ được mình thì làm sao bảo vệ được mình. Trước những lời trái tai, phải biết mọi yêu ghét là bình thường, đâu có thể đi thanh minh cho tất cả mọi người.
Tôi là người hay nói thẳng, vẫn biết mình nói thế có người sẽ cạch mặt, có người ghét, nhưng mình vẫn sống đúng là mình thôi, không thể khác.
Theo bà, vai trò của các hiệp hội ngành nghề, các hiệp hội phụ nữ như thế nào để phụ nữ độ tuổi từ 30 trở lên không bị đẩy ra khỏi guồng quay của xã hội, trở thành những người yếm thế, bị tổn thương?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Điều tôi mong muốn không gì hơn đã là công đoàn phải hoạt động đúng với nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi người lao động. Những vị chủ tịch được bầu lên phải là những người biết làm việc, có trách nhiệm. Các hội đoàn khác cũng vậy, nếu chỉ dùng hội đoàn như chỗ dựa để thăng tiến thì không thể giúp gì cho phụ nữ và trẻ em đâu.
Tôi cũng đi nhiều nơi vùng sâu vùng xa, thấy các chị hội phụ nữ hoạt động rất tốt, biết chăm lo cho chị em. Nhưng cũng còn không ít các vị chủ tịch hiệp hội chỉ là người làm quan. Hội đoàn phải là nơi biết lắng nghe, giúp nhau vượt lên, chứ không phải là nơi thăng quan tiến chức.
Riêng cá nhân tôi thấy một nghịch lý rất rõ lâu nay Chính phủ Việt Nam ít lo chỉ số công ăn việc làm, mà chỉ chăm chăm vào GDP hàng tháng, hàng quý. Còn các nước khác họ không lo chỉ số tăng trưởng bằng lo chỉ số việc làm cho dân đâu. Hơn nữa, chỉ số mất việc hay thất nghiệp của Việt Nam rất không đáng tin cậy.
Đối với Việt Nam trong 10 năm tới, chỉ số việc làm phải là chỉ số quan trọng nhất, nhưng nếu trót mời mấy ông FDI về thì làm sao cho họ đóng góp vào chỉ số này một cách tích cực và dài hạn đây?
Mặt khác, phải nâng cao kỹ năng của phụ nữ trước làn sóng tự động hóa, lo để biết tính trước 10 năm tới những cách thức, kỹ năng mới nào cần được xây dựng, để người phụ nữ có thể tự tìm đường sống cho mình.
Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho phụ nữ có khả năng chuyển sang công việc khác. Vì số lượng mất việc không phải chỉ là lao động chân tay đâu, theo một nghiên cứu ở Mỹ, trong tương lai 40% luật sư, nhà nghiên cứu sẽ mất việc làm. Quan trọng nhất là nhà nước phải biết tính trước tương lai cho người dân, để giúp họ biết thích ứng khi sử dụng những công cụ hiện đại
Trong báo cáo Việt Nam 2035, chúng tôi đã hình dung những thách thức của Việt Nam trong thời gian tới, và khuyến nghị các ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp sẽ cần phát triển mạnh, vừa tận dụng sức mạnh công nghệ, vừa tạo thêm những việc làm mới.
Trong tương lai, số lao động trực tiếp trên đồng ruộng chỉ còn 15-20% thôi, còn 20-25% chuyển sang các ngành dịch vụ, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp và chế biến nông sản. Đó là cánh cửa mở ra, để người lao động có thể tận dụng thế mạnh của mình. Giáo dục-đào tạo cũng phải cải cách mạnh, tham gia tích cực, giúp người lao động có thể chuyển sang việc khác.
Theo xu thế thế giới, công việc sẽ chia nhỏ ra, không có nhiều nhà máy cực lớn nữa, mà là những quy mô nhỏ hơn, một nhà máy may chỉ 15-20 người thôi vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu khi ứng dụng tự động hóa, 3D, dữ liệu lớn…
Là người trực tiếp tham gia vào Báo cáo Việt Nam 2035, bà tâm đắc điều gì nhất? Tại sao báo cáo này những người cần biết nhất là quan chức các tỉnh thành lại ít được biết đến, phải chăng vì cản trở trong truyền thông?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi cũng ngạc nhiên khi mình được chọn tham gia viết báo cáo này. Các anh nói muốn có tiếng nói độc lập, hơn nữa tôi là người nghiên cứu dài về kinh tế tư nhân, và có nhiều người từ các Viện khác cùng tham gia.
Trước khi bắt tay thực hiện, chúng tôi hỏi ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư: “Vậy thông điệp quan trọng nhất đặt ra của báo cáo là gì?". Ông nói “là cải cách thể chế”. Tôi mừng quá, vậy là đúng với ý của mình rồi.
Chương quan trọng nhất trong báo cáo là chương cuối cùng "Thể chế hiện đại", đó là thông điệp xuyên suốt, cũng là thành công của chúng tôi khi nghiên cứu cùng Ngân hàng Thế giới. Nếu không thông suốt về cải cách thể chế thì không thể làm được điều gì khác.
Đúng là có giới hạn trong truyền thông thật. Một số cuộc trình bầy Báo cáo đã được tổ chức ở các nơi, song vẫn có người muốn chờ Ngân hàng Thế giới rót thêm tiền cho truyền thông đã, nhưng tôi nghĩ phải đưa ngay những thông điệp của báo cáo 2035 vào xã hội một cách rộng rãi hơn. Tôi hứa là lần sau vào TP. HCM sẽ mang theo báo cáo này cho quý vị.
Bí quyết gì giúp bà giữ được sự kiên nhẫn và dịu dàng suốt bao năm trời đấu tranh cho doanh nghiệp tư nhân?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nói thật với các bạn, muốn tranh cãi về chính sách thì không thể dịu dàng được đâu. Trong cái “thế giới của đàn ông” ấy, đôi khi tôi là phụ nữ duy nhất, nhưng phải nói rất mạnh mới đạt được kết quả
Đến tuổi này rồi, có những lúc cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng tôi vẫn tự hỏi tại sao bao nhiêu người cố gắng thế mà hạn chế vẫn tồn tại, như chuyện giấy phép con ấy, mình cố gắng dẹp đi thì nó lại bùng lên dữ dội hơn.
Làm sao mà mình có thể ngồi yên, bỏ ra ngoài tai tất cả những bức xúc chia sẻ của doanh nghiệp được? Thực sự trong đội ngũ chuyên gia, đến thời điểm này, những người dám nói mạnh mẽ cũng không còn nhiều đâu!
Ba chữ viết tắt VAT làm tôi chợt bật ra câu hỏi: Vì Ai (mà) Tăng thuế? Vì Ai Thế? Ở một đất nước mà Nhà nước khẳng định là “của dân, do dân, vì dân”, thì rút cuộc tăng thuế VAT lần này là do ai, vì ai?
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.