Ươm cây gây rừng trong đổi mới sáng tạo

Hường Hoàng - 09:13, 11/09/2023

TheLEADERKhép lại mùa 3, chương trình Huấn luyện đổi mới sáng tạo S-Growth Innnovation Coaching (SIC) đã mở ra một hành trình mới cho hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia – hành trình nhân bản và hội nhập.

Ươm cây gây rừng trong đổi mới sáng tạo
Những thành viên của SIC mùa 3 (Ảnh: BK Holdings)

Việt Nam đang chuyển mình mỗi ngày để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, bước sang nền kinh tế tri thức. Để thực hiện hóa được mục tiêu này, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố thiết yếu.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với việc thiếu hụt lực lượng cán bộ nguồn, đặc biệt là cố vấn, huấn luyện viên được đào tạo chuyên môn sâu và bài bản để thúc đẩy, áp dụng và triển khai đổi mới sáng tạo.

Do đó, cần có những chương trình đào tạo huấn luyện chuyên sâu tiếp cận theo hướng tập trung vào ứng dụng thực tế đi cùng sự đồng hành chính thống của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Và SIC là một chương trình hội tụ tất cả những yếu tố đó.

Hành trình gieo những hạt mầm

Chị Jen Vũ Hường, Giám đốc phát triển chương trình và cộng đồng hệ thống BK Holdings, cho biết: “Vào tháng 2 năm 2021, nhận nhiệm vụ từ đề án 844, anh Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - NATEC), anh Phạm Dũng Nam (Giám đốc Văn phòng 844), anh Nguyễn Trung Dũng (Giám đốc BK Holdings) và anh Phạm Tuấn Hiệp (Giám đốc BK Fund) đều rất trăn trở để không những có thể tạo ra được một đội ngũ cố vấn, huấn luyện cho các doanh nghiệp mà còn có thể kiến tạo các cuộc chơi cho các doanh nghiệp ở góc độ chương trình”.

Để trả lời được câu hỏi đó, NSSC và BK Holdings đã tìm đến với GCI (Growth Coaching International) - tổ chức đào tạo huấn luyện viên quốc tế. Với đội ngũ 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, GCI thực sự lo lắng vì họ chưa hình dung được rằng tri thức hơn 20 năm của họ sẽ được chuyển giao cho ai, như thế nào vì văn hóa khác nhau và người nhận những tri thức sẽ làm gì sau đó.

Cho đến tháng 12 năm 2021, sau khi gặp những học viên tham gia SIC mùa 1, bà Claudia Owad - giám đốc GCI mới bớt băn khoăn. Khi đó, GCI đã biết rằng những tri thức của họ sẽ được đưa đến những người có tâm, có tầm và có tác động đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam – cả khối giáo dục đại học, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Cho đến nay, chương trình đã đào tạo được hơn 30 cán bộ nguồn đến từ 12 tỉnh thành trên toàn quốc, bao gồm các lãnh đạo quản lý vườn ươmtrung tâm đổi mới sáng tạoquỹ đầu tư, chủ doanh nghiệp…

Những trái ngọt đầu tiên

Sau 3 mùa, Chương trình đã đào tạo, huấn luyện cho tất cả 60 nhà sáng lập, 65 SMEs, 27 chuyên gia, 8 nhà/quỹ đầu tư, thực hiện 160 phiên cố vấn huấn luyện, thành lập 1 quỹ, thành lập 1 doanh nghiệp. Cho đến nay, SIC đã tạo được những kết quả khả quan cho các học viên tham gia.

Điển hình, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (SICer mùa 1), Phó giám đốc Viện nghiên cứu y học Đinh Tiên Hoàng, đã chuyển đổi thành công viện nghiên cứu của mình từ hình thức SMEs sang hình thức Holdings, từng bước khai thác các sáng chế, công trình nghiên cứu một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững.

SIC 3: Ươm những mầm cây, gây những khoảng rừng đổi mới sáng tạo
Sau SIC, giảng viên, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương đã chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp mình, tạo ra doanh thu tốt từ những nghiên cứu khoa học và sáng chế (Ảnh: Thanh Hương)

Năm 2022, anh Đỗ Minh Phương (SICer mùa 1), Giám đốc kiêm Nhà sáng lập Co-working PUSH, đã cho ra mắt startup Cơm 9 Phút. Trong năm 2023, dự án startup này của anh đã nhận được nhiều vốn đầu tư, lọt vào top 20 tại TECHFEST VIETNAM 2022 và đã lọt vào vòng sâu của Shark Tank Việt Nam 2023.

Còn với chị Vũ Thị Minh, Phó trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế, Đại học SPKT Vinh, chị đến với SIC mùa 3 với mong muốn có thể hỗ trợ, đồng hành cùng hoạt động đổi mới sáng tạo của cơ quan và địa phương một cách cụ thể và bài bản.

Được trường giao cho trách nhiệm làm công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ sinh viên tham gia các hoạt động khởi ngiệp, đổi mới sáng tạo, và đã hướng dẫn một số dự án khởi nghiệp thành công ở tỉnh, tuy nhiên chị Minh vẫn cảm thấy cách làm của mình dựa trên kinh nghiệm, sự nhiệt huyết chứ chưa có phương pháp luận. Chỉ khi đến với SIC, chị mới tìm được câu trả lời của mình với những kiến thức, đường lối và công cụ lớp lang, chắc chắn.

SIC 3: Ươm những mầm cây, gây những khoảng rừng đổi mới sáng tạo 1
Chị Vũ Thị Minh, Phó trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế, Đại học SPKT Vinh (Ảnh: BK Holdings)

“Quá trình làm việc cùng mọi người khiến mình hiểu hơn thế nào là khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ một người đi mò mẫm, SIC đã đưa cho mình một con đường đi rất rõ ràng. Chính startup của Minh cũng nhận được sự hỗ trợ một cách vô điều kiện từ các thành viên SIC. Có hôm mọi người đã thức đến tận 11h để hỗ trợ startup của mình. Mình rất xúc động trước những tình cảm ấy”, chị Minh chia sẻ.

Mang ước vọng góp phần vào sự phát triển quê hương, năm 2016, anh Phan Văn Hiếu từ bỏ công việc ở một tập đoàn lớn ở Hà Nội để về Nghệ An. Không chỉ tự xây dựng doanh nghiệp của chính mình, anh còn mong muốn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh ở quê nhà.

“Lúc đó ở Nghệ An, số lượng doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi cố gắng tìm hiểu, tham gia tất tần tật những sự kiện, chương trình từ của doanh nghiệp, đoàn thể cho đến chính quyền để cùng với các anh chị doanh nghiệp Nghệ An tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp trẻ đổi mới sáng tạo ở Bắc Nghệ An và Nam Thanh Hóa.

Nhưng khi sự nhiệt tình và bản năng đi qua, xã hội ngày càng thay đổi, khoảng sau vài ba năm, chúng tôi thấy mình không biết chia sẻ thêm những gì cho những doanh nghiệp trẻ. Sau khi tham gia SIC, tôi đã tìm được định hướng cho tổ chức, có nhiều góc nhìn và sự rõ ràng hơn”, anh Hiếu chia sẻ.

Chuyển giao và hội nhập

Nhìn thấy tiềm năng tác động của SIC đối với mạng lưới doanh nghiệp tại quê hương, sau khi tham gia mùa 3, anh Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty luật Gia Việt, đã đề xuất nguyện vọng nhân bản chương trình này tại Nghệ An, để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại đây.

SIC 3: Ươm những mầm cây, gây những khoảng rừng đổi mới sáng tạo 2
Anh Phan Văn Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty luật Gia Việt, đề xuất nguyện vọng nhân bản chương trình SIC tại Nghệ An (Ảnh: BK Holdings)

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện SIC, một số thành viên gạo cội của SIC đã đồng sáng lập công ty LICA (Leadership Innovation Coaching Academy) nhằm áp dụng hoạt động huấn luyện và cố vấn của SIC vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực tế. Đây là môi trường mà tất cả các SICers có thể cùng nhau hợp tác, tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp, giá trị kinh tế cho các thành viên và giá trị chung cho xã hội.

Không chỉ vậy, trong thời gian tới, với mong muốn nâng tầm hoạt động huấn luyện, cố vấn đổi mới sáng tạo của Việt Nam lên tầm quốc tế, ban tổ chức SIC đã đăng ký với Đề án 844 trong việc hỗ trợ cộng đồng SIC có thể ghi tên mình lên bản đồ EMCC thế giới.

Đáng lưu ý, EMCC là Hội đồng Cố vấn và huấn luyện Châu Âu (European Mentoring and Coaching Council – EMCC). Đây là một trong số rất ít đơn vị dẫn đầu về huấn luyện và cố vấn tại Liên minh châu Âu và trên toàn cầu. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có 6 cá nhân tại Việt Nam nhận được chứng nhận này.

Nếu đạt tiêu chuẩn EMCC, các cố vấn, huấn luyện viên đổi mới sáng tạo không chỉ nâng được trình độ chuyên môn, kĩ năng của bản thân, mà còn có khả năng đồng hành, hỗ trợ không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.