Vì sao các startup lại thất bại?

Việt Hưng - 21:15, 05/04/2019

TheLEADERNhững con số và báo cáo gần đều cho thấy, thị trường startup Việt Nam đang bước vào giai đoạn "thăng hoa", nhưng thực tế triển khai không phải là không có trở ngại. CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới cho hay, tỉ lệ startup thất bại trên thế giới nói chung dao động từ 75 - 90%.

Thời của startup Việt Nam

Báo cáo về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam năm 2018 thực hiện bởi tổ chức Topica Founder Institute (TFI) cho biết, tổng số vốn đầu tư vào startup Việt hiện đã lên đến 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm trước.

Đồng thời, trong năm 2018 này, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup, tương đương năm 2017, và tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD).

Hiện 6 lĩnh vực đang được rót vốn nhiều nhất lần lượt là Fintech (117 triệu USD), Thương mại điện tử (104 triệu USD), TravelTech (64 triệu USD), Edtech (54 triệu USD), Logistics (54 triệu USD) và Bất động sản online (47 triệu USD).

Một tín hiệu đáng mừng là năm qua, giới khởi nghiệp chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures. Hay gần đây, quỹ đầu tư của Tập đoàn Vingroup - Vingroup Ventures cũng công bố ngân sách đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Vẫn còn đó những trở ngại

Những con số và báo cáo gần đều cho thấy, thị trường startup Việt Nam đang bước vào giai đoạn "thăng hoa", nhưng thực tế triển khai không phải là không có trở ngại. CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới cho hay, tỉ lệ startup thất bại trên thế giới nói chung dao động từ 75 - 90%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại này. Và một trong số những nguyên nhân cốt lõi chính là việc các startup chưa tận dụng được hết sức mạnh của công nghệ, cũng như chưa biết cách áp dụng công nghệ vào trong mô hình kinh doanh của mình. Từ đó khiến startup khó đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như mong đợi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc công nghệ (CTO) Luxstay cho rằng: "Khởi nghiệp không nhất thiết phải dựa trên nền tảng công nghệ, nhưng nếu thiếu, chắc chắn startup sẽ khó có được sự phát triển như mong đợi. Nhất là ở thời điểm khi nhiều doanh nghiệp phải chật vật gọi vốn đầu tư thì không ít startup công nghệ lại gọi được những nguồn vốn lên đến hàng triệu USD".

Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã có gần 15 năm gắn bó trong ngành CNTT.Ghi dấu ấn bằnggiải nhất cuộc thi Startup Weekend vào năm 2013, ông Thắng sau đó phát triển sự nghiệp tại Harvey Nash Việt Nam (Nash Tech). Cuối 2014, ông chuyển sang đầu quân cho một trang TMĐT có tiếng.

Nói về thị trường CNTT ở Việt Nam nói chung, thị trường startup Việt Nam nói riêng, CTO Luxstay nhận định, đây là thời điểm tốt. Mặc dù vậy, để xây dựng và tìm kiếm những người đồng hành đúng nghĩa có thể đóng góp, cũng như phát triển công nghệ cho startup vô cùng khó khăn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Chúng ta đều biết, tận dụng được tối đa công nghệ có nghĩa là con đường dẫn tới thành công sẽ gần hơn. Nhưng điều đó không bao giờ là dễ dàng. Tôi tin chắc, người đứng đầu startup sẽ rất cô đơn nếu không tìm được những người đồng hành thực sự nghiêm túc trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm", ông Thắng cho hay. 

Vị CTO diễn giải, ví dụ như một nhóm các bạn trẻ tạo ra một sản phẩm và muốn sử dụng sản phẩm đó để khởi nghiệp, đó là điều rất tốt. Nhưng để sản phẩm được nhiều người biết đến chúng ta vẫn cần sử dụng các yếu tố công nghệ bên trong đó.

Khác với trước đây, startup phát minh ra một sản phẩm, nếu đơn thuần chỉ là qua truyền miệng thì sẽ mất rất lâu mới được người dùng biết đến và sử dụng. Còn ngày nay, với sự bùng nổ của Internet, cùng sự phát triển của các phương thức marketing hiện đại, sản phẩm sẽ nhanh chóng được biết đến rộng rãi trong thời gian ngắn.

Vì sao các startup lại thất bại?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - CTO Luxstay

Sai lầm của đại đa số startup

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, sai lầm của đa số các startup là giải quyết quá nhiều bài toán cùng lúc và không có những định hướng cụ thể đối với mỗi giai đoạn phát triển của sản phẩm.

"Thời gian khó khăn nhất với một startup là từ 1 - 2 năm đầu, vì đây là khoảng thời gian xảy ra nhiều thay đổi nhất đối với sản phẩm. Trừ khi startup đáp ứng được nhu cầu thị trường, khả năng gọi vốn, cũng như thành công sẽ cao hơn, tiến tới mục tiêu "kỳ lân" dễ dàng hơn", ông Thắng nói.

Đề cập tới câu chuyện thiếu vắng startup "kỳ lân" tại Việt Nam, CTO Luxstay cho rằng, không thểchỉ trong một thời gian ngắn mà đạt tới mục tiêu này. Bởi thông thường, một công ty phải mất tối thiểu 3năm để có thể xây dựng được một sản phẩm tạm ổn. Tồn tại được 5 năm, startup mới bắt đầu thu được kết quảnhất định, tạm gọi là các transaction (giao dịch) với số lượng lớn, chưa nói gì tới việc hóa "kỳ lân".

Chia sẻ về thị trường khởi nghiệp du lịch, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay: "Công nghệ sẽ quyết định 50% thành công của một startup".

Vị CTO lý giải: "Hiển nhiên một điều rằng, khi bạn muốn tìm chỗ nghỉ ngơi hoặc giải trí cùng người thân, công việc hay một mục đích nào đó, bạn sẽ tham khảo qua bạn bè hay thử tìm kiếm trên các trang mạng xã hội. Ngay cả các công cụ thanh toán cũng đều được thực hiện trên Internet góp phần làm tăng trưởng thị phần du lịch".

Theo ông Thắng, hiện tại Luxstay không chỉ dừng lại ở riêng homestay, mà sẽ phát triển một hệ sinh thái xoay quanh hoạt động thuê và cho thuê nhà để đáp ứng mọi yêu cầu lưu trú của khách hàng.

Tất nhiên, nhiều startup cùng lĩnh vực sẽ tạo động lực cho sự phát triển thị trường. Mục tiêu thì bất kì startup nào cũng muốn là số 1, nhưng quan trọng nhất là sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Lúc đó, tự khắc sản phẩm sẽ có sự tăng trưởng.

Cá nhân ông Nguyễn Mạnh Thắng kì vọng, năm 2019 các startup sẽ bùng nổ theo xu hướng “super app platform” (ứng dụng tích hợp đa tính năng) có đủ tầm phát triển về công nghệ. Tương tự thị trường Trung Quốc, các super app platform rất phát triển. Có rất nhiều sản phẩm bổ trợ cho nhau trong cùng hệ sinh thái và cùng tập khách hàng.

"Startup sẽ phát triển nhanh khi tệp người dùng, các hệ sinh thái và sản phẩm dịch vụ đi kèm cũng đủ lớn. Cá nhân tôi hay bạn cũng sẽ không thể biết được con số chính xác là bao nhiêu, nên mục tiêu đầu tiên là làm sao để phát triển sản phẩm nhanh nhất có thể", CTO Luxstay nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Thắng, để tiết kiệm thời gian cho việc phát triển tệp người dùng, dịch vụ đi kèm tích hợp cùng các dịch vụ khác trong cùng hệ sinh thái sẽ giúp rút ngắn thời gian phát triển, nguồn lực được tập trung phát triển cho hoạt động kinh doanh chính. Các sản phẩm có cùng chung tập khách hàng nhưng có dịch vụ khác nhau, có thể hỗ trợ được cho nhau để trở thành hệ sinh thái cộng hưởng.