Việt Nam nhận kiều hối nhiều thứ 3 tại Đông Á - Thái Bình Dương

Phương Anh - 10:12, 19/06/2023

TheLEADERSau Trung Quốc và Philippines, lượng kiều hối lớn nhất đổ về Việt Nam năm 2022 với hơn 13,1 tỷ USD.

Tổ chức toàn cầu về di cư và phát triển (KNOMAD) trong thống kê mới nhất cho biết năm 2022, Việt Nam nhận khoảng 13,15 tỷ USD kiều hối, tăng nhẹ so với mức 12,5 tỷ USD của năm trước đó.

Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng chỉ ở mức khoảng 5%, giảm đáng kể so với con số tăng 19% của năm 2021.

Việt Nam nhận kiều hối nhiều thứ 3 tại Đông Á - Thái Bình Dương
Lượng kiều hối chảy về Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 (tỷ USD). Nguồn dữ liệu: World Bank - KNOMAD.

Trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, lượng kiều hối đổ về Việt Nam chỉ ít hơn Trung Quốc (51 tỷ USD) và Philippines ($38 billion).

Dự báo, dòng kiều hối về Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%, đưa tổng lượng kiều hối lên mức 14 tỷ USD trong năm nay. Vào năm 2024, dự báo kiều hối sẽ đạt mức 14,4 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng giảm về 3,2%.

Việt Nam nhận kiều hối nhiều thứ 3 tại Đông Á - Thái Bình Dương
Việt Nam nhận kiều hối nhiều thứ 3 tại Đông Á - Thái Bình Dương

Kiều hối được đánh giá là nguồn vốn lớn thứ hai tại Đông Á sau đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong giai đoạn 2021 - 2022, khi FDI của khu vực này giảm tới 40%, tỷ trọng của kiều hối/FDI đã tăng trưởng nhanh chóng, từ chỉ 29% năm 2021 lên 50% chỉ sau 1 năm.

Trên toàn cầu, sau giai đoạn Covid-19, kiều hối càng trở nên quan trọng hơn với vai trò nguồn tài chính hỗ trợ khi cho thấy việc duy trì khá tốt trong dịch.

Năm 2022, lượng kiều hối chuyển đến các quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình tăng 8%, đạt gần 650 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn dự báo trong báo cáo cách đây nửa năm.

Mức tăng này rất đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn do nhiều thị trường chậm lại, cùng với lạm phát và căng thẳng kéo dài ở Ukraine.

Năm nay, tốc độ tăng kiều hối dự kiến giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 1,4%, đưa tổng giá trị lên mức 656 tỷ USD do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở một số quốc gia nguồn lớn.

KNOMAD dự báo dòng chảy kiều hối sẽ chậm lại ở tất cả khu vực, đặc biệt là chây Âu và Trung Á, sau đó là Nam Á. Tại châu Âu và Trung Á, nguyên nhân là do hiệu ứng cơ bản cao, giảm dòng tiền tới Nga và Ukraine, và sự suy yếu của đồng Rúp so với đồng USD.

Ở Nam Á, sự suy giảm tăng trưởng đến từ tình trạng cắt giảm nhân công ngành công nghệ thông tin trên toàn thế giới, giá dầu thấp hơn ngưỡng dự kiến làm giảm dòng tiền chảy ra từ các quốc gia nằm trong khu vực hợp tác vùng vịnh. Cùng với đó, dòng kiều hối có thể chảy vào các kênh không chính thức khi sự không chắc chắn đang làm giảm triển vọng ở một số nước nhận.