Để hút được kiều hối

Hứa Phương - 09:33, 31/05/2023

TheLEADERTP.HCM đề ra mục tiêu lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng trưởng ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025 -2030.

Hoàn thiện chính sách

Kiều hối được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM. Dù 5 năm qua lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt mức tăng trưởng khá nhưng vẫn còn khiêm tốn so với con số hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2018 kiều hối chuyển về đạt 4,7 tỷ USD, năm 2020 đạt 6,09 tỷ USD, năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD.

Để hút được kiều hối
Bà Trần Tuệ Tri, Việt Kiều Singapore đề xuất phương án thành các quỹ sản xuất như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa

TP.HCM kỳ vọng lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng trưởng ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030. Đồng thời TP.HCM đề ra mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho việc phát triển của thành phố.

Tại hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về các giải pháp thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ông Lệnh cho rằng, cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt là chính sách về kiều hối, cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước như quản lý, phát triển mạng lưới chi trả kiều hối, dịch vụ kiều hối để nhằm thu hút kiều hối chuyển về.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư.

Làm tốt công tác truyền thông chính sách, để cho khách hàng, người dân, người thụ hưởng nắm rõ, sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và chi trả kiều hối nói riêng thuận lợi, tư vấn hướng dẫn việc đổi ngoại tệ và sử dụng nguồn kiều hối hiệu quả.

Ngoài ra cần giúp kiều bào, người Việt Nam đang lao động, học tập tại nước ngoài nắm rõ chủ trương, chính sách và dịch vụ kiều hối của ngành ngân hàng, các thủ tục, quy trình…

Lập quỹ, phát hành trái phiếu

Theo các chuyên gia, có nhiều phương án để huy động nguồn lực kiều hối từ kiều bào.

Đơn cử như tiến sĩ Trần Phương Trà, Giám đốc chương trình quản trị kinh doanh của IPAG Business School (Pháp) đề xuất TP.HCM có thể cân nhắc phát hành trái phiếu kiều hối để duy trì tốc độ tăng trưởng dòng vốn này.

Thông qua phương thức này, Việt kiều sẽ được hưởng lãi suất ổn định, được miễn thuế trên tiền lãi và được bảo đảm mang số tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư.

Còn bà Trần Tuệ Tri, Việt Kiều Singapore đề xuất các ngành chức năng có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa... để hỗ trợ khởi nghiệp.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét nếu so sánh kiều hối với FDI và ODA, thì kiều hối là nguồn lực rất quan trọng cho đất nước, không cần điều kiện ràng buộc, chưa kể kiều hối còn giúp cân bằng cán cân ngoại thương cho Việt Nam không bị thâm hụt.

Để thu hút nguồn kiều hối, theo ông Hiếu, yếu tố kinh tế vĩ mô phải được cải thiện để tăng lòng tin của kiều bào với sự phát triển của đất nước cũng như sự tin tưởng vào những cơ hội đầu tư tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là phải tiếp tục duy trì chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, tiếp tục chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức chức tín dụng.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, cơ chế cấp giấy miễn thị thực và giấy tạm trú cần thông thoáng hơn để mời gọi kiều bào về nước khảo sát cơ hội đầu tư và đầu tư…

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài thì để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, trở thành "lực đẩy" quan trọng đóng góp kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM thì Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào.

Cụ thể, như Luật Đất đai sửa đổi nên cởi mở để nhiều Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam hay tăng cường thu hút nguồn lực kiều bào tham gia vào các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và thành phố thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền thành phố (địa phương) với nhiều ưu đãi.

Ông Peter Hồng cho rằng, đây sẽ là kênh mới tạo điều kiện để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương.