Vinasun làm gì để giải tháo "ngòi nổ" truyền thông?

Võ Đỗ Thắng - 16:45, 10/10/2017

TheLEADERCâu chuyện cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống – xe công nghệ không chỉ là câu chuyện riêng của ngành vận tải. Đây là bài học chung cho tất cả doanh nghiệp.

Vinasun làm gì để giải tháo "ngòi nổ" truyền thông?
Đỉnh điểm của khủng hoảng truyền thông nổ ra khi nhiều xe taxi Vinasun có dán biểu ngữ thể hiện phản đối Uber, Grab. Ảnh: Việt Hương

Sự cạnh tranh và mâu thuẫn giữa hai “phe” đã mầm mống từ hơn hai năm nay. Trong cuộc chiến đó, Vinasun đã đánh mất sự bình tĩnh và mất cả hình ảnh của mình. Khủng hoảng truyền thông về vụ dán biểu ngữ sau xe taxi Vinasun chỉ là giọt nước tràn ly.

Ngay cả lỗi của cấp dưới, người lãnh đạo vẫn phải nhận

Có thể thấy, suốt một thời gian dài, Vinasun đã tạo ra những sự kiện nhắm vào Uber, Grab nhằm “triệt” đối thủ. Kiểu như làm đơn “tố” hãng xe công nghệ nộp không đủ thuế. Làm đơn kiến nghị dừng hoạt động xe công nghệ. Hãng xe truyền thống này cũng đệ đơn lên Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị xếp Uber, Grab vào nhóm taxi như mình, chịu “đeo gông” như mình, phải đăng ký giá, khống chế đầu xe kinh doanh, xin cấp phép như mình…

Có thể thấy tâm lý của taxi truyền thống là muốn loại bỏ đối thủ, chứ không phải muốn cải tiến, cạnh tranh với đối thủ. Từ những động thái trên, Vinasun, Mai Linh… đã mất dần hình ảnh trong mắt khách hàng.

Đỉnh điểm của khủng hoảng truyền thông nổ ra khi nhiều xe taxi Vinasun có dán biểu ngữ thể hiện phản đối Uber, Grab. Khi dư luận bùng nổ phản ứng chê trách cách làm của Vinasun thì lãnh đạo Vinasun lại chối trách nhiệm, đổ lỗi cho tài xế, là sai lầm cơ bản trong xử lý khủng hoảng truyền thông. Lẽ ra, khi sự việc xảy ra, cần có thái độ cầu thị, xin lỗi để xoa dịu thị trường. Ngay cả trường hợp sự cố do lỗi của nhân viên cấp dưới đi nữa thì người lãnh đạo vẫn phải nhận đó là lỗi của mình. Vinasun đã làm ngược lại, châm dầu vào lửa!

Vinasun vẫn nợ lời xin lỗi công chúng

Chọn cách cạnh tranh với các hãng xe công nghệ toàn cầu thì thực sự là con đường rất khó, có khi “chết” trước khi tới đích.

Hiện nay, mặc dù các biểu ngữ đã được gỡ bỏ, nhưng lãnh đạo Vinasun vẫn nợ lời xin lỗi để cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng.

Vinasun cần xây dựng các chương trình nhắm tới phục vụ cộng đồng mới có thể khôi phục niềm tin, cải thiện hình ảnh của họ. Ví dụ những chương trình vận tải ưu đãi dành cho người nghèo, sinh viên, học sinh…

Về lâu dài, các hãng taxi truyền thống cần hoạch định con đường phát triển cho mình. Hiện nay, chọn cách cạnh tranh với các hãng xe công nghệ toàn cầu thì thực sự là con đường rất khó, có khi “chết” trước khi tới đích, vì không có tiềm lực và giỏi công nghệ như họ. Họ đã đi trước và đi quá xa, khó mà theo kịp. Mặt khác, có thể thấy đội ngũ của các hãng công nghệ chủ yếu là người trẻ, người mới. Còn các hãng taxi truyền thống đã đi sau về công nghệ, mà dẫu anh có bỏ tiền ra mua công nghệ thì chưa chắc con người cũ trong các hãng truyền thống đã theo kịp và dùng được công nghệ đó!

Đó là chưa kể các vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng, tài khoản tiền của khách hàng… Rất nhiều công nghệ cần phải đầu tư, chứ không đơn giản chỉ là công nghệ kết nối gọi được chiếc xe là xong.

Có thể kết hợp bán sản phẩm kèm dịch vụ

Thay vào đó, các hãng taxi truyền thống nên tìm cách khai thác, mở rộng những thị phần không phải đối đầu trực tiếp với công nghệ. Ví dụ có thể đưa ra gói vận chuyển thường xuyên, định kỳ, đưa đón học sinh… Thay vì thụ động bắt khách dọc đường thì chủ động cho khách hẹn giờ, đặt lịch.

Đặc điểm của taxi truyền thống là có sẵn logo, thương hiệu, đội xe cố định… có thể kết hợp bán sản phẩm kèm dịch vụ chở khách. Trước đây Vinasun bán bưởi, cũng là một cách khai thác kinh doanh. Bán bưởi không có thể chưa hiệu quả, chưa gây chú ý, thì có thể mở rộng sản phẩm. Tại sao hàng không họ bán suất ăn, bán đồ ăn, bán đồ ăn vặt, bán đồ lưu niệm được, mà khách đi taxi một chuyến vài chục phút lại không có gì để xem, để mua?!

Mặt khác, Vinasun cũng cần tinh gọn bộ máy nhân sự để giảm chi phí. Họ có quá đông nhân viên. Quá nhiều bến bãi, văn phòng, chi nhánh rộng khắp. Trước đây nhìn một doanh nghiệp trải rộng bản doanh thì thấy oai, còn thời đại công nghệ thì sẽ rất oải vì gánh nặng chi phí.

(*) Ông Võ Đỗ Thắng: Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông.