10.000 tỷ đồng có khơi thông được nguồn vốn cho startup Việt Nam?

Việt Hưng - 14:48, 11/06/2019

TheLEADERNhững năm gần đây, vốn đầu tư khởi nghiệp tăng khá nhanh nhưng vẫn chưa thể thỏa mãn "cơn khát" của các startup Việt Nam vì nhiều lý do.

Nguồn vốn đầu tư được xác định là 1 trong 4 trụ cột chính của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD gấp 3 lần năm 2017 và 5 lần năm 2016. 

Dự kiến trong 3 năm tới, nguồn vốn đầu tư cho các startup trong nước sẽ còn tăng nhanh, khi tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Ventures Summit 2019), 18 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết sẽ rót 10.000 tỷ đồng - tương ứng 425 triệu USD cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.

Thực tế, những năm gần đây, vốn đầu tư khởi nghiệp tăng khá nhanh, nhưng vẫn chưa thể thỏa mãn "cơn khát" của các startup Việt Nam vì nhiều lý do.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, nhà sáng lập & CEO ứng dụng gọi xe FastGo cho rằng, nguyên nhân nguồn vốn đầu tư cho startup Việt Nam chưa được khơi thông một phần do các quy trình thủ tục từ lúc ký hợp đồng đầu tư đến lúc hoàn thành đầu tư mất khá nhiều thời gian.

Điều này gây trở ngại cho các startup trong việc giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, ông Tuất đề xuất nên xem xét cắt giảm các điều kiện và giấy phép kinh doanh.

Còn theo ông Lê Xuân Anh, CEO 689Cloud - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực điện toán đám mây, các doanh nghiệp hầu hết đều mong muốn vươn ra thị trường quốc tế và nhận được vốn từ nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy mở rộng thị trường. Do đó, nhu cầu về nhân các nguồn vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài ngày một cần thiết và tăng nhanh.

Thế nhưng, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại về thủ tục pháp lý, chuẩn hóa quy trình, luật bảo hộ cho nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng. Chính vì vậy, các startup Việt bị bỏ lỡ nhiều cơ hội, cách giải quyết phổ biến nhất vẫn là thành lập tại Singapore để nhận vốn từ nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures chia sẻ: "Là người thường xuyên được tiếp xúc với các nhà sáng lập, tôi hiểu rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp thường phải đối mặt với việc thiếu vốn và cần vốn nhanh, một hai tuần đôi khi quyết định sự tồn tại của họ".

Do đó, ông Khanh đánh giá, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của startup Việt Nam là quy trình thủ tục chính sách còn tốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, chỉ cần chậm vài tuần thì đã mất cơ hội được nhận vốn phát triển.

10.000 tỷ đồng có khơi thông được nguồn vốn cho startup Việt Nam?
Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Ventures Summit 2019)

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan đến từ thủ tục, quy trình gọi vốn, ông Nguyễn Việt Đức, nhà sáng lập & CEO ICM (Innovation Capital Management) cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, đến từ chính mặt hạn chế của các startup Việt Nam.

Đầu tiên là chất lượng dự án khởi nghiệp khá thấp, chỉ khoảng 5-10% các startup là có thể rót vốn. Thứ hai là kiến thức và kinh nghiệm của các nhà sáng lập còn non nớt. Thứ ba là thiếu hụt các công cụ tài chính cho đầu tư khởi nghiệp. Cuối cùng là sự rời rạc của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Để tháo gỡ, ông Đức đề xuất, Chính phủ nên là người dẫn dắt, hỗ trợ, tạo ra các chính sách có lợi, cũng như tổ chức một hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ các đơn vị khởi nghiệp, giúp họ đi cùng nhau, và tạo ra giá trị cộng hưởng.

Tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết, các cơ quan quản lý của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các quỹ đầu tư quốc tế, đối thoại để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nhìn chung cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường đổi mới sáng tạo và ủng hộ kết nối với các trung tâm, các startup của Việt Nam để cùng phát triển.

Một tín hiệu đáng mừng là năm qua, giới khởi nghiệp chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures. Song song với đó, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup...

Hiện tại, 6 lĩnh vực đang được rót vốn nhiều nhất lần lượt là Fintech (117 triệu USD), Thương mại điện tử (104 triệu USD), TravelTech (64 triệu USD), Edtech (54 triệu USD), Logistics (54 triệu USD) và Bất động sản online (47 triệu USD).