'3 tại chỗ' để tránh đứt gãy sản xuất trong dịch bệnh

Hứa Phương - 15:28, 20/07/2021

TheLEADERNhiều doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” để đảm bảo an toàn và duy trì sản xuất trong mùa dịch.

Nhằm đảm bảo phòng chống dịch, một số địa phương ở phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện hai phương án là "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến". 

Theo đó, "3 tại chỗ" là ăn, ở và sản xuất tại nhà máy và “1 cung đường, 2 địa điểm” là công nhân có xe đưa đón giữa nơi ở và nhà máy. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu này đã phải tạm ngừng sản xuất, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện để tránh đứt gãy sản xuất.

Do đặc điểm các nhà máy nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách nên Tập đoàn Lộc Trời đã chủ động thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo sản xuất và phòng chống Covid-19.

Cụ thể, từ ngày 13/7, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh An Giang và các tỉnh trên địa bàn có nhà máy đang hoạt động, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai kế hoạch 3 tại chỗ: “sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ” cho toàn bộ người lao động tự nguyện ở lại tập trung tại 6 nhà máy sản xuất hạt giống thuộc ngành giống và 3 nhà máy thuộc ngành sản xuất.

Trong đó, 6 nhà máy sản xuất của ngành giống bao gồm: Định Thành, Lương An Trà, Tà Đảnh (An Giang), Tân Hồng, Động Cát (Đồng Tháp), Gò Dầu (Tây Ninh) và 3 nhà máy thuộc ngành sản xuất bao gồm: phân phón Ân Thịnh Điền (Hậu Giang), bao bì Bình Đức, Châu Thành (An Giang) đều đã tổ chức cho cán bộ nhân viên lưu trú tại nhà máy.

Các nhà máy đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để nhân viên lưu trú cũng như ứng phó khi có các tình huống nhằm duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao hàng, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong khu vực.

Các điều kiện sinh hoạt tập trung được Lộc Trời sắp xếp để không ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của người lao động. Đến thời điểm hiện tại, Lộc Trời đã sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho 313 cán bộ nhân viên ngành giống và tiếp tục sắp xếp cho cán bộ nhân viên tại 3 nhà máy của ngành sản xuất.

“Việc áp dụng phương án 3 tại chỗ của các nhà máy thể hiện rõ tinh thần chủ động ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất”, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết.

Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất giữa đại dịch
Lộc Trời đã chủ động thực hiện phương án “3 tại chỗ” trên phạm vi toàn Tập đoàn đảm bảo sản xuất và phòng chống Covid-19

Còn với Tập đoàn KIDO, do hoạt động sản xuất chủ yếu ở TP. HCM, nơi đang là tâm dịch hiện nay, đã chủ động để cho công nhân ở tại nhà máy trước khi có chỉ thị của thành phố.

Theo đó, KIDO đã bố trí cho khoảng 700 công nhân ở lại 2 nhà máy sản xuất dầu ăn từ cách đây hơn một tháng. Nhà máy sản xuất kem cũng áp dụng "3 tại chỗ" với khoảng 330 nhân sự trong 15 ngày qua.

Ngoài ba bữa ăn chính mỗi ngày, KIDO cũng cung cấp thêm các loại thực phẩm khác như nước cam, sữa chua để tăng cường sức khỏe cho công nhân.

“KIDO thực hiện quyết liệt ngay từ đầu. Tinh thần của người lao động là sẵn sàng ở lại nhà máy cho đến khi hết dịch, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho cả nước”, đại diện KIDO nói.

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các mặt hàng thiết yếu là thịt gà và chứng, Công ty cổ phần Ba Huân đã kích hoạt đã kích hoạt các phương án phòng chống dịch đối với ba phân khu là trang trại, khối chế biến và văn phòng.

Trong đó người lao động tại các trang trại chăn nuôi và khối chế biến được sắp xếp theo phương án “3 tại chỗ”. Còn khối văn phòng sẽ thực hiện giãn cách với mỗi phòng còn 3 người làm việc thay vì 10 người như khi chưa có dịch.

Cung cấp đủ oxy y tế

Không nằm trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm nhưng Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam lại đang đảm nhận vai trò quan trọng trong việc cung ứng oxy y tế cho các bệnh viện chữa trị bệnh nhân Covid-19.

Làm việc với Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ngày 19/7, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam (có nhà máy tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, từ khi tình hình dịch bệnh chưa phức tạp, công ty đã xác định đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cần phải bảo vệ tối đa chuỗi sản xuất.

Do đó, cách đây một tháng, công ty đã triển khai phương án “3 tại chỗ”. Công ty đã chia thành 2 khối nhân lực chính gồm 14 lái xe phụ trách phân phối oxy y tế đến các cơ sở y tế trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận. Tám công nhân trực tiếp sản xuất, bốn kỹ thuật và một số nhân sự văn phòng hành chính.

Hai khối nhân sự trên đã được bố trí chỗ ăn, ở riêng tách biệt. Tất cả nhân viên được test Covid-19 ba ngày một lần. Ngoài ra, công ty siết chặt quản lý những người ra vào và quán triệt các biện pháp 5K. Do vậy, đến nay Messer Việt Nam chưa có F0, chuỗi sản xuất vẫn đảm bảo.

Hiện nay, mỗi ngày Messer Việt Nam sản xuất khoảng 500 bình oxy. Ngoài ra, trong kho của công ty đang dự trữ khoảng 20 khối oxy lỏng, 100-200 chai oxy (2 loại dung tích 6 - 11m3).

Bên cạnh việc cung ứng oxy dạng chai, Messer Việt Nam đã nhập khẩu 2 bồn oxy lớn dung tích 20m3 và 15m3. Dự kiến, 2 bồn oxy này sẽ lắp đặt tại các trung tâm hồi sức hoặc bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.

Trước tình hình dịch Covia-19 ngày càng phức tạp, Messer Việt Nam sẽ tiếp tục nâng công suất lên 1.000 bình oxy y tế/ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho các cơ sở y tế các tỉnh thành.