5 nhóm giải pháp cấp bách phục hồi kinh tế

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 08:49, 27/09/2021

TheLEADERCần có kế hoạch thống nhất hành động cấp quốc gia về phục hồi kinh tế với từng bước đi cụ thể.

5 nhóm giải pháp cấp bách phục hồi kinh tế
TP.HCM phải tiên phong trong việc phục hồi kinh tế

Ngay cả những quốc gia lạc quan, chống dịch hiệu quả nhất cũng khẳng định “Không thể tiêu diệt dịch hoàn toàn” và chuyển từ chiến lược “Zero Covid” thành “Sống chung với virus”. Không phải sống chung với dịch, vì dịch sẽ bị khống chế, tạm thời lùi bước, nằm im, rình rập cơ hội phản công, bùng phát.

Kinh tế - du lịch và hậu dịch

Sản xuất – kinh doanh – dịch vụ là nguồn sống của đất nước, như oxy duy trì cuộc sống. Du lịch là một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch. Gần 2 năm dịch bệnh hoành hoành, trừ các lĩnh vực sản xuất vaccine, khẩu trang, dụng cụ y tế… ngành nào cũng thiệt hại, nặng nhẹ khác nhau. Thiệt hại càng nặng, sức bật càng lớn, như lò xo lâu ngày bị nén.

Kinh tế kiệt quệ, thu nhập giảm sút nhưng hậu dịch, nguồn thu cá nhân và quốc gia sẽ tăng trưởng; tùy thuộc sự chuẩn bị, cách làm và nguồn nhân lực.

Thái Lan có tỷ lệ lây nhiễm gấp đôi Việt Nam, vẫn mở cửa du lịch Phukhet từ đầu tháng 7/2021 và thu về kết quả bất ngờ. Bangkok, các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan, Chiang Mai sẽ mở cửa từ ngày 1/10; các tỉnh khác từ 15/10. Người Thái làm đồng bộ, có trình tự và phương án dự phòng, mở cửa du lịch và các ngành cùng lúc.

Trung Quốc, dè dặt hơn, chỉ mở cửa du lịch nội địa, lượng khách nhiều nơi xấp xỉ trước dịch (2019) nhưng hoạt động xuất nhập khẩu bung mạnh. 

Singapore mở cửa bầu trời, đón du khách và các hoạt động kinh tế khác vào cuối tháng 9, dù dịch bệnh chưa khống chế hoàn toàn. Indonesia, quốc gia bị lây nhiễm và tử vong cao nhất thế giới (theo tỷ lệ dân số) đang chuẩn bị mở cửa Bali, khôi phục các ngành khác…

Việt Nam, dịch bùng phát chậm hơn, mở cửa kinh tế và du lịch cũng trễ hơn, nên có thể rút kinh nghiệm các nước. 

Ngay bây giờ, cần mạnh dạn mở cửa các ngành sản xuất, kinh doanh, du lịch nội địa ở những nơi đủ điều kiện. Kéo dài phong tỏa, chần chừ không chỉ mất đơn hàng, thiệt hại kinh tế và còn dẫn tới nguy cơ mất hợp đồng và quan hệ dài hạn.

Song song đó, khẩn trương nối mạch các hoạt động xuất khẩu và đón khách quốc tế. Mở cửa du lịch nội địa, chỉ cần vài bữa là có khách nhưng mở cửa quốc tế phải vài tháng hoặc nửa năm.

Quan trọng là việc chuẩn bị, gần hai năm, hoạt động gián đoạn, có khi đóng băng hoàn toàn nên không chỉ hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp mà nguồn nhân lực cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Cần có kế hoạch cụ thể, từng bước hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp phục hồi như cho vay ưu đãi, lùi thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội…

Phải có kế hoạch thống nhất hành động cấp quốc gia về phục hồi kinh tế với từng bước đi cụ thể. Có phương án dự phòng và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, tránh tình trạnh cạnh tranh triệt hạ lẫn nhau giữa các địa phương, giữa các đơn vị trong cùng địa phương. Quy định các tiêu chí của khách lẫn đơn vị tổ chức, nhân viên phục và người dân tại chỗ. Không thể tùy tiện, mỗi nơi làm một kiểu, như các tiểu vương trong việc chống dịch vừa qua.

Cạnh tranh bằng chất lượng, tinh thần và thái độ phục vụ, giá cả hợp lý, khuyến mãi hấp dẫn chứ không hạ giá bất chấp, như thằn lằn tự ăn đuôi của mình. Chần chừ, không chỉ “Trâu chậm uống nước đục” mà còn mất thời cơ, bị các nước khác qua mặt.

Có dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm phương án chuyển nhà máy qua các nước khác nếu Việt Nam cứ suốt ngày truy vết F0 rồi tiếp tục phong tỏa. Có những nhà máy dời từ Trung Quốc cũng đang tính quay lại nếu tình hình dịch bệnh Việt Nam không được cải thiện.

Du lịch vui chơi, giải trí, shopping… Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các nước. Hậu dịch, xu thế du lịch thế giới tất yếu là hòa mình với thiên nhiên, với những trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn với biển, núi rừng, nông thôn dân dã… Đó là những ưu thế mà du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác để tận dụng, cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Các đề nghị cấp bách

Thứ nhất, vaccine chủng ngừa phải là ưu tiên hàng đầu. Tận dụng mọi mối quan hệ, mọi nguồn tài chính để có nguồn vaccine cho toàn dân, kể cả trẻ em. Thực hiện tiêm chủng dịch vụ cho các cá nhân và tập thể có nhu cầu để giảm tải áp lực cho nhà nước về tài chính lẫn tổ chức. Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện tự tổ chức tiêm chủng (theo chuẩn quốc gia) và hỗ trợ các đơn vị khác. Nhà nước chỉ bao cấp vaccine cho những người nghèo.

Thứ hai, ngoài lực lượng y tế, ưu tiên tiếp theo phải là doanh nhân; người sản xuất, nhân viên kinh doanh, dịch vụ… thứ tự theo ngành nghề quan trọng, thiết yếu vì đó là mạch máu duy trì sự sống của nền kinh tế. TP.HCM phải là ưu tiên số 1 trong các địa phương về vaccine vì là động mạch chủ của kinh tế cả nước. Có nguồn thu dồi dào, nhà nước mới hoạt động hiệu quả, mới có thể hỗ trợ thiết thực người nghèo.

Thứ ba, cấp bách điều chỉnh và sửa sai các biện pháp chống dịch vừa qua. Từ bị động, cực đoan “Zero Covid” qua chủ động, linh hoạt “Sống chung với virus Covid 19 và các biến thể” như các nước đang làm. Phải hết sức khẩn trương, “nhanh nhưng an toàn”, chứ không đủng đỉnh “chậm mà chắc”.

Thứ tư, chống dịch song hành với phục hồi kinh tế, không dàn hàng ngang mà có trọng điểm. Các chuyên gia tư vấn và lãnh đạo phải liên đới trách nhiệm về các chủ trương chính sách, không đổ tại và bị. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dịch bệnh thử đủ thứ, từ phẩm hạnh, tính cách từng người đến năng lực quản trị của lãnh đạo và thực tiễn cuộc sống của chuyên gia.

Thứ năm, rà soát bộ máy quản lý và mạnh dạn tinh gọn. Các đoàn thể, hội nghề nghiệp phải tự lực kinh phí. Nhà nước có thể hỗ trợ vốn chứ không bao cấp như lâu nay. Đoạn tuyệt với các lễ hội xô bồ, phản văn hóa, mua bán thần thánh; với thói khoa trương cổng chào, tượng đài, hội thảo, hội nghị giải ngân… Điều chỉnh việc phân bổ ngân sách hợp lý cho từng địa phương, không để xảy ra tình trạng “Làm ít, xài nhiều”.

Dân giàu thì nước mạnh và ngược lại.

TP.HCM phải tiên phong

Thành phố vừa có kế hoạch phục hồi kinh tế từ nay đến hết 2021 và đầu 2022, đây là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có phương án dự phòng nếu dịch vẫn không giảm, giảm nhỏ giọt, thậm chí tăng hơn. Cần tổng kết những bài học đắt giá vì thiếu sự chuẩn bị: Từ nguồn vaccine, việc tổ chức tiêm chủng đến nguồn lực chống dịch và phong tỏa; Từ cách điều trị F0, F1, bệnh nền đến các chính sách an sinh xã hội; Từ giấy đi đường, loạn app đến đủ thứ quy định…

Các bài học đó là: Chỉ cách ly F0 nặng và tập trung chữa trị. F0 nhẹ và F1 sẽ cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ y tế.

Không phong tỏa đại trà, trước khi phong tỏa, phải có nguồn cung ứng thực phẩm, hàng thiết yếu và thời gian để người dân chuẩn bị.

Ngành y là lực lượng chống dịch chủ công, các lực lượng vũ trang chỉ hỗ trợ chứ không làm thay.

Dựa vào dân như thế trận nhân dân trong chiến tranh. Từ việc tương trợ lẫn nhau, các nhóm thiện nguyện đến chợ truyền thống, chợ online và shipper.

Chỉ cần người dân tiêm đủ 2 liều vaccine hợp pháp, dùng một app khai báo y tế và dịch chuyển là có thể đi đường; ưu tiên giao thương các mặt hàng thiết yếu.

Hạn chế lây lan, giảm tử vong phải song hành với các chính sách an sinh xã hội, điều trị bệnh nền, khám chữa bệnh thông thường.

Phong tỏa và cách ly, cần nhưng chưa đủ. Người dân cần được trang bị thêm vũ khí. Ngoài 5K, cần bổ sung thêm 3K “Không khí trong lành – Khỏe mạnh – Không nói nhiều”.

Nhanh chóng phục hồi kinh tế, chấm dứt chính sách 3 tại chỗ, làm khổ doanh nghiệp, không hiệu quả.

Du lịch TP.HCM đã khởi động những bước đi dè dặt. Mở đầu là hai “tour tri ân” tuyến đầu chống dịch thí điểm ở Cần Giờ và Củ Chi. Các địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… đã mở cửa du lịch cho người dân tại chỗ. Riêng Phú Quốc (Kiên Giang) đang trình kế hoạch đón khách quốc tế, dù chưa rõ vào lúc nào.

Kinh tế và du lịch Việt Nam chưa thể phục hồi nếu TP.HCM tiếp tục bị phong tỏa như hiện nay. TP.HCM chiếm 0,6% diện tích; 8,34% dân số nhưng chiếm 23% GDP; 26% ngân sách, 33% dịch vụ; 35% dự án nước ngoài; 48,3% lượng khách quốc tế; 38,6% lượng khách nội địa. Không chỉ là nguồn khách chủ lực, TP.HCM còn áp đảo về các công ty lữ hành.

Mỗi năm, thành phố phải nộp về ngân sách Trung ương 82% nguồn thu (được giữ lại 18%). Trước đây, thành phố là chủ công hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị bão, lũ. Hai năm nay, dịch bệnh hoành hoành, thành phố bị phong tỏa, kinh tế kiệt quệ; phải cậy nhờ các tỉnh thành khác hỗ trợ nên trời thương, miền Trung chưa có bão lũ.

Ngoài Cần Giờ và Củ Chi, cần mạnh dạn mở cửa du lịch trên sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, Hop On Hop Off (xe buýt 2 tầng ngắm thành phố), các điểm tham quan với qui định lượng khách tối đa từng ngày. Đảm bảo thực hiện triệt để 5K, nới lỏng, tiến tới gỡ bỏ phong tỏa là trang bị thêm vũ khí 3K cho người dân TP.HCM chống dịch.

Nên mời tất cả y bác sĩ vào tăng cường cho thành phố chống dịch được tham quan TP.HCM vì mỗi lần đi là một lần khó, lại tiết kiệm được tiền đi và về, nhất là với các tỉnh phía Bắc. Sau đó là các lực lượng thiện nguyện. Hai lực lượng này có khả năng miễn dịch cao nên được tiên phong du lịch. Vừa để tri ân, vừa lấy đà cho du lịch thành phố tăng tốc.

Ra ngoài và về với thiên nhiên, mới có không khí trong lành. Kinh tế và du lịch phục hồi, mới có thu nhập, cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng; đặc biệt là tinh thần phấn chấn, lạc quan, tin yêu cuộc sống; thoát khỏi căng thẳng vì phong tỏa quá lâu.