Leader talk
Ái nữ nhà Dr Thanh: Thoát khỏi cái bóng con ông chủ
Xuất hiện nổi bật trong sắc đỏ quyền lực và cá tính như thường lệ, Trần Uyên Phương chia sẻ về lời từ chối làm tỷ phú để khẳng định tầm vóc quốc tế của doanh nhân Việt.
Người nhà cũng không được cộng điểm
Là con gái lớn của ông chủ doanh nghiệp đồ uống không cồn đứng thứ hai Việt Nam, Trần Uyên Phương sau khi tốt nghiệp tại Singapore đã về đầu quân cho công ty gia đình với vị trí thư ký giám đốc. Với bất kỳ ai, có lẽ đây là một quyết định đương nhiên.
Thế nhưng, với Phương, đây là một điều phải “đấu tranh dữ lắm”. Thậm chí, thỏa thuận ban đầu giữa chị và ba mình - ông Trần Quí Thanh là thương lượng về lương. “Phương nói với ba nếu không biết mức lương cụ thể, chắc chắn không ý thức được hết trách nhiệm mình phải làm”.
Mặc dù là ái nữ của ông chủ quyền lực nhưng Phương chia sẻ, ở Tân Hiệp Phát, không có tiêu chí nào mà người nhà hay người thân của nhà sáng lập được cộng điểm.
Ít ai biết, ái nữ nhà Dr Thanh phải trải qua rất nhiều khóa học, nói chuyện, chia sẻ và kể cả tranh luận đầy nước mắt với người sếp vừa là thầy, vừa là bố, để đi tới sự đồng thuận.
Làm việc của Phương ở Tân Hiệp Phát là một quá trình phấn đấu từ vị trí thấp tới vị trí cao, thậm chí là làm mãi vẫn không được tăng lương. Chị kinh qua đủ mọi vị trí, từ nhân viên tiếp thị kiêm bán bia Laser mỗi buổi tối, từ phiên dịch đến dẫn các chuyên gia đi tìm hiểu TP. HCM.
“Không ngại bất cứ việc gì, bất kể ngày đêm, ai kêu gì tôi cũng làm, miễn là có cơ hội để học hỏi”, ái nữ nhà Dr Thanh bộc bạch.
Sau sáu tháng miệt mài, Phương được giao làm Giám đốc dự án, rồi dần dần được trao những vị trí quan trọng hơn trước khi trở thành Phó tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát.
“Là một phụ nữ, tôi nỗ lực rất nhiều để khẳng định được mình trong một doanh nghiệp sản xuất và thoát khỏi cái bóng con ông chủ”, Phương chia sẻ.
Giờ đây, Phương tự hào khi có được lòng tin của nhân viên, của đồng nghiệp bằng chính năng lực, sự tận tụy và cống hiến của bản thân.
“Nếu không phải mình, thì ai sẽ là người truyền sức mạnh cho nhân viên và những người xung quanh để họ dám chấp nhận hiện tại, vượt lên để xây dựng tương lai”, chị khẳng định.
Phương cho biết, nhiều bạn nữ trẻ lo sợ và tự hỏi làm sao để thành công trong một xã hội mà nam giới chiếm đa số.
“Tôi vẫn hướng dẫn cho nhân viên mình, không chỉ là nhân viên nữ: mơ mà còn không dám, thì nói gì đến thực hiện. Hãy nghĩ đến ngày bạn làm giám đốc khối, làm tổng giám đốc của công ty này và nuôi dưỡng ước mơ đó từ khi bạn đang trong giai đoạn thử việc.”
Nữ tướng Tân Hiệp Phát khẳng định sự tự hào khi được là phụ nữ, được mặc đầm xinh đẹp, và đặc biệt được tỏa sáng ở những nơi có rất nhiều nam giới.
“Chúng ta không cần trở nên giống nam giới. Như một dòng nước, phụ nữ uyển chuyển, nhẹ nhàng, nhưng vẫn có thể quyết đoán, mãnh liệt và bền bỉ. Đây là yếu tố quyết định nên thành công chứ không phải giới tính”, Phương chia sẻ.
“Không gì là không thể nếu chúng ta dám quyết tâm đi tới và không bỏ cuộc”, Phương nói.
Câu chuyện của kiều nữ họ Trần phần nào thể hiện cho quá trình biến cái không thể thành có thể của Tân Hiệp Phát.
Cách đây 25 năm, sau khi thành lập Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh, một kỹ sư cơ khí quyết định mua và phục chế lại dây chuyền phế thải được cắt làm nhiều mảnh của Bia Sài Gòn với câu nói nổi tiếng: “Có cái khung sườn còn tốt hơn là chế cái máy từ không có gì cả”. Không ai tin là ông vận hành được chiếc máy này.
Thế nhưng, sau hai năm kiên trì phục chế với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, giàn máy chạy và đạt 80% công suất thiết kế. Từ đó Tân Hiệp Phát khởi sự bước vào lĩnh vực sản xuất bia và nước giải khát với chi phí đầu tư thấp nhất có thể.
Vượt lên người khổng lồ
Sau bảy năm tham gia ngành bia với thương hiệu Laser, Tân Hiệp Phát mở rộng sang sản xuất đồ uống không cồn vào lúc các nhãn hiệu như Pepsi, Coca Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường.
Lúc đó, tất cả mọi người, kể từ nhân sự cấp cao trực tiếp điều hành đều không tin một doanh nghiệp chưa hề có kinh nghiệm trong thị trường nước giải khát như Tân Hiệp Phát có thể thành công.
“Phân tích bài học thất bại của doanh nghiệp trong nước, chúng tôi xác định muốn có cơ hội thành công, Tân Hiệp Phát phải vươn lên ngang bằng với công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất và cả về marketing, những điều dường như không thể đối với doanh nghiệp Việt Nam”, Phương nhớ lại.
Lãnh đạo Tân Hiệp Phát xác định, khi doanh nghiệp lớn mạnh muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới, nhất định phải thay đổi quản trị theo hướng chuyên nghiệp. Vì thế, Phương đặt ra yêu cầu hiện đại hóa và quản trị doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát.
Trước đó, vào năm 1997, Tân Hiệp Phát đã thay đổi mạnh từ việc quản lý không có hệ thống, thậm chí tận dụng cả vé giữ xe thay cho phiếu xuất hàng, chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO.
Ngay sau khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất đồ uống không cồn, Tân Hiệp Phát nghiên cứu mô hình quản trị bằng tin học hóa và trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên của ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP, để quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp nhằm theo kịp các công ty đa quốc gia.
Chính giám đốc điều hành sản xuất của bia Carlsberg tại Anh khi sang làm việc tại Tân Hiệp Phát đã thốt lên: “Tân Hiệp Phát chuyển từ đi xe đạp sang đi hỏa tiễn khi dám triển khai hệ thống ERP”. Khi đó, Phương đi du học nước ngoài về và mới chỉ làm việc sáu tháng ở Tân Hiệp Phát.
Để cạnh tranh, Tân Hiệp Phát đã đầu tư lớn mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển để đưa ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị người Việt, thuê tư vấn hàng đầu thế giới như Satchi & Satchi và Dentsu làm tư vấn tiếp thị và truyền thông.
Sau bảy năm, loạt sản phẩm như nước tăng lực Number 1, Trà xanh 0 độ, trà Dr. Thanh đã đột phá thị trường và tạo ra trào lưu tiêu dùng mới, đưa Tân Hiệp Phát lên vị trí thứ hai của toàn ngành nước giải khát ở Việt Nam, và vượt trên cả Coca Cola.
Trong suốt quá trình chia sẻ tại buổi toạ đàm về nữ doanh nhân với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức ngày 2/5/2019, Phương nhắc đi nhắc lại “phải dám ước mơ, dám biến những điều không thể thành có thể”.
Chính bản lĩnh và khát vọng đó mà vào năm 2012 Tân Hiệp Phát đã dám từ chối lời đề nghị chào mua của Coca Cola với giá trị 2,5 tỷ USD, để tiếp tục sứ mệnh xây dựng thương hiệu Việt.
“Tôi muốn giới thiệu về một Việt Nam mới,” Phương nói và tâm niệm sứ mệnh của bản thân - một cá nhân thuộc thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp - là đem thương hiệu Việt ra thế giới.
Và để tiến xa hơn nữa, Phương cho rằng cần xây dựng một thế hệ kế cận có khả năng thấu hiểu toàn bộ giá trị, văn hóa của doanh nghiệp.
Khi nói về kế thừa, có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến vị trí Tổng giám đốc hay trong doanh nghiệp gia đình như Tân Hiệp Phát, là vị trí kế thừa nhà sáng lập.
Thế nhưng, với Phương, thế hệ kế thừa cần là tất cả những vị trí ở trong tổ chức chứ không riêng gì chức vụ. Chị luôn quan niệm 5.000 nhân sự tại Tân Hiệp Phát đều là đại sứ thương hiệu và họ chính là người chứng minh được giá trị cốt lõi, nắm giữ một phần trách nhiệm để tìm ra, đào tạo và nuôi dưỡng ước mơ cho vị trí kế thừa.
“Niềm tin là tin vào năng lực, niềm tin là tin vào giá trị mỗi cá nhân có, là tin vào mục đích làm việc thì bản thân. Tôi cũng thấy tự tin và nhẹ nhàng hơn với những thách thức trong chuyển giao thế hệ, ngay cả khi đối mặt với những áp lực của những bậc tiền bối sinh ra mình, dạy dỗ mình”, Phương chia sẻ.
Những doanh nghiệp đầu tàu hiến kế tạo lập chuỗi giá trị nông nghiệp Việt
Chủ tịch Tân Hiệp Phát: Phải vượt qua nỗi sợ hãi nếu thất bại
"Cách đây mười mấy năm, chúng tôi không nghĩ mình có thể đương đầu với những người khổng lồ như Coca Cola hay Pepsi, nhưng chúng tôi đã làm được. Nếu Tân Hiệp Phát có thể, thì các bạn cũng có thể, hãy tin vào điều đó".
Ái nữ nhà Dr. Thanh trải lòng về những góc khuất ở Tân Hiệp Phát
Lần đầu tiên, Trần Uyên Phương - ái nữ của ông chủ Tân Hiệp Phát đã trải lòng về những góc khuất của tập đoàn này.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.