Ba nhân tố giúp BCG Energy huy động vốn nước ngoài thành công

Hứa Phương - 09:37, 10/12/2021

TheLEADERĐội ngũ chuyên nghiệp, có thể xử lý đa số công việc bằng cách làm việc online cùng với việc luôn tạo niềm tin, cũng như những cam kết thoả đáng với tinh thần hai bên cùng có lợi là những nhân tố giúp BCG Energy thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài giữa thời kỳ dịch Covid-19.

Ngày 9/12, BCG Energy - Công ty thành viên phụ trách phát triển mảng năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn Bamboo Capital và Sembcorp Utilities, công ty con trực thuộc Sembcorp Industries vừa ký hợp đồng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy nhiên cả hai đều nhấn mạnh thỏa thuận sẽ giúp BCG Energy và Sembcorp tận dụng thế mạnh của nhau để cùng phát triển và khai thác các dự án điện gió và năng lượng mặt trời lên đến 1,5GW tại Việt Nam.

BCG Energy là thương hiệu khá nổi trên thị trường năng lượng tái tạo trong những năm gần đây khi liên tục công bố đầu tư lớn vào các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió….

Sembcorp Utilities không phải đối tác đầu tiên của BCG Energy ở Singapore, trước đó vào tháng 7/2021, đơn vị này cũng đã thực thiện thành công thương vụ hợp tác cùng SP Group với mục tiêu phát triển 500MW điện mặt trời áp mái tại Việt Nam đến năm 2025.

Hay cuối tháng 11/2021 Bamboo Capital Group (Công ty mẹ của BCG Energy) và Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) ký kết hợp tác cùng phát triển dự án khu công nghiệp và các dịch vụ hạ tầng phụ trợ, hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái và nghiên cứu năng lượng sạch trị giá khoảng 250 triệu USD.

Ba nhân tố giúp BCG Energy huy động vốn nước ngoài thành công
Bà Thương Phạm, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc tài chính Công ty BCG Energy

Theo bà Thương Phạm, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc tài chính Công ty BCG Energy, đơn vị đã quan sát trên thị trường từ năm 2018 đến nay và luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư vàolĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chiến lược đầu tư vào năng lượng tái tạo của BCG Energy càng đúng đắn hơn khi tại hội nghị COP 26, Chính phủ định hướng Việt Nam sẽ chuyển một phần từ việc sử dụng năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho BCG Energy và nhà đầu tư khác trong việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Thực tế những năm qua, BCG Energy đã liên tục đưa các dự án từ năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời áp mái, điện gió đi vào hoạt động. Cụ thể, đến tháng 5/2021, các dự án năng lượng mặt trời của BCG Energy đã phát điện có tổng công suất hơn 500 MW.

Cùng với đó, BCG Energy sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án như điện gió BCG Wind Sóc Trăng, Khai Long 1, 2 và 3, Đông Thành 1, 2 với tổng công suất khoảng 450 MW.

Để tiếp tục đầu tư dự án mới, triển khai các dự án đã có đúng tiến độ, theo bà Thương Phạm thì BCG Energy cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, khi nguồn vốn từ ngân hàng trong nước có chi phí cao thì chiến lược của BCG Energy là tìm kiếm nguồn vốn rẻ, đa dạng hoá nguồn vốn đầu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án không phải là vấn đề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế.

Hai năm qua, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát khiến việc đi lại giữa các quốc gia cũng như giữa TP.HCM với các tỉnh thành bị hạn chế. Dù vậy, ở Bamboo Capital và BCG Energy việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài diễn ra rất mạnh mẽ.

Đơn cử như thương vụ BCG Energy ký kết hợp tác với SP Group diễn ra vào tháng 7/2021, đúng thời điểm đỉnh dịch Covid-19 ở Việt Nam. Khi triển khai thương vụ này, đội ngũ của hai bên phải xử lý đa số công việc bằng cách làm việc online.

Bên cạnh đó BCG Energy luôn tạo niềm tin, tạo giá trị thương vụ cũng như những cam kết thoả đáng với tinh thần hai bên cùng có lợi cho phía đối tác. Do đó, dù làm việc online nhưng BCG Energy và SP Group vẫn chốt được thương vụ và ký kết hợp tác. Hai bên cam kết phát triển 500 MW năng lược áp mái với giá trị đầu tư 1 MW khoảng 700.000 USD.