Băn khoăn bài toán mở cửa hàng không quốc tế

Phương Linh - 12:21, 18/09/2020

TheLEADERTheo TS. Lương Hoài Nam, nếu mở cửa hàng không quốc tế quá thận trọng, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội lớn để hồi phục ngành hàng không, du lịch và phát triển kinh tế.

Băn khoăn bài toán mở cửa hàng không quốc tế
Việc mở cửa đường bay quốc tế để đón khách du lịch là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện tại

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về việc đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, từ ngày 15/9, Việt Nam sẽ triển khai đối với các đường bay tới Trung Quốc (Quảng Châu), Nhật Bản (Tokyo), Hàn Quốc (Seoul), Đài Loan, Trung Quốc. Từ ngày 22/9 sẽ triển khai đối với các đường bay tới Campuchia (Phnom Penh), Lào (Vientiane). 

Tần suất các chuyến bay không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi hãng với số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.

Quyết định mới về việc mở lại đường bay quốc tế của Chính phủ được đánh giá là có ý nghĩa trong việc từng bước mở cửa lại bầu trời của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số nước. Song đề xuất này đã không được thực hiện do dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng với nhiều diễn biến khó lường hơn hồi đầu năm.

Theo nhiều chuyên gia, việc mở lại đường bay quốc tế là một trong những giải pháp hữu hiệu cứu ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ mở đường bay quốc tế để đón các đối tượng hành khách như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải gồm nhà ngoại giao, nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam thì sẽ không giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp.

Theo dõi các động thái gần đây của Chính phủ liên quan đến việc mở đường bay quốc tế đối với hàng không và du lịch, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, bước đi "mở cửa bầu trời" của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức "gợi mở" về mặt hình thức.

"Tôi e rằng, nếu mở cửa các đường bay quốc tế như vậy, thực chất sẽ khó tạo ra cú hích cho ngành hàng không và du lịch", ông Nam nhấn mạnh.

Nguyên nhân được vị chuyên gia này đưa ra là do các chương trình phục hồi đường bay quốc tế hiện nay đối với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đang ở mức thấp. 

Các hạn chế về việc cách ly vẫn tồn tại, các biện pháp kiểm dịch, đảm bảo an toàn cho hành khách chưa được thực hiện triệt để. Vì vậy, nó chưa đủ để giải quyết những quan ngại về dịch bệnh của du khách trên các chuyến bay này.

"Khi nào người dân chưa thấy an toàn, họ sẽ chưa đi. Trong trường hợp đó, các hãng hàng không cũng không có khách để bay. Còn nếu bay quốc tế mà tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ 30 - 40% thì càng bay càng lỗ, càng gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp", ông Nam phân tích.

Một yếu tố khác theo ông Nam là Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về việc kiểm soát dịch bệnh. Ngành du lịch cần sớm tận dụng điều này để đón khách, tạo đà hồi phục cho ngành du lịch, hàng không và toàn nền kinh tế. Trong bối cảnh này, nếu chỉ mở bay quốc tế đón người lao động sẽ không có ý nghĩa nhiều đối với tăng trưởng kinh tế.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, việc mở cửa đường bay quốc tế để đón khách du lịch là hết sức cần thiết.

Nhiều khách quốc tế có nhu cầu đi du lịch rất lớn. Nếu có biện pháp kiểm soát dịch tốt thì đây là cơ hội để không chỉ hàng không, du lịch mà nhiều ngành ăn theo khác có cơ hội hồi phục, phát triển.

Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương cũng cho rằng, mở lại các đường bay quốc tế có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Vietjet. Chiến lược phát triển của hãng là trở thành một hãng hàng không đa quốc gia.

Trong những năm qua chưa có Covid-19, tỷ trọng doanh thu quốc tế của Vietjet đạt 50% tổng doanh thu. Do đó, nếu các chuyến bay quốc tế được mở cửa trở lại, đây sẽ là cơ hội rất tốt để hãng hàng không Việt tăng trưởng doanh thu, mang lại công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động hàng không. 

Cùng với đó là mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước và ngành du lịch vốn đạt doanh thu 30 tỷ USD trong năm qua nhưng đang rất khó khăn vì Covid-19.

"Mở cửa" có đồng nghĩa với "nhập dịch"?

Trước những lo ngại cho rằng mở cửa hàng không quốc tế đón khách du lịch sẽ làm tăng nguy cơ nhập dịch Covid-19 vào Việt Nam, ông Nam cho rằng: "Không thể nói mở cửa đồng nghĩa với nhập dịch. Mở cửa hàng không quốc tế sẽ không nhập dịch nếu có các biện pháp kiểm dịch tốt".

Do đó, việc mở cửa đón khách du lịch có nhập dịch về hay không hoàn toàn phục thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để mở và thoả thuận những quy trình kiểm soát dịch bệnh như thế nào.

Theo ông Nam, để mở cửa đón khách du lịch an toàn, Việt Nam có thể học theo cách làm của nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, tạo ra các khối, cụm quốc gia du lịch an toàn. Những quốc gia có tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng ký kết các thoả thuận song phương, đa pương, quy định rõ tránh nghiệm của mỗi nước về công tác phòng dịch, kiểm soát dịch bệnh và không cách ly đối với khách âm tính với covid.

Bên cạnh đó, đối với hoạt động chống dịch ở trong nước, các cơ quan quản lý cũng cần có sự phối hợp liên ngành tốt hơn, áp dụng các biện pháp xét nghiệm nhanh, cho kết quả chính xác cao tại các điểm xuất nhập cảnh.

Trước đó, tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Muốn vậy, Việt Nam phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.

Chiến lược xét nghiệm phải thay đổi theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên.

Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime -PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên dễ thao tác, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn.

Theo ông Nam, chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những quy định chi tiết, chặt chẽ thì mới tạo được niềm tin cho người dân. Việc mở cửa với hàng không và du lịch nên được thực hiện trên quy mô đủ lớn, mang tính thực chất như vậy mới có thể tạo hiệu quả đối với các doanh nghiệp.

"Còn nếu chỉ mở cửa trên hình thức, quá thận trọng sẽ bỏ qua những cơ hội lớn để phát triển kinh tế", ông Nam nhấn mạnh.