Bộ Công thương đề xuất dừng áp hạn ngạch xuất khẩu gạo

Nhật Hạ - 11:13, 28/04/2020

TheLEADERBộ Công thương đề xuất dừng cơ chế điều hành theo hạn ngạch đối với xuất khẩu gạo từ ngày 1/5/2020.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương đề xuất dừng cơ chế điều hành theo hạn ngạch, đồng thời cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ 1/5.

Đề xuất này được Bộ đưa ra trong bối cảnh cung - cầu gạo trong nước ổn định, mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lượng gạo vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, gồm cả lượng "gối đầu" từ năm trước chuyển qua khoảng 200 nghìn tấn. Vụ Hè thu sắp tới, sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long 8,7 triệu tấn, do đó số gạo có thể xuất khẩu 2,3 - 2,4 triệu tấn.

Với sản lượng này sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 là 1,3 triệu tấn. Bộ Công thương cho rằng, trong vòng 5 năm trở lại đây, với năng lực thông quan của các cảng/ cửa khẩu quốc tế hiện nay, Việt Nam chưa từng xuất khẩu được 700 nghìn tấn gạo/tháng.

Như vậy, nếu tháng 5 xuất khẩu được 700 nghìn tấn gạo thì còn tồn ít nhất 600 nghìn tấn gạo vào nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ thu hoạch vụ Hè thu. "Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với cuối tháng 3", Bộ Công Thương nhận xét.

Tuy nhiên, để duy trì đảm bảo an ninh lương thực trong 'trạng thái bình thường mới', Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ cho xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) và xử nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Đồng thời, cơ quan này cho biết sẽ đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tuân thủ quy định Nghị định 107, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước; cam kết cung cấp ngay cho trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu. 

20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị để bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Trường hợp thương nhân không duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết đã ký, Bộ Công thương đề xuất cho phép thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Bộ Công thương đề xuất dừng áp hạn ngạch xuất khẩu gạo
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng này lên tới 143.453 tấn.

Thông tin thêm về tình hình thế giới, Bộ Công Thương nhận định, dự kiến đầu tháng 5/2020 giá gạo thế giới có thể giảm do Ấn Độ dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc và cung ứng ra thị trường lượng gạo tương đối lớn.

Bên cạnh đó, một số nước đã chủ động tự túc nguồn cung lương thực hoặc bổ sung dự trữ lương thực từ nhiều nguồn khác nên khả năng hút hàng từ Việt Nam không còn đáng báo động như thời điểm cuối tháng 3/2020.

Tổng cục Hải quan hôm nay cho biết vừa huỷ các tờ khai xuất khẩu 53.300 tấn gạo đăng ký hôm 12/4 (thời điểm ngay sau khi được nối lại xuất khẩu gạo) do quá 15 ngày không xuất trình được hàng hoá để kiểm tra.

Sau 15 ngày doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu, gần 233.500 tấn đã được thông quan, tương đương 58% hạn ngạch tháng 4. Từ hôm nay, doanh nghiệp có thể tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo với hạn ngạch 53.321 trên hệ thống của hải quan.

Trước đó, trong khuôn khổ phiên họp thứ 44 của Quốc hội vào ngày 22/4, Ủy ban kinh tế cho biết việc Tổng cục hải quan mở tờ khai hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 mà không thông báo minh bạch khiến doanh nghiệp bức xúc. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký nhưng không mở được tờ khai để xuất khẩu.

Số khác lại gặp tình huống đã có số tờ khai, phân vào luồng đỏ nhưng đến ngày 13/4 lại thấy ngày đăng ký tờ khai lùi về ngày 10/4. Đặc biệt, có hiện tượng doanh nghiệp "ghi danh giữ chỗ" khi chưa tập kết đủ hàng tại cảng dù đã có tờ khai.

Cơ quan này đã đề nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.

Vào ngày 20/4, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Thanh tra chính phủ nhập cuộc để làm rõ “Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực” trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.