Thanh tra chính phủ làm rõ 'có hay không dấu hiệu trục lợi' trong xuất khẩu gạo

Nhật Hạ - 09:02, 21/04/2020

TheLEADERThủ tướng yêu cầu Thanh tra chính phủ “làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực" trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Thanh tra chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu “làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, Thanh tra chính phủ cũng được giao làm rõ thông tin báo chí phản ánh việc công khai, minh bạch liên quan tới làm thủ tục hải quan, đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.

Trong quá trình thanh tra, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ Công Thương.

Cùng thời điểm, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc, xác minh việc xuất khẩu gạo vừa qua để đảm bảo khách quan. Trước đó, Bộ Công Thương cũng lập đoàn kiểm tra việc xuất khẩu gạo trong 4 ngày (20-24/4), để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong ngày 25/4.

Ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Ngày 10/4, Thủ tướng ký quyết định xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn vào tháng 4. 

Thanh tra Chính phủ làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi trong xuất khẩu gạo
Gạo nếp được xuất khẩu trở lại.

Tại cuộc họp với các bộ ngành về xuất khẩu gạo chiều ngày 20/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu xuất khẩu lại gạo nếp, tạm ứng trước 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch tháng 5 để xuất số gạo tồn đọng ở cảng của các doanh nghiệp chưa mở được tờ khai hải quan trong tháng 4.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4 lên tới 143.453 tấn.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu cho phép xuất khẩu không tính hạn ngạch đối với các đơn hàng sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nước ngoài (đối tác nước ngoài cấp giống, công nghệ, vật tư...) sẽ không tính vào hạn ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu gạo nếp, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao rà soát, đánh giá tổng thể cung cầu thị trường, điều tiết xuất khẩu, không xảy ra thiếu hụt.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua có nhiều vấn đề khiến dư luận, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh gay gắt. Trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan.

"Sự phối hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về xuất khẩu gạo giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương chưa chặt chẽ, hài hòa, từ đó ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Chính phủ trong việc vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh đó, việc mua dự trữ gạo không đạt mục tiêu và tiến hành rất chậm", ông phê bình và yêu cầu hai cơ quan này "nghiêm túc rút kinh nghiệm".

Phó thủ tướng yêu cầu hai bộ trên cần phối kiểm tra thực tế các doanh nghiệp có gạo đang tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai, phát hiện những doanh nghiệp khai khống hoặc được cấp hạn ngạch nhưng chưa có gạo.

Cũng tại cuộc họp hôm nay, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, sản lượng lúa năm 2020 dự kiến đạt khoảng 43,5 triệu tấn thóc, riêng vụ Đông Xuân (kết thúc thu hoạch ngày 30/6) đạt hơn 20 triệu tấn thóc.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn thóc, dự trữ 3,8 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi 2 nhu cầu này, lượng gạo xuất khẩu năm 2020 còn 6,5 - 6,7 triệu tấn, riêng vụ Đông Xuân đã khoảng 3 triệu tấn.

Bên cạnh số gạo tồn đọng tại các cảng, trong những ngày gần đây, dự luận cũng đặc biệt quan tâm đến thông tin Tổng cục Dự trữ nhà nước chưa mua đủ 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng.

Về việc này, cũng tại cuộc họp hôm nay, Bộ Tài chính cho biết hiện Cục Dự trữ nhà nước đã ký hợp đồng 7.700 tấn gạo, tương ứng với 4% số gạo cần mua theo yêu cầu của Chính phủ, còn lại 170.300 tấn nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng.

Do đó, Tổng cục Dự trữ đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo theo hình thức đầu thầu rộng rãi, thời điểm mở thầu là ngày 12/5/2020, dự kiến thời hạn nhập kho trước ngày 30/6/2020.

Theo ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Dự trữ nhà nước, những năm trước đây, việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia cũng đã có tình trạng một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi đã trúng thầu, nhưng rất ít. Tuy nhiên, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng mới ‘đột biến’.

Lý giải về tình trạng này, ông Thời cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao. Kèm theo đó, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm của các doanh nghiệp đi các nước như Philippines, Malaysia, Trung Quốc… tăng mạnh, giá gạo liên tục tăng so với thời điểm mở thầu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức bảo đảm dự thầu cao hơn hoặc bổ sung thêm chế tài xử lý khác. Do hiện nay, theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu.

Với mức bảo đảm dự thầu này, trong trường hợp thị trường có biến động tăng giá cao thì chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu, theo ông Thời.