Cái bắt tay của những nhà tái chế tiên phong

Hoàng Đông - 20:31, 05/03/2023

TheLEADERHoạt động từ năm 1968, khi hầu như không có ai hiểu “tái chế để làm gì”, đến nay, tập đoàn Alba đã trở thành thương hiệu tái chế hàng đầu châu Âu. 55 năm sau đó, Alba đã bắt tay với VietCycle, doanh nghiệp Việt Nam tiên phong triển khai những giải pháp kinh tế tuần hoàn tạo ra đa giá trị, để xây dựng nhà máy tái chế nhựa đạt chuẩn trị giá hơn 50 triệu USD.


Cái bắt tay của những người tiên phong
Từ trái qua phải: Ông Tobias Huinink, Giám đốc kinh doanh Alba châu Á; ông Simon Kreye, Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam; ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle; ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc VietCycle; TS. Axel Schweitzer, Chủ tịch Alba châu Á.

Tiên phong từ con số 0

Là doanh nghiệp hàng đầu về quản lý, xử lý, tái chế chất thải tại châu Âu và đang không ngừng mở rộng ra khắp thế giới, ít ai biết được rằng, câu chuyện của tập đoàn Alba đã được chắp bút kể từ năm 1968, thời điểm hầu như không có ai hiểu “tái chế là gì” hay “tái chế để làm gì”.

Được hỗ trợ bởi đạo luật đầu tiên về rác thải tại Đức vào năm 1972, đến năm 1976, Alba đã thiết lập được hệ thống thu gom, phân loại rác thải thông qua những thùng rác có màu sắc khác nhau, được gọi là “mô hình Berlin”.

Cái bắt tay của những người tiên phong 1
TS. Axel Schweitzer, Chủ tịch Alba châu Á

Từ đó đến nay, Alba đã thiết lập được hệ thống quản lý chất thải hoạt động rộng khắp tại châu Âu, vươn dài cánh tay sang khu vực châu Á với hơn 5.400 nhân sự và doanh thu hơn 1,3 tỷ euro vào năm 2022. Cùng với sự đồng hành của Alba, Đức cũng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, với tỷ lệ thu gom, tái chế bao bì đạt đến 98%.

Những ước mơ…

Hệ thống đặt cọc – hoàn trả, tỷ lệ thu gom, tái chế hơn 90% hay việc phân loại rác thải tại nguồn được thực thi nghiêm ngặt là điều ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, ấn tượng nhất khi nhắc đến những nước châu Âu, Nhật Bản. Đó cũng là những điều những người làm tái chế như ông Vượng ngày đêm ao ước.

Tái chế là loại hình quản lý xã hội khó nhất.
Ông Hoàng Đức Vượng
Chủ tịch VietCycle

“Tái chế là loại hình quản lý xã hội khó nhất. Nước nào quản lý được tái chế, quản lý được rác thải thì chắc chắn sẽ là một nước văn minh”, ông Vượng nói.

Tái chế càng cấp thiết hơn đối với Việt Nam, quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và nền kinh tế năng động. Tiêu dùng tăng nhanh, đô thị hóa mạnh mẽ, rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống quản lý chất thải đang dần trở nên lạc hậu.

Thực chất, ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam đã tồn tại ngót nghét gần nửa thế kỷ. Đồng hành với ngành tái chế cũng hơn 20 năm, ông Vượng khái quát, ngành công nghiệp rất quan trọng này lại không nhận được sự quan tâm đúng mức, thành ra chập chững, èo uột, “hơn 40 năm không lớn lên được”.

Rũ bỏ những mặc cảm của nghề phải làm việc với rác thải, của ngành công nghiệp nhiều lần bị điểm tên như một thủ phạm gây ô nhiễm, ông Vượng nhận ra, đã đến lúc phải cất lên tiếng nói, để làm sao thay đổi được suy nghĩ của xã hội, thay đổi cách tiếp cận từ chính sách về vấn đề quản lý chất thải.

Cái bắt tay của những người tiên phong 3
Ông Hoàng Đức Vượng trò chuyện với người đồng nát, ve chai.

Ước mơ ấy đang dần trở thành hiện thực, với sự vào cuộc tích cực của Bộ, ngành, sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường 2020, với những chính sách về kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tái chế đạt chuẩn, trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc…, được ông Vượng gọi là “những viên gạch đầu tiên”.

Tư duy mới của điều hành chính sách, xu thế vận động mới của nền kinh tế mở ra những cơ hội mới chưa từng có đối với ngành công nghiệp tái chế. Nhận ra những cơ hội, VietCycle ra đời, với ước vọng không chỉ tái chế đạt chuẩn đem lại nhiều lợi ích, mà còn tìm cách chia sẻ những lợi ích ấy đến với lực lượng đồng nát, ve chai là các chị, các cô rong ruổi miệt mài khắp phố phường để thu gom phế liệu.

“Đối với chúng tôi, những người gom ve chai, đồng nát như là người một nhà”, Chủ tịch VietCycle cho biết.

VietCycle đã hợp tác cùng các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai các hoạt động hỗ trợ những người phụ nữ trong ngành thu gom phế liệu. Đến nay, mạng lưới của VietCycle bao gồm 2.500 người đồng nát, ve chai, kết nối với hơn 100 vựa phế liệu.

Tính riêng năm 2022, VietCycle thu gom và phân loại hơn 16.000 tấn rác thải nhựa từ bốn tỉnh phía Bắc, bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

Bên cạnh hoạt động thu gom, phân loại và tái chế, VietCycle cũng tập trung phát triển giải pháp khuyến khích tái sử dụng, thông qua dự án máy bán hàng tự động CyclePacking nhận được đánh giá cao từ Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Tìm đến nhau

Khởi đầu đầy chông gai từ năm 1968, đồng hành với nước Đức từ thuở nền công nghiệp tái chế còn sơ khai đến khi trở thành quốc gia hàng đầu châu Âu về tỷ lệ thu gom, tái chế, Tập đoàn Alba biết rằng, xây dựng nền tái chế đạt chuẩn tại Việt Nam không phải là điều không thể.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những nội dung khuyến khích kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ ngành tái chế, đã làm sáng tỏ hơn con đường đi đến mục tiêu ấy.

Dự án là sự kết hợp giữa 2 đối tác mạnh, thể hiện một cam kết rõ ràng, không chỉ hướng đến bảo vệ môi trường mà còn là cả những giá trị về công bằng và bình đẳng.
Ông Simon Kreye
Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam

“Việt Nam đang áp dụng công cụ thu gom, tái chế bắt buộc (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR). Điều này sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn”, TS. Axel Schweitzer, Chủ tịch Alba Asia, nhận xét.

Hiện thực hóa tầm nhìn về một thế giới không còn rác thải là động lực để Alba tìm đến Việt Nam. Tìm kiếm sự hợp tác với doanh nghiệp Việt là cách để Alba có thể địa phương hóa những kinh nghiệm, quy trình, giải pháp quý giá đúc kết được trong suốt hơn 50 năm hoạt động.

Còn đối với ông Vượng, sự hợp tác với Alba như một cơ duyên nhưng cũng là điều tất yếu, bởi “những người vất vả, có cùng tầm nhìn sẽ tìm đến nhau và yêu nhau”.

“Alba đã rất vất vả để xây dựng ngành công nghiệp tái chế từ con số 0. Chúng tôi cũng đang vất vả để đồng hành với Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp làm được điều ấy tại Việt Nam”, ông Vượng nói về “mối lương duyên” đi đến ký kết xây dựng nhà máy tái chế nhựa đạt chuẩn lớn nhất miền Bắc với quy mô hơn 50 triệu USD.

Nhà máy tái chế nhựa đạt chuẩn với quy mô 50 triệu USD là liên doanh giữa VietCycle và Alba châu Á. Dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024, dự án sẽ thu gom và tái chế 48 nghìn tấn nhựa, góp phần giảm phát thải 91,68 – 273,6 nghìn tấn khí thải carbon mỗi năm cũng như tạo ra khoảng 552 việc làm xanh.

Bên cạnh đó, Alba và VietCycle cũng hợp tác mở rộng mạng lưới thu gom đồng nát, ve chai từ con số 2.500 lên đến 23 nghìn người, tiếp cận ít nhất 500 điểm thu gom. 2 doanh nghiệp sẽ cùng nhau hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho lực lượng thu gom rác thải phi chính thức.

Hướng đến tương lai xanh

“Chúng tôi kỳ vọng vào sự thành công khi trở thành một trong những người tiên phong về thu gom, phân loại và tái chế nhựa đúng cách tại Việt Nam”, ông Tobias Huinink, Giám đốc kinh doanh Alba châu Á, nói với TheLEADER.

Về phía VietCycle, ông Vượng cũng đặt hy vọng, nhà máy tái chế nhựa quy mô hàng triệu USD này sẽ hoạt động hiệu quả. Từ đó, lượng nhựa thu gom sẽ tăng lên, thu nhập của chị em hành nghề ve chai, đồng nát cũng được đảm bảo hơn so với trước.

Mặt khác, tái chế nhựa đạt chuẩn cũng là lời giải cho vấn đề “thiếu sản phẩm nhựa tái chế cao cấp” dẫn đến doanh nghiệp đánh mất nhiều đơn hàng lớn, đặc biệt khi các thị trường lớn trên thế giới ngày càng ưa chuộng vật liệu thứ cấp cũng như đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tính bền vững của bao bì, sản phẩm.

“Vì vậy, thu gom triệt để và đưa nhựa tái chế chất lượng cao ra thị trường là mục tiêu cao nhất của chúng tôi”, ông Vượng nhấn mạnh.

Có sự hỗ trợ từ chính sách, sự đồng hành từ nhà tái chế hàng đầu châu Âu, ông Vượng vẫn không khỏi trăn trở, bởi hơn ai hết, ông Vượng hiểu rằng, “tái chế rất khó”. Khó từ khâu thu gom, phân loại, xử lý sơ cho đến khi đưa vào nhà máy, dẫn đến giá sản xuất cao hơn nhựa nguyên sinh, sức cạnh tranh cũng giảm đi nhiều.

Tuy nhiên, xu thế tiêu dùng xanh đang lên ngôi cũng là câu trả lời cho nỗi trăn trở ấy. Những nhà tái chế tiên phong tin rằng, khi người tiêu dùng đồng lòng, hiểu biết về tiêu dùng xanh, ủng hộ các sản phẩm xanh, chắc chắn thị trường tái chế nói riêng và thị trường hàng hóa, dịch vụ bền vững nói chung sẽ phát triển.

Cộng với đó, Chủ tịch VietCycle cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiện toàn những chính sách về kinh tế tuần hoàn như tiêu chuẩn thiết kế sinh thái theo hướng thuận tiện cho thu gom, tái chế và chính sách phát triển thị trường tái chế. Nhìn rộng hơn, một luật riêng về kinh tế tuần hoàn cũng là điều được ông Vượng nhiều lần đề xuất để tạo ra một cơ chế đủ mạnh cho những bước chuyển đổi tuần hoàn.

“Nếu có những chính sách đó, những mục tiêu của chúng tôi không chỉ là kỳ vọng mà chắc chắn sẽ trở thành hiện thực”, ông Huinink đồng quan điểm.

Cái bắt tay của những người tiên phong 5
Đại diện Alba châu Á và VietCycle ký thỏa thuận hợp tác

Chứng kiến giây phút đại diện 2 doanh nghiệp đặt bút ký vào thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy tái chế trị giá hơn 50 triệu USD, những nhà tái chế tiên phong rạng rỡ một niềm tin lớn lao.

“Rồi sẽ có nhiều người khác đồng hành và tiếp bước chúng tôi, vì một nền công nghiệp tái chế Việt Nam ngày càng lớn mạnh”, Chủ tịch VietCycle nhắn gửi.