Leader talk
Cần những đột phá để khơi thông dòng chảy vốn
Thời gian để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% trở lên không còn nhiều, nên rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo TP.HCM với nhiều giải pháp tổng thể.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khá chậm, tính đến ngày 10/4 cả nước mới tăng trưởng cho vay 1%, so với mục tiêu đặt ra trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 15% thì còn khá xa. So với cùng kỳ năm ngoái cũng thấp gần một nửa thì đúng là đáng lo ngại.
Dù hiện nay lãi suất cho vay thấp nhất trong hơn 10 năm qua, TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, với gần 30% lực lượng doanh nghiệp - cũng đang nằm trong bối cảnh ấy, hấp thụ vốn yếu, nhu cầu mở rộng kinh doanh sản xuất không nhiều.
Bên cạnh những lý do khách quan từ thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ và một số thị trường truyền thống khác đang khó khăn, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, chúng ta cũng chưa thật sự làm tốt việc chủ động kết nối giữa ngân hàng, người dân và doanh nghiệp cần vốn đến gần với nhau.
Nếu thành phố tăng trưởng tín dụng mạnh sẽ giúp tổng tăng trưởng tín dụng của cả nước khởi sắc (tăng trưởng tín dụng quý I của TP.HCM chỉ đạt 0,96%). Do vậy, việc đi đầu, đột phá trong hấp thụ vốn ngân hàng đang rẻ của doanh nghiệp, người dân thành phố trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đặc thù của ngành ngân hàng là cho vay nhưng đồng thời phải quản trị được vốn vay, không để nợ xấu tăng cao, vì thế không thể hạ chuẩn cho vay. Có nghĩa hơn bao giờ hết giữa chủ thể cho vay và bên vay phải hết sức hiểu nhau, tin tưởng nhau, phải tạo không gian, thời gian để tiến sát đến nhau.
Ngân hàng rất cần khách hàng vay uy tín, sử dụng vốn đúng mục đích thì mới yên tâm cấp vốn. Ngược lại khách hàng cũng cần ngân hàng hiểu mình, hiểu doanh nghiệp đang hoạt động để tạo mọi điều kiện có vốn kịp thời, với lãi suất hợp lý hơn nữa.
Vì với vốn vay, đôi khi doanh nghiệp cần vốn lưu động ngắn hạn 6 tháng, một năm và cũng đôi khi cần vốn dài hạn với lãi suất thấp hơn nữa để yên tâm cho kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Nếu khoảng cách hai bên cứ xa vời vợi như trong thời điểm hiện tại thì câu chuyện vốn ngân hàng thì thừa trong khi người vay cần vốn lại rất khó có được tiền cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Từ vấn đề thực tế đặt ra ở trên, tôi xin đưa ra một số đóng góp nhằm giúp phần nào cho lãnh đạo thành phố và ngành ngân hàng có thêm cách thức để giúp tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm 2024.
Chính quyền “gần” dân và doanh nghiệp hơn nữa
Chính quyền TP.HCM nên tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa người dân, doanh nghiệp với các ngân hàng, qua các hình thức xúc tiến đầu tư, thương mại kể cả hội nghị, hội thảo. Trong các dịp ấy tạo ra không gian cùng gian hàng, trong đó có khu vực gian hàng dành cho các ngân hàng tham gia.
Thành phố nên đẩy mạnh xuống các quận huyện, kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương (TP.HCM hầu hết các quận đều có hội doanh nghiệp). Không ở đâu hiểu tình hình của doanh nghiệp bằng cơ sở.
Thời gian qua, cá nhân tôi quan sát cũng có vài quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh… có tổ chức hội nghị, kết nối giữa ngân hàng đóng trên địa bàn và doanh nghiệp nhưng còn nhỏ lẻ, chưa phải là một chủ trương rộng, sâu của toàn thành phố.
Qua thực tế có những địa bàn vùng ven còn rất nhiều người dân quen với vay nóng, tín dụng đen để có tiền dễ, không qua giấy tờ phức tạp, ngại đến ngân hàng. Một phần cũng do mạng lưới phòng giao dịch ngân hàng ở vùng ven còn ít.
Vì thế, qua các buổi tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với các ngân hàng mà đứng giữa tạo sân, tạo không gian gặp gỡ phải nhờ đến sự quyết liệt của ủy ban thành phố, các quận huyện và kể cả các phường có số lượng doanh nghiệp hùng hậu.
Việc tổ chức các ngày hội tại các điểm trường đại học, khu công nghiệp có nhiều công nhân cũng cần có mặt của các ngân hàng.
Rất nhiều ngân hàng thời gian qua tự tìm kiếm các ngày hội này tham gia để giới thiệu chương trình cho vay tiêu dùng, mở thẻ, thanh toán qua ngân hàng điện tử, chứ chưa được sự kêu gọi, khuyến khích tham gia của phía thành phố.
Thành phố rất cần hỗ trợ chi phí miễn giảm tiền cho thuê các gian hàng và mời gọi ngân hàng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động này nhằm giúp cho người dân, doanh nghiệp với ngân hàng ngày càng gần nhau hơn. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động cho vay, thanh toán qua ngân hàng, thanh toán không tiền mặt, giảm thiểu tín dụng đen nếu có ở một số địa bàn.
Cần vốn cứ đến ngân hàng
Hiện nay lãi suất đang rất thấp, chúng ta hãy tranh thủ hơn nữa để nghiên cứu mở rộng kinh doanh, mở mới việc làm ăn. Đây cũng là cơ hội để khởi nghiệp nơi thành phố năng động bậc nhất cả nước. Hiện nay, tại các điểm giao dịch ngân hàng đã có các chuyên viên phục vụ khách hàng, đa phần ân cần cởi mở.
Cho nên theo tôi, người dân doanh nghiệp nên mạnh dạn đến thẳng ngân hàng khi cần hỏi, tư vấn việc vay, việc gửi tiết kiệm hơn là thông qua trung gian mất thêm chi phí không cần thiết, đôi khi không an toàn.
Đồng thời, ngân hàng có dịch vụ chu đáo tận tình, thời gian cho vay nhanh hơn trước rất nhiều nên không cần tìm đến các dịch vụ cho vay nóng bên ngoài thường với lãi suất cao hơn ngân hàng nhiều lần.
Ngân hàng cho vay với quy trình chặt chẽ, thu hồi nợ đúng luật nên an toàn hơn nhiều cho người dân. Tư duy tín dụng ngoài ngân hàng khi cần tiền không nên còn tồn tại trong một bộ phận người dân, doanh nghiệp như bấy lâu nay nữa.
Không thể vô cảm trước khó khăn của người dân và doanh nghiệp
Thời gian qua có rất nhiều ngân hàng chủ động tham gia, tìm kiếm khách hàng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Nhưng bên cạnh ấy cũng có nhiều ngân hàng, đặc biệt các phòng giao dịch, chi nhánh còn thụ động, ngồi chờ khách hàng đến với mình.
Các ngân hàng đóng trên địa bàn thành phố nên phát huy tính năng động và nghĩa tình của thành phố chúng ta. Năng động là tìm đến với khách hàng trên mọi phương tiện, mọi hoạt động kết nối của thành phố. Nghĩa tình là phục vụ chu đáo, nhanh chóng cấp vốn đến cho người dân doanh nghiệp.
Không nên vô cảm khi thấy sự khó khăn của người dân, doanh nghiệp đang vay vốn, không lắng nghe mong muốn được giảm lãi suất, được cơ cấu nợ của khách hàng. Khách hàng đôi khi cần vốn mới vay, đôi khi khó khăn mới đi vay nhưng lại bị ép mua thêm bảo hiểm thì thật là không thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, các ngân hàng nên cắt giảm các chi phí, quản trị vận hành tốt hơn để giảm chi phí, hỗ trợ thêm lãi suất cho khách hàng (hiện nay có được số ít ngân hàng đã thẩm định, giải ngân online, rút ngắn quá trình hồ sơ từ lúc tiếp nhận đến giải ngân trong 48 giờ). Tránh tối đa nhũng nhiễu, tiêu cực trong ngành khi đòi bôi trơn, đòi thêm tiền “dịch vụ’” của khách hàng.
Trong thời điểm cần tăng tín dụng, giúp cho ngành ngân hàng kinh doanh khởi sắc thì rất cần những nhân viên cán bộ ngân hàng ý thức, quán triệt sâu sắc sự hấp thụ vốn của khách hàng cho nền kinh tế thành phố phát triển có yếu tố quan trọng hàng đầu. Đó vừa là trách nhiệm vừa là lòng tự tôn của mỗi một nhân sự khoác lên mình chiếc áo của ngành.
Tóm lại, thành phố nên đi đầu trong tăng trưởng tín dụng trước cả nước, cao hơn cả nước để giúp cho kinh tế thành phố năm 2024 phát triển như kỳ vọng. Để làm được điều đó rất cần một kế hoạch tổng thể vừa rộng, vừa sâu, vừa thiết thực giữa ngân hàng và người dân - doanh nghiệp.
Thời gian để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% trở lên không còn nhiều, nên rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo thành phố của ngân hàng nhà nước đóng trên địa bàn cho việc này với các giải pháp vừa đóng góp ở trên.
TP.HCM tạo kết nối nhiều hơn, hiệu quả hơn nữa để sự gặp gỡ giữa ngân hàng với người dân - doanh nghiệp đến được với nhau là một giải pháp có tính đột phá trong thời điểm hiện nay để tín dụng tăng trưởng an toàn.
Phấn đấu tăng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II
Tầm nhìn của ngân hàng trong kỷ nguyên đầu tư mới
Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong năm 2025, với ngành tài chính ngân hàng giữ vai trò “xương sống”, đóng góp quan trọng cho sự phát triển.
Tinh giản bộ máy hành chính: Cuộc 'Đổi mới lần 2' của đất nước
Quá trình tình giản bộ máy hành chính lần này là cuộc “Đổi mới lần 2”, là vận hội mới của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn bởi liên quan trực tiếp đến vấn đề con người, đòi hỏi phải quyết tâm lớn, nỗ lực cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Rào cản lớn nhất của trí tuệ nhân tạo chính là con người?
Câu hỏi về tương lai của trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu từ những năm 1960, rằng AI liệu có toàn năng và đâu sẽ là rào cản lớn nhất?
Chủ tịch SSI: Chưa thấy ai ly hôn mà chia tài sản là Bitcoin
Nếu Việt Nam bỏ lỡ làn sóng tài sản số lần này, không biết tới bao giờ mới có được cơ hội thứ hai, theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng.
Đổi mới từ tư duy đến hành động để tháo gỡ nút thắt thể chế
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh những đổi mới hoạt động của Quốc hội nhằm tháo gỡ những nút thắt thể chế, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW tổ chức mới đây.
Gỡ vướng 34 dự án ở TP.HCM
34 dự án trên địa bàn TP.HCM đã được địa phương phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Vì một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam
NextPay mong muốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng không tiền mặt tại Việt Nam.
Đạm Phú Mỹ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới PHUMY
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Quảng Ninh sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Quảng Ninh đang không chỉ chuẩn bị cho những con số tăng trưởng, mà còn hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo.
Khi những thành phố lớn đều 'tắc thở'
Không khí, thứ ta hít thở mỗi ngày, đang trở thành mối đe dọa thầm lặng, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Kinh tế xanh chỉ chiếm 2%
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.