CEO Trần Xuân Hải: Có bao nhiêu hướng phát triển doanh nghiệp?

Trần Xuân Hải - 06:05, 13/08/2017

TheLEADERHẳn khi bạn là chủ doanh nghiệp, hoặc chỉ cần bạn là một nhân viên có tâm của một tổ chức, bạn sẽ băn khoăn, tự đặt câu hỏi trên nhiều lần.

CEO Trần Xuân Hải: Có bao nhiêu hướng phát triển doanh nghiệp?
Doanh nhân Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missonizer.

LTS: Chuyên đề "Khai thác tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ để tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam thời 4.0" do TheLEADER thực hiện cùng sự tham dự của những chuyên gia thương hiệu và các CEO đang startup với những bài học cụ thể, thiết thực...

Sau khi khởi đăng loạt bài chuyên đề, TheLEADER đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp... Đặc biệt, có những ý kiến chuyên gia đóng góp trực tiếp về những mô hình khởi nghiệp kinh doanh được nêu lên trong loạt bài.

Để giúp bạn đọc có thêm nhiều góc nhìn thú vị về quản trị và khởi nghiệp, TheLEADER xin trích đăng các ý kiến chuyên gia về chuyên đề nêu trên.

Ý kiến chuyên gia của CEO Công ty Missonizer Trần Xuân Hải, về mô hình kinh doanh cà phê quý tộc specialty của doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh 

Hẳn khi bạn là chủ doanh nghiệp, hoặc chỉ cần bạn là một nhân viên có tâm của một tổ chức, bạn sẽ băn khoăn, tự đặt câu hỏi trên nhiều lần. Tôi xin chia sẻ với bạn 3 hướng suy nghĩ từ cuốn sách Tạo lập mô hình kinh doanh (cuốn ấy còn vô vàn hướng suy nghĩ, nhưng để dịp khác tôi chia sẻ tiếp):

- Tập trung khách hàng

- Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng

- Tập trung cải tiến sản phẩm dịch vụ

Chúng ta hãy cùng phân tích trường hợp cà phê Specialty của chị Kim Hạnh và anh Kim Tae Kon qua bài viết trên báo TheLeader.vn và ngành cà phê qua 3 góc nhìn nêu trên.

'Tôi mong nhiều nông dân chịu trồng và chế biến cà phê specialty, để tụi Tây đừng có cười mình'

Trước đây, các doanh nghiệp thường phải giải quyết cả 3 hướng. Chính vì vậy độ chuyên sâu và năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo không cao. Kể từ những năm 90, quan sát cách ngành máy tính phát triển bùng nổ, ngoài những nguyên nhân về công nghệ, hai chuyên gia của McKinsey John Hagel III và Marc Singer đã nêu ra hướng chuyên biệt hóa tập đoàn (Unbundling the Corporation) trong một bài báo trên Harvard Business Review năm 1999 qua đó chỉ ra rõ các vấn đề mà một tập đoàn gặp phải: Chi phí tương tác (Interaction Costs) - Chi phí tương tác giữa những con người và các công ty càng lúc càng lớn. Bao nhiêu năm phát triển, các nhà quản lý doanh nghiệp luôn phải giải quyết ba nhóm công việc. 

Do hệ thống ngày càng lớn, ngày càng phức tạp, việc phát triển từng nhóm chức năng nêu trên ngày càng trở nên khó khăn, việc tương tác giữa các nhóm chức năng càng trở thành gánh nặng. 

Một số công ty đã tách ra, đẩy mạnh vê một trong ba mảng chức năng nêu trên để xây dựng năng lực cốt lõi, tạo lợi thế cạnh tranh cực mạnh và phát triển vượt trội trong thời gian ngắn.

1. Tập trung khách hàng

Nhóm việc thứ nhất là tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Hãy hình dung nếu doanh nghiệp của bạn là siêu thị bán lẻ thì đây là nhóm chức năng của marketing: làm sao tìm được khách hàng, hấp dẫn họ đến với điểm bán lẻ của mình, tương tác với họ, giúp đỡ họ trong việc giải quyết các vấn đề của mình. Chẳng hạn nhóm việc của những chuyên viên tư vấn giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm tại sàn bán hàng.

Với ngành cà phê, bạn có thể lựa chọn tập trung vào xây dựng quan hệ với khách hàng như xây dựng chuỗi quán cà phê phong cách riêng kiểu Urban Station, The Coffee House, Bene, Starbucks. 

Ví dụ tôi cực kỳ thích là Monkey in Black (MIB) của ông chủ trẻ tuổi Trần Thanh Tùng. Dù đã quá tuổi teen là đối tượng của MIB rất xa, tôi vẫn cảm nhận được tinh thần vui vẻ và "quái" thực sự của đám Monkey áo đen này!

2. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng

Nhóm việc thứ hai là xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng để đảm bảo các công việc với khối lượng lớn, lặp đi lặp lại được hoàn thành tốt. Chẳng hạn với siêu thị của bạn, việc xây dựng các điểm bán lẻ, xây dựng các kho trung chuyển, xây dựng quy trình mua hàng, hệ thống quản lý thông tin, hệ thống mua hàng với giá tốt nhất, giao hàng tới điểm bán với chi phí thấp nhất, có hàng ở thời điểm đúng nhất...

Bạn cũng có thể xây dựng cơ sở hạ tầng như làm xe vận tải, kho bãi chuyên dụng cho ngành cà phê, hoặc sản xuất máy rang xay hoặc máy pha cà phê, bao bì chuyên dụng.

3. Tập trung cải tiến sản phẩm, dịch vụ

Nhóm việc thứ ba là cải tiến sản phẩm dịch vụ, nghiên cứu nhu cầu nào của khách hàng chưa được đáp ứng để rồi tìm cách tạo ra giải pháp. Với ví dụ nêu trên, chẳng hạn siêu thị của bạn nghĩ ra các dịch vụ mới như đặt hàng online, giao hàng đều định kỳ theo hẹn với những hàng hóa mua thường xuyên, cho nợ (credit) với lãi suất thấp cho khách hàng lớn, giao hàng trong 30 phút...

Bạn cũng có thể đi theo hướng xây dựng sản phẩm đặc biệt như Specialty Coffee của anh chị Kim Hạnh, Kim Tae Kon. Xin lưu ý tiêu chuẩn sạch và xanh đã trở nên "nhàm" khi ai cũng tuyên bố mình là sạch và xanh. Ai lại tuyên bố ngược lại đúng không nhỉ, dĩ nhiên là trừ trường hợp Vinacafe đúng một năm trước tuyên bố kể từ 1/8/2016 họ bán cà phê "chỉ làm từ cà phê".

4. Bạn sẽ làm gì?

Với các doanh nghiệp Việt, có thể nói là phần lớn đều yếu toàn phần cả ba nhóm chức năng nêu trên, trong khi cuộc chiến đã tới trước cửa nhà bạn: Uber, Grab đè các hãng taxi, Apple, Facebook chuẩn bị cho chuyển tiền các cá nhân sẽ tạo áp lực lên ngân hàng, Netflix cho bạn xem phim bản quyền với giá mềm tạo áp lực lên các rạp chiếu phim, Starbucks lấn sân chuỗi cafe, McDonald, KFC, PizzaHut lấn nhà các hàng. 

Về tinh thần, chúng ta cần ủng hộ những người dám nghĩ, dám làm. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có cơ may tạo ra những giá trị vượt trội cho thị trường. Việc cải tiến, đầu tư về hướng nào cũng cần rất nhiều công sức, kiến thức, nỗ lực, đam mê, trả giá. 

Tùy vào năng lực của doanh nghiệp bạn, tùy vào việc bạn xác định tương lai mảng nào sẽ là mảnh đất màu mỡ để đầu tư và có nên tập trung đầu tư một mảng hay đủ lực để đầu tư hết cả ba mảng chức năng nêu trên.

Lựa chọn là do bạn.