"Tôi mong nhiều nông dân chịu trồng và chế biến cà phê specialty, để tụi Tây đừng có cười mình"
Kim Yến
Thứ tư, 09/08/2017 - 08:53
Trên thế giới có khoảng 10% người chuyển qua làm cà phê specialty, trong tương lai khoảng 20%, còn Việt Nam thì khoảng … không phết mấy phần trăm thôi, đó là nghịch lý.
Suốt 11 năm qua, với sự cải tiến không ngừng để mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam những món kim chi Hàn Quốc truyền thống và đậu hũ sạch đa dạng, phong phú, có mặt hầu hết các siêu thị bình dân và cao cấp, thương hiệu Ông Kim’s vừa được chuyển nhượng thành công cho tập đoàn CJ với giá trị vài triệu USD.
Được mệnh danh là “Người phụ nữ vì sức khỏe Việt”, với đam mê khai thác tài nguyên bản địa của Việt Nam kết hợp sức mạnh công nghệ để tạo nên sự bứt phá trong kinh doanh, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh lại đang bước vào lần khởi nghiệp thứ hai với cà phê “quý tộc” specialty và trà ô long thượng hạng, để xuất đi khắp châu Á, châu Âu và Mỹ
Khởi nghiệp lần đầu tiên với kim chi Ông Kim’s
CJ đang đổ vốn mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, cuộc chạy đua “sở hữu cổ phần” cùng holding nội địa là Masan vào Công ty Vissan dù không thành công, nhưng điều này cho thấy tham vọng lớn của tập đoàn Hàn Quốc trong lĩnh vực thực phẩm. Với mảng thực phẩm đang tạo mức tăng trưởng bình quân cao đến 86%, việc CJ mua lại công ty Việt Nam chuyên sản xuất kim chi (Công ty Kim&Kim) chứng tỏ tham vọng của CJ là hiện thực hóa chiến lược cung cấp sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”.
11 năm trước, đôi vợ chồng trẻ Kim Tae Kon và Nguyễn Thị Kim Hạnh đã bắt đầu sự nghiệp của mình với 20 hộp kim chi đi bỏ mối cho siêu thị Maximat trên đường 3/2, đến bây giờ, kim chi Ông Kim’s đã có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ khắp 42 tỉnh thành Việt Nam.
Kim Tae Kon có mặt ở Việt Nam từ rất sớm trong vai trò chuyên gia cho ngành may mặc, quảng cáo…Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, ông về nước, 2004 lại quyết định quay trở lại Việt Nam, bắt đầu khởi nghiệp ngành thương mại điện tử, nhưng thất bại do thương mại điện tử lúc đó quá mới mẻ ở Việt Nam. Trong cái rủi có cái may, ông phát hiện ra người Việt rất thích ăn kim chi Hàn Quốc do chính tay ông chế biến.
Có đến 20 thành phần trong kim chi của Ông Kim’s đều lấy từ Việt Nam, ngoại trừ bột ớt kim chi nhập từ Hàn Quốc. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, hiện nay vợ chồng ông đã có một nhà máy sản xuất kim chi ở Khu Công Nghiệp Tân Bình, chuyên sản xuất thực phẩm an toàn. Với phương châm “Vì sức khỏe Cộng đồng”, Ông Kim’s còn sản xuất các sản phẩm và chế biến khác như đậu hũ sạch, các món phụ: Kimbab, Cá cơm rim, Đậu phộng rim, Củ sen rim kiểu Hàn Quốc... được nhiều người tiêu dùng Việt yêu thích và đón nhận. Ông Kim’s vừa khánh thành nhà máy sản xuất thực phẩm là rau củ lên men tự nhiên lớn nhất Việt Nam áp dụng hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP và ISO 22000.
“Ngành chế biến lương thực thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đang cực kì tiềm năng khi rất nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao gấp đôi, gấp ba cho những sản phẩm chất lượng và an toàn với sức khỏe. Rất nhiều nơi trên thế giới không thể trồng được bắp, sen, muốn tiếp cận với nguồn nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên các startup nông nghiệp lại chưa biết cách tận dụng sức mạnh công nghệ, chưa biết cách xây dựng mô hình kinh doanh và còn thiếu ngoại ngữ để có thể mở rộng quy mô, và tạo được sự bùng nổ. Trong cơ hội sẽ có khó khăn, nhưng trong khó khăn sẽ tạo thêm cơ hội”, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh chia sẻ.
Tạo dựng được một thương hiệu đã khó, bán được giá một thương hiệu còn khó hơn nhiều. Để xác định giá bán một công ty đều có công thức hết, giá trị hữu hình thì dễ, lấy tổng doanh thu năm cuối cùng nhân lên từ 4 đến 10 lần là ra giá trị công ty. Nhưng giá trị vô hình thì khó, phải có công cụ nghiên cứu thị trường, độ nhận diện thương hiệu, độ yêu mến của người tiêu dùng.
Kim Hạnh cho biết công ty chị tự nghiên cứu thị trường, kết quả cho thấy 90% người tiêu dùng có thu nhập trung bình cao biết đến thương hiệu, trong đó đặc biệt là trẻ con từ 8 -15 tuổi còn biết đến thương hiệu Kim chi Ông Kim’s. Đó là giá trị thương hiệu.
Chị chia sẻ: “ Trong M&A, có rất nhiều điểm phức tạp, không nên tự mình làm, phải qua trung gian trả giá, là một người chuyên nghiệp sẽ làm việc trực tiếp với cả bên bán và bên mua sẽ tốt hơn. Khi người bán chấp nhận giá trị nghiên cứu thị trường đó, người bán muốn bán được giá thì sẽ tính toán thêm. Còn tự đi bán sẽ rất vất vả, nhiều khi bị hố”.
Hỏi chị nghĩ sao khi bán một thương hiệu mà mình đã vất vả gầy dựng? Chị nói: “ Khi đẻ ra đứa con, lớn lên, trường thành, “gả” đi là chuyện bình thường. Tôi tin CJ sẽ đưa ra giai đoạn mới cho thương hiệu, chứ không phải mua xong để “giết chết” luôn, hay để dọn đường, mua thị trường, mua kênh phân phối để đưa thương hiệu của họ vào như nhiều trường hợp khác của thương hiệu Việt Nam.
CJ rất yêu mến Ông Kim’s, họ không thể làm bậy, vì đó là món truyền thống 1000 năm của Hàn Quốc được người Việt Nam tin dùng. Mỗi ngày sản lượng tiêu thụ lên đến 10 tấn kim chi. Tất cả chương trình văn hóa ẩm thực Hàn Quốc đều gói gọn trong cách làm, gia vị kim chi. Nói về Hàn Quốc là nói về xứ sở kim chi. Với cách lên men tới hai lần, không ngâm vô dấm và muối trực tiếp, nên kim chi có khả năng chống ung thư.
Ở Hàn Quốc có cả một Viện nghiên cứu kim Chi. Viện giống như trường y dược, có nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu các món lên men chậm tạo khuẩn như: cơm rượu và kim chi, trong đó có những loại khuẩn rất tốt cho sức khỏe… Làm về thực phẩm phải có tâm đức, không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Kim chi sử dụng toàn bộ nguyên liệu Việt Nam hết, kể cả nước mắm, chỉ có ớt bột là phải dùng của Hàn Quốc, vì ớt đó không quá cay, có vị ngọt thơm trong đó (Ớt trồng tại Việt nam dù là giống Hàn Quốc cũng bị cay, tôi đã thử nghiệm). Nông sản muốn giảm giá chỉ có cách áp dụng cơ giới hóa, công nghệ và phát triển giao thông, để giảm chi phí vận chuyển. Trồng một cây cải ở Việt Nam mắc hơn Hàn Quốc do vận chuyển của mình mắc quá”
Khởi nghiệp lần thứ hai với cà phê specialty
Biến ngôi nhà là một biệt thự cổ rất đẹp thành quán cà phê Yellow Chair, chị muốn khôi phục lại văn hóa cà phê và văn hóa trà. Bỏ nhiều công sức để tìm được nguồn cà phê chất lượng, đào tạo người pha lành nghề để làm được một “ly cà phê vàng”, chị chia sẻ: “ Ông xã mình là người Hàn Quốc, 11 năm qua giúp ông mang ẩm thực Hàn Quốc sang Việt Nam rất thành công, cả kim chi và đậu hũ nữa. Bây giờ là lúc anh ấy muốn giúp mình làm gì đó cho cà phê Việt Nam”.
“Mình là người con của cà phê. Nhà tôi trồng cà phê từ nhỏ, tôi rất muốn làm gì đó cho Việt Nam. Dòng cà phê của Việt Nam được người sành điệu trên thế giới săn lùng dữ lắm, mình có cả nhân lực trong ngành nghiên cứu cà phê, nhưng có một nghịch lý là Việt Nam toàn làm cà phê rẻ tiền, trong khi chúng ta là nước lớn thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Tôi muốn giúp cho cộng động châu Âu, châu Mỹ biết về cà phê Việt Nam. Thực ra họ biết rất rõ về cà phê Việt Nam nhưng dấu thôi. Vì nói ra người ta cứ nghĩ rẻ tiền, không mua giá cao”.
Để có được cà phê thuộc loại hảo hạng, chị không bao giờ là người bán mua trực tiếp cà phê của nông dân, phải qua công ty giám định. Người giám định phải được cấp bằng quốc tế, có uy tín rõ ràng. Việt Nam là một trong những nước có công ty kiểm định cà phê uy tín nhất nhì thế giới. Công ty có kinh nghiệm trên 30 năm đã hợp tác với công ty Kim & Kim, để nghiên cứu nhiều dòng cà phê specialty, có thể đem cho mọi người trên thế giới thưởng thức. Chị nói: “ Người châu Âu đã biết thưởng thức cà phê từ lâu đời, nên phải học họ để làm cà phê Việt Nam. Còn trà đạo thì người Nhật phải học trà đạo Việt Nam, thú chơi này đã bắt nguồn từ 1000 năm về trước”
Theo chị Kim Hạnh, mở quán vất vả, nhưng chị muốn biến nơi đây thành một showroom mang tính thẩm mỹ cao, để giới thiệu về cà phê specialty. Sẽ có những showroom tương tự như thế ở Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Dubai, để giới thiệu về cà phê specialty Việt Nam, Châu Á và các giống nổi tiếng thế giới nhưng được nghệ nhân Việt Nam rang … “ Tới đây, bạn sẽ được thưởng thức và tham gia nhiều event để người Việt tiếp xúc được nhiều dòng cà phê chính thống, thưởng lãm nhiều vùng cà phê trên thế giới để tìm được gu riêng cho mình bằng chính khả năng thử nếm của mình. Cà phê châu Phi quãng mùi rất dài, rất thơm, nhưng body rất mỏng, còn cà phê châu Á quãng mùi ngắn, nhưng hậu vị rất dài, vòm miệng còn lưu luyến mãi, làm cho người ta không thể quên được cả một ngày, cả một đời, giống như trái cây Việt Nam. Cà phê cũng là một loại trái cây, rất đậm đà, có đầy đủ mùi vị chua cay ngọt đậm, trong ngọt có chua, trong chua có thơm… Trái cây Việt Nam đậm đà lắm. Nước ngoài đánh giá rất cao cà phê Việt Nam, nhưng phải sạch, phải ngon”
Hỏi Hạnh vì sao quyết định khởi nghiệp lần thứ hai với cà phê? Hạnh phiêu linh như thể nói về tình yêu: “ Nói đến “ly cà phê vàng”, phải tính từ hái quả, chế biến, rang xay. Người trồng cà phê phải hiểu hạt đã trải qua những thời tiết thế nào. Người rang phải liên hệ rất mật thiết với người trồng trọt, ăn ở với nhà nông, để hiểu hạt cà phê đó. Ví dụ năm nay mưa nhiều quá, hạt cà phê hơi nhạt, phải “blend-míc” các mẻ rang lại thế nào cho đậm. Rồi nghệ nhân rang sẽ nói chuyện với người pha, để cho cách pha ngon nhất như ý đồ rang. Tuy nhiên người rang giống như vừa là nghệ sĩ vừa là đạo diễn vì họ phải tuân thủ một số nguyên lý , còn người pha giống nghệ sĩ múa, họ có thể feel trong lúc biểu diễn như vậy đó. Phải biến tấu, nghiên cứu làm sao để ra loại cà phê khác biệt nhất nhưng đúng chuẩn”
Chị Hạnh cho biết thêm: “Cà phê xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, giống như cà phê đạo. Từ khi xuất hiện người buôn nô lệ, Hà Lan lúc đó trở thành nước mua bán cà phê sầm uất nhất thế giới. Những nước thuộc địa Anh, Pháp đem về trồng và nghiên cứu vùng đất mới (thuộc địa). Việt Nam có cà phê cũng từ đó. Người Việt Nam rất thanh lịch ngay từ thời xa xưa trong văn hóa ẩm thực. Văn hóa cả ngàn năm cộng với văn hóa châu Âu cả trăm năm rất tao nhã, nhưng cuộc sống xô bồ đã cuốn đi dần. Cuộc đời mình cũng rất bôn ba, đến hôm nay chợt nghĩ chẳng lẽ khổ tới chết? Chính vì vậy mình muốn đem lối sống tao nhã ấy trở lại. Cà phê là thức uống phổ biến thứ hai sau nước, chống oxy hóa, tim mạch, giảm mỡ trong máu. Nhâm nhi một ly cà phê, thưởng lãm được những gì thiên nhiên mang lại, nạp thêm năng lượng, cũng là một cách sống chậm rồi đó”.
“Chọn biệt thự cổ của Pháp, bỏ lại hết tất cả những gì ồn ào ngoài kia. Khi chúng tôi trân trọng bạn thì bạn cũng được trân trọng, đó là ý nghĩa mình muốn mang lại. Mình muốn quay về những giá trị quý giá Việt Nam, sự tao nhã thanh lịch, tôn trọng lễ nghĩa, vẻ đẹp tinh khôi của dân tộc. Cà phê là ngành khó, nhưng có tiêu chuẩn quốc tế, làm đúng chuẩn là được. Tôi đam mê cà phê, nói cả ngày không hết, nên muốn cung cấp kiến thức cà phê sâu và rộng để mỗi người Việt Nam khi ra thế giới có thể tự tin nói về hạt cà phê ngon của Việt Nam. Ngành cà phê có rất nhiều triển vọng, tuy nhiên phải thưởng thức những gì tinh túy nhất từ những giống hiếm, và phải trả giá rất cao, do sản lượng rất ít. Trên thế giới có khoảng 10% người chuyển qua làm cà phê specialty,trong tương lai khoảng 20%, còn Việt Nam thì khoảng … không phết mấy phần trăm thôi, đó là nghịch lý. Tôi cũng cầu mong ở Việt Nam nhiều người biết về specialty, nông dân nhiều người chịu trồng, gặt hái và chế biến kiểu cà phê specialty, và văn hóa nghệ thuật specialty được lan rộng, để tụi Tây đừng có cười mình. Còn làm chụp giật, tào lao thì không bàn”.
Khi cuộc cạnh tranh chưa nằm ở tài chính, vốn sống, và sự cảm thụ sâu sắc về thị trường vốn là thế mạnh của thế hệ doanh nhân có tuổi đời và tuổi nghề; thì người trẻ gần như được mang đến một tư thế cạnh tranh mới...
Đối với bất kỳ một tổ chức, một đơn vị, doanh nghiệp hay cao hơn nữa là một quốc gia, một cộng đồng, vai trò của quản trị càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay không chỉ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong vùng hay trong nước mà sẽ còn phải cạnh tranh với cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trẻ là hành trình tái tạo và kiến tạo không ngừng nghỉ. Sự gắn kết cùng tinh thần dám nghĩ dám làm đã đưa họ từ những ngày đầu khó khăn đến một tương lai mới, nơi mà những người trẻ đang tiếp tục kế thừa và phát huy hệ gen giá trị.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang bùng nổ, có một thực tế không thể phủ nhận rằng nếu không có những doanh nghiệp dám đi trước, những người tiên phong trong việc khai thác tiềm năng du lịch, sẽ không có những điểm đến nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày hôm nay.
Môi trường kinh doanh thực sự thân thiện, an toàn sẽ thuyết phục hàng triệu doanh nhân toàn tâm, toàn ý phát huy hết năng lực, tiên phong đổi mới sáng tạo trên quê hương mình, tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sứ mệnh lớn lao phải được đặt lên vai các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân lớn, những doanh nghiệp dân tộc.