Tiêu điểm
Chính phủ đặt chỉ tiêu GDP 2018 tăng trưởng 6,5 - 6,7%
Chính phủ đã đưa ra 12 chỉ tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV
Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc hội cho biết, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng nay 23/10 đã đề ra 12 chỉ tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tình hình năm 2018, kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro.
Dự báo của Liên Hợp quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 khoảng 2,9% cao hơn năm 2017 là 2,7%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 khoảng 3,6%, cao hơn năm 2017 là 3,5%.
Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.
Trước tình hình chung của thế giới và khu vực và tình hình trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, báo cáo của Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Việt Nam.
Về các chỉ tiêu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23 - 23,5%. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.
Về môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Chính phủ cũng dự kiến 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên gồm:
Thứ nhất, tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất. Thứ ba, phát triển hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của người dân. Thứ tư, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên.
Thứ năm, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ sáu, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thứ bảy, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, về mục tiêu tổng quát: Một số ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết của việc đặt ra mục tiêu tổng quát cho từng năm, phân tích những nội dung mới so với mục tiêu tổng quát của các năm trước;
Cần nhấn mạnh việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung cho các mục tiêu trung hạn là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế và bảo đảm phát triển bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thuận lợi, bình đẳng, rà soát, cắt giảm các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh và chi phí bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với 12 chỉ tiêu chủ yếu do Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị:
Thứ nhất, tính toán, rà soát lại khả năng đạt được của các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, từ đó xây dựng các chỉ tiêu phù hợp cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong tổng thể Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và bảo đảm thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, cần đánh giá rõ các yếu tố tăng trưởng nhất là chỉ tiêu tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33-34% GDP (năm 2017, GDP ước đạt 6,7% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,42% GDP) trong xu hướng, tình hình thế giới và trong nước thuận lợi hơn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế theo chiều sâugắn với chất lượng, hiệu quả của chỉ tiêu GDP.
Thứ ba, phân tích tính khả thi của chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 7%-8%) và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 3%) đều thấp hơn so với ước thực hiện năm 2017 trong khi dự báo thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam nếu tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại đã ký kết.
Thứ tư, đề nghị rà soát, bảo đảm tính xác thực của chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ che phủ rừng.
Đi kèm với 12 chỉ tiêu dự kiến trình Quốc hội xem xét, đề nghị báo cáo rõ thêm về các chỉ tiêu điều hành vĩ mô khác như tăng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng, định hướng điều hành lãi suất, tỷ giá, chính sách thuế... nhằm đưa ra thông điệp chính sách với tính ổn địnhtương đối làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu đưa chỉ tiêu thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm thành nhóm chỉ tiêu chính hàng đầu để phản ánh toàn diện, thực trạng nền kinh tế.
GDP năm 2018 dự kiến tăng trưởng 6,5%
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng trưởng GDP 2017 dự kiến đạt 6,7%
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2017, nền kinh tế Việt Nam dự kiến đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế đề ra.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Tăng trưởng GDP cả năm 2017 có thể đạt trên 6,7%
Ủy ban giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ đạt khoảng 7,5-7,7%, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt trên 6,7%.
HSBC: Nợ công của Việt Nam khó vượt ngưỡng 65% GDP
HSBC nhận định rằng dù có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% do Chính phủ đề ra thì Việt Nam cũng khó có thể vượt quá mức giới hạn nợ 65% GDP mà Quốc hội đề ra.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.