Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021

Tùng Anh - 08:47, 01/08/2021

TheLEADERTừ tháng 8/2021, nhiều chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực, nổi bật trong đó là các quy định liên quan đến quản lý thuế, công chức và trợ cấp xã hội hàng tháng.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021
Từ tháng 8/2021 có quy định mới về thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh

Quy định mới về thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh

Từ ngày 1/8/2021, các quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với cá nhân và hộ kinh doanh sẽ được áp dụng theo Thông tư 40/2021/TT-BTC với một số thay đổi liên quan  đến các vấn đề liên quan đến thủ tục thuế.

Cụ thể, sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện khai, nộp thuế thay cho người bán theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của người bán cho cơ quan thuế, trong đó có thông tin về doanh thu và tài khoản ngân hàng.

Thông tư này cho phép cá nhân và hộ gia đình quy mô lớn nộp thuế theo phương pháp kê khai. Khi đó, cá nhân và hộ kinh doanh phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ nhưng không phải quyết toán thuế.

Một số khoản doanh thu tính thuế cũng được bổ sung. Trong đó, khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán phải chịu thu nhập cá nhân  0,5% và thuế giá trị gia tăng 1%. Dịch vụ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số chịu thuế thu nhập cá nhân 2% và thuế giá trị gia tăng 5%.

Điều kiện để các giao dịch liên kết được đề nghị áp dụng APA

Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ có hiệu lực từ ngày 3/8/2021.

Theo đó, giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết được quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP và phải đáp ứng đồng thời bốn điều kiện.

Thứ nhất, thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.

Thứ hai, có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại điều 6, điều 7 Nghị định 132/2020, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 điều 42 Luật Quản lý thuế 2019.

Thứ ba, không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế. Thứ tư, được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng hiệp định thuế.

Thay đổi quy định về nâng bậc lương đối với công chức

Thông tư 03/2021 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Trong đó, Thông tư 03 bổ sung thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự vào việc xét nâng bậc lương thường xuyên.

Đồng thời, thông tư này bổ sung thêm một số khoảng thời gian không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm: thời gian đào ngũ, thời gian thử thách khi hưởng án treo, thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.

Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi từ ngày 15/8/2021. Theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được nâng bậc lương thường xuyên. Trước đây, người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực cũng thuộc diện được nâng bậc lương.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức

Thông tư số 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2021.

Đáng chú ý, ở tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư đã không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch. 

Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1.000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Các trường hợp thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư 02/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. 

Thông tư 02/2021 có hiệu lực từ ngày 8/8/2021 nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/7/2021.

Theo đó, Thông tư 02 sẽ siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội với việc quy định ba trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội. Một là đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ ba tháng trở lên.

Hai là người không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý.

Ba là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ một tháng trở lên.

Quy định trước đây chỉ tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn.