Chính phủ gỡ nút thắt cho giao dịch liên kết

An Chi - 07:10, 11/11/2020

TheLEADERNghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết vừa được Chính phủ ban hành nhằm thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Chính phủ gỡ nút thắt cho giao dịch liên kết
Chính thức có nghị định mới thay thế Nghị định 20 về giao dịch liên kết

Theo đó, hai vấn đề mà doanh nghiệp mong chờ nhất trong nghị định mới này là nâng trần chi phí lãi vay và hồi tố khoản thuế mà doanh nghiệp đã đóng trong 2 năm trước đều được Chính phủ lắng nghe và thông qua. 

Cụ thể, Nghị định 132 đã đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% của Nghị định 20 lên 30%. Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Trước đó, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Có nghĩa là, nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá mức trần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Mức trần lãi vay 20% là gây khó cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những lĩnh vực đặc thù, cần nguồn vốn lớn như bất động sản. Áp dụng theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được trừ toàn bộ khi tính thuế như các doanh nghiệp khác, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế.

Mặt khác, quy định này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bị đánh thuế 2 lần đối với cùng một giao dịch trường hợp công ty mẹ phải đứng ra vay vốn ngân hàng sau đó chuyển vốn vay cho công ty con hoạt động, do cả công ty mẹ và công ty con đều bị loại chi phí lãi vay vượt 20%.

Do đó, việc Chính phủ ban hành nghị định mới, thay thế Nghị định 20 được xem như tin vui cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.

Một quy định quan trọng khác trong Nghị định 132 cũng được Chính phủ thông qua liên quan đến việc hồi tố đối với khoản tiền thuế doanh nghiệp đã nộp trong hai năm 2017, 2018. Ước tính, chỉ riêng tiền thuế nộp trong hai năm 2017 và 2018 của các doanh nghiệp đã đến gần 5.000 tỷ đồng. 

Theo đó, đối với việc kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 và năm 2018, Nghị định 132 quy định, người nộp thuế thuộc trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm 2018 theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 68/2020/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện đến trước ngày 01/01/2021.

Người nộp thuế đã được cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý đối với kỳ tính thuế năm 2017, năm 2018 nhưng thuộc trường hợp được xác định lại số thuế phải nộp theo điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định 68/2020/NĐ-CP nhưng đến thời điểm ngày 20/12/2020 chưa gửi đề nghị cho cơ quan thuế thì người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp

Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm 2017, năm 2018 lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024, Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Đối với trường hợp được chuyển chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Trường hợp sau 05 năm không chuyển hết thì phần chi phí lãi vay còn lại không được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo.

Bên cạnh đó, Nghị định 132 cũng có một số quy định mới mở rộng thêm nhiều đối tượng được loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay thay vì chỉ có tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm như Nghị định 20 trước đây.

Đó là các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Bên cạnh đó, thời điểm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cũng có sự thay đổi. Trước đây, Nghị định 20 quy định người nộp thuế tại Việt Nam có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài có nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao và cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Nghị định 132 quy định mới theo hướng, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động nếu nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận. Người nộp thuế chỉ phải cung cấp trong trường hợp nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước không ký thoả thuận.

Quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia này nhằm phù hợp theo thông lệ quốc tế, đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD, phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020, áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.