Cho phép người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng trong đặc khu kinh tế: Nên hay không?

Thu Phương - 05:02, 06/11/2017

TheLEADERViệc cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam nếu được đưa vào thực tế sẽ là một chất xúc tác rất tốt cho thị trường.

Cho phép người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng trong đặc khu kinh tế: Nên hay không?
Nhiều đề xuất cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa

Cơ hội thu hút dòng vốn lớn

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có kiến nghị điều chỉnh cụ thể về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về lĩnh vực đất đai, xây dựng và bất động sản áp dụng trong các đặc khu kinh tế.

Theo đó, với mong muốn góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trên quan điểm doanh nghiệp, đặc biệt là thay mặt cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, VNREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách ưu đãi trong các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Cụ thể, đối với cơ chế chính sách về bất động sản, Khoản 5 Điều 16 Dự thảo Luật đơn vị hành chính linh tế đặc biệt quy định “Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được phép nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, bán nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”.

VNREA cho rằng, với ưu tiên phát triển kinh tế du lịch đối với cả ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, dự thảo luật nên sửa đổi theo hướng cho người nước ngoài được mua cả nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trừ khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng.

Theo VNREA, cả ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này đều có ngành nghề trọng tâm phát triển là dịch vụ du lịch; quy định trên nếu được đi vào thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho quá trình phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch địa phương.

Đồng thời, mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư rất tiềm năng về cho đất nước, đáp ứng nhu cầu thực tế của nhiều người nước ngoài trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Áp dụng tại ba đặc khu kinh tế trước

Liên quan đến kiến nghị cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng của VNREA, trao đổi với TheLEADER, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ".

Theo ông Võ, quy định này cần được áp dụng ngay vì nó có tác động rất lớn trong việc giải quyết vấn đề vốn, thu hút lượng vốn rất lớn cho thị trường. Đây vốn là vấn đề rất khó tại Việt Nam hiện nay.

Nếu cẩn thận, Chính phủ có thể cho áp dụng tại ba đặc khu kinh tế trước, sau đó mở rộng dần ra phạm vi cả nước, ông Võ nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Hoài An

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Hà Nội cho rằng, luật hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc cho người nước ngoài sở hữu nhà ở. Việc cho nguời nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có trong quy định của của pháp luật.

Trong khi đó, có thể nhận thấy sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng rất có tiềm năng thu hút đối với người nước ngoài. Bởi, thứ nhất, người nước ngoài không có mục tiêu lưu trú lâu dài tại Việt Nam.

Thứ hai, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ trong khu vực so với các nước như Thái Lan, Philips... vốn là những thị trường khá phổ biến với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Bên cạnh đó, tại Việt Nam có rất nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, người nước ngoài muốn mua hoặc đầu tư giống như một ngôi nhà thứ hai.

Tuy nhiên, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam so với những thành phố kể trên vẫn còn một khoảng cách rất xa. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Người nước ngoài hiện nay đã ít nhiều biết đến bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam. Nhu cầu mua bất động sản nghỉ dưỡng của họ tại thị trường Việt Nam là có. Vấn đề còn lại là pháp luật hiện nay nên quy định việc đó như thế nào.

Việt Nam nên cho phép người nước ngoài được mua bất động sản nghỉ dưỡng. Nếu làm điều này thì đây sẽ là một chất xúc tác rất tốt cho thị trường, bà An khẳng định.

Bà An cũng cho rằng, chúng ta không kỳ vọng người nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường bất động sản, nhưng họ sẽ góp phần làm thị trường tăng trưởng tốt hơn, thu hút vốn cho thị trường bất động sản, giúp chủ đầu tư bán hàng nhanh hơn... 

Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang tăng rất nhanh thì chúng ta cũng cần có nguồn cầu để thúc đẩy giao dịch, cân bằng giữa cung và cầu.

Bên cạnh đó, người nước ngoài rất có kinh nghiệm hơn trong việc lựa chọn sản phẩm bất động sản. Do đó, việc cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng một mặt nào đó sẽ khiến chất lượng sản phẩm trên thị trường tốt hơn.

Mặt khác, việc cho phép người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng sẽ giúp tăng lượng khách quốc tế. Thị trường có nhiều người nước ngoài sở hữu bất động sản sẽ giúp tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam. Ít hay nhiều, điều này sẽ tốt cho nền kinh tế nói chung

Về vấn đề làm thế nào để quản lý người nước ngoài khi cho phép họ mua bất động sản nghỉ dưỡng, bà An cho rằng luật nhà ở hiện nay đã có quy định cho người nước ngoài mua nhà ở 50 năm. Như vậy nhà nước vừa khuyến khích nhưng cũng đã có những quy định làm thế nào để quản lý đc những người nước ngoài mua nhà chứ không phải cho họ mua vĩnh viễn hay có quyền lợi ngang bằng với người Việt Nam.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng cũng có thể áp dụng quy định tương tự như vậy, để vẫn đảm bảo được quyền lợi của người mua nhà trong nước vừa tạo được sự cởi mở và hấp dẫn đối với người nước ngoài.

Về việc quản lý, Việt Nam cũng có thể có các quy định các hạn chế đối với cá nhân nước ngoài khi sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng tương tự như đối với nhà ở như hạn chế số lượng bất động sản người nước ngoài được sở hữu trong một khu vực... bà An cho biết.