Chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất

Trần Anh - 14:36, 24/09/2021

TheLEADERBáo cáo của Fiingroup cho rằng dòng tiền sẽ còn tiếp tục ở lại trên TTCK cho đến ít nhất là hết quý 1/2022 khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục ở mức 50-60% so với trước đại dịch.

Trong báo cáo FiinPro Digest mới đây, nhóm phân tích của FiinGroup dự báo tăng trưởng GDP có thể âm trong quý 3 này. Mặc dù vậy, bối cảnh vĩ mô sẽ chỉ gặp những thách thức trong ngắn hạn vì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sớm được khôi phục.

Chiến lược chống Covid đã thay đổi và những động thái tiến tới mở cửa trở lại từng phần và cách ly theo vùng sẽ thực hiện trong cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Các tổ chức quốc tế hiện vẫn đặt dự báo khá lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, với mức tăng trưởng khoảng 4,8% (theo World Bank), hay 5,8% (theo ADB), tùy theo kịch bản mở cửa nền kinh tế trở lại.

Thị trường chứng khoán, theo đó, tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ. Báo cáo của FiinGroup cho rằng thị trường chứng khoán hiện vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư bất động sản, vàng hay USD.

Mặt bằng lãi suất thấp trong 5 năm qua tại Việt Nam và bối cảnh chung trên thế giới đã hỗ trợ rất nhiều cho dòng tiền vào kênh chứng khoán. Điều này đã thể hiện ở số tài khoản chứng khoán mở mới, thanh khoản thị trường gia tăng và số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán.

Số liệu của FiinGroup chỉ ra rằng, số dư tiền mặt của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đạt 70.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6, tăng 24,2% so với cuối tháng 3. Tính đến cuối tháng 8, số dư này ước đạt 90.000 tỉ đồng. Dòng tiền này được cho là đang chờ đợi một cơ hội lớn để gia nhập thị trường.

Chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất

Trong môi trường lãi suất thấp, nguồn tiền vào chứng khoán còn đến từ hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán.

Dư nợ cho vay margin vào cuối quý 2/2021 đạt trên 126,3 nghìn tỉ đồng. Dư nợ hiện chỉ chiếm phần nhỏ so với thanh khoản, nhưng xu hướng tăng dần đều kể từ quý 2/2020 đã khẳng định tâm lý ổn định và sự tự tin của chính các “nhà cái” đối với triển vọng của thị trường.

Xu hướng gia tăng này được dự báo sẽ còn tiếp tục sau khi nhiều công ty chứng khoán đã và sẽ tăng vốn để đảm bảo an toàn về mặt chỉ số theo quy định của Ủy ban Chứng khoán. Theo ước tính, tổng số vốn tự có dự kiến tăng thêm là 18.800 tỉ đồng trong năm 2021, riêng từ đầu năm đến nay đã hoàn thành tăng vốn gần 12.000 tỉ đồng. Điều này cho phép các công ty chứng khoán tăng trần vốn vay thêm tối đa là 24.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng mạnh và tổ chức trong nước cũng trong xu hướng bán ra kể từ đầu tháng 8/2021, thì dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 16.700 tỉ đồng từ đầu tháng 8, cao gấp 7 lần mức mua ròng trong tháng trước đó. Lũy kế từ đầu tháng 7, giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đạt 19.100 tỉ đồng.

Nhóm phân tích Fiingroup nhận định, các kênh đầu tư thay thế hiện vẫn kém hấp dẫn hơn chứng khoán. Lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, thị trường bất động sản thì vẫn trong giai đoạn trầm lắng sau làn sóng Covid-19 thứ tư.

Trong khi đó, vàng và USD không còn là ưu tiên với thế hệ nhà đầu tư trẻ của Việt Nam hiện nay. Fiingroup cho rằng dòng tiền sẽ còn tiếp tục ở lại trên TTCK cho đến ít nhất là hết quý 1/2022 khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục ở mức 50-60% so với trước đại dịch.