Leader talk

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Cuộc chơi tốn kém ra sao?

Tim Evans* - 23/10/2024 12:13 (GMT+7)

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, mở ra các cơ hội mới nhưng cũng đòi hỏi mức chi phí khổng lồ.

Tôi vẫn luôn vinh dự và tự hào khi kể cho thế giới nghe câu chuyện của Việt Nam. Một trong những phần thú vị nhất của câu chuyện này chính là hành trình tăng trưởng tuyệt vời của Việt Nam qua những thập kỷ gần đây, và được thể hiện qua vị thế Việt Nam đạt được trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ xuất phát điểm ban đầu thấp, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia có thu nhập tầm trung thấp với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Những con số ấn tượng đã nói lên tất cả. Việt Nam hiện tham gia 16 hiệp định thương mại tự do và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia. Nhiều tổ chức dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mốc 760 tỷ USD vào năm 2030.

Năm nay, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC kỳ vọng GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 7%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và tạo ra GDP mới nhiều tương đương Hà Lan.

Chưa hết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về GDP và nhóm 20 xét về thương mại. Những bước tiến này đã đẩy thu nhập bình quân đầu người tăng 43 lần từ 100 USD thời mới cải cách lên 4.300 USD như hiện nay.

Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để có được vị thế như ngày hôm nay. Một yếu tố quan trọng trong thành công đó chính là tinh thần sẵn sàng đón nhận thay đổi.

Suốt nhiều năm, FDI vẫn luôn là một trong những động lực quan trọng đằng sau sự tăng trưởng vượt bậc này, chiếm 4-6% GDP hàng năm.

Tuy nhiên, câu chuyện về sự tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đơn giản xoay quanh “thu hút FDI và xuất khẩu”. Gần đây, đã có những động lực mới xuất hiện giúp thúc đẩy câu chuyện của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Việt Nam đã viết lên câu chuyện tăng trưởng đầy ấn tượng thời gian qua. Ảnh: Hoàng Anh

Thay đổi là xu hướng tất yếu

Thế giới đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết bởi hai yếu tố then chốt.

Thứ nhất, chỉ tính riêng những tiến bộ về công nghệ diễn ra trong một thập kỷ vừa qua cũng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Cách đây 10 năm, sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có thể là điều gì đó quá xa xỉ đối với nhiều người. Giờ đây, thiết bị này đã trở thành một phần gắn liền với cuộc sống của gần 70 triệu người ở Việt Nam.

Chưa hết, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, máy học và khoa học người máy đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nhiều ngành nghề, từ y tế đến sản xuất và kể cả ngành ngân hàng.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tốc độ của công cuộc chuyển đổi số, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ như công cụ làm việc từ xa, thương mại điện tử và dịch vụ y tế từ xa. Giờ đây, khi đại dịch đã ở lại sau lưng chúng ta, sự phổ biến của số hóa vẫn còn tiếp diễn.

Một yếu tố then chốt nữa đang ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta chính là biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể nghĩ đây là một tiến trình chậm chạp, đi theo một lộ trình tương đối dễ đoán, thậm chí dễ xử lý. Đó thực sự là một suy nghĩ sai lầm. Trên thực tế, hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên vẫn đang diễn ra, kéo theo một loạt thiên tai mà sau này sẽ đưa chúng ta đến ngưỡng không thể vãn hồi.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng vừa chứng kiến hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra. Đây chính là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu là một vấn đề sát sườn chứ chẳng ở đâu xa - một nguy cơ sống còn đối với thế giới này với hậu quả vô cùng sâu rộng.

Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo rằng, Việt Nam là một trong năm quốc gia đứng đầu về khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên đến 3,5% GDP vào năm 2050.

Khí hậu đang thay đổi. Và chúng ta cũng phải vậy. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch hướng đến nền kinh tế cân bằng phát thải toàn cầu để giữ mức tăng nhiệt độ nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C - mức tăng để có được nền khí hậu an toàn theo IPCC.

Tính đến nay, khoảng 150 quốc gia đã công bố mục tiêu cân bằng phát thải, cũng như rất nhiều khu vực, thành phố và doanh nghiệp. Năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam lần đầu tiên đặt mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050.

Cơ hội mở ra từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Việt Nam có tiềm năng lớn về tiêu dùng số. Những yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học bao gồm dân số 100 triệu người với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%.

Tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh cũng giúp mở rộng thị trường kinh tế số. Gần 80% dân số Việt Nam sử dụng internet nhờ số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ.

Các sáng kiến của nhà nước nhằm thúc đẩy số hóa ở khu vực nông thôn đã thúc đẩy tiến bộ trong việc xây dựng một nền kinh tế số được đánh giá là phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%, theo báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm ngoái.

Xét về tổng giá trị giao dịch (gross merchandise value – GMV), Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia. Tăng trưởng kỳ vọng được dẫn dắt bởi hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển do được hỗ trợ bởi tập khách tiêu dùng đang gia tăng.

Một trong những hiệu quả lớn nhất của cuộc cách mạng số chính là cách nó mở ra cơ hội tiếp cận sân chơi thế giới cho mọi quốc gia, cho phép các nước như Việt Nam cạnh tranh với những nền kinh tế phát triển hơn.

Những doanh nghiệp kỳ lân sinh ra ở Việt Nam như Sky Mavis, MoMo hay VNLife đều là những đối thủ tầm cỡ thế giới, nhưng để viết tiếp câu chuyện thành công của họ, chúng ta cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và khả năng tiếp cận nhằm xây dựng một hệ sinh thái số phát triển có thể thúc đẩy sáng tạo đổi mới.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, dù là một thách thức nặng nề Việt Nam đang phải đối mặt, lại đồng thời là một cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như khối doanh nghiệp của Việt Nam.

Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn nhờ điều kiện thuận lợi cũng như cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050 của Chính phủ. Đây là quốc gia có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời.

Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mang lại cơ hội thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo vốn đang phát triển. Việt Nam đứng thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi xanh mang đến nhiều cơ hội lớn cho các tổ chức sẵn sàng đổi mới sáng tạo, thích nghi và dẫn đầu xu thế trong sáng tạo giải pháp giúp mang đến một tương lai bền vững hơn cho nhiều thế hệ sau này.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo. Ảnh: Hoàng Anh

Đón đầu xu hướng thay đổi

Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ để đón bắt hai xu thế nêu trên.

Chẳng hạn, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh.

Bền vững từng là sân chơi của các doanh nghiệp FDI bởi họ có xu hướng tuân theo chính sách và chiến lược của công ty mẹ ở những quốc gia khác - nơi xu hướng về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) phát triển hơn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên. Theo khảo sát của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. Gần 50% doanh nghiệp cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thực hiện gần đây.

Rõ ràng, thay đổi không phải là một lựa chọn mà là điều cần thiết đối với doanh nghiệp. Và thay đổi cũng mang lại lợi ích.

Chuyển đổi số trở thành một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh trước tình hình cạnh tranh gia tăng và nhu cầu khách hàng biến đổi. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bứt phá để mang lại sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, phần nhiều nhờ công nghệ tiên tiến.

Một số lợi ích chính có thể kể ra như hiệu quả, cải thiện trải nghiệm người dùng và khách hàng, có thêm thông tin chuyên sâu chính xác…

Mặt khác, những doanh nghiệp không tiến hành giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm lòng tin ở những bên liên quan như người lao động, nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Và bản thân doanh nghiệp của họ cũng không được bảo vệ vững vàng trước những rủi ro khí hậu trong tương lai.

Thay đổi tốn kém ra sao?

Chuyển đổi xanh tốn kém ra sao? Tổng mức chi của chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân cho năng lượng và hệ thống sử dụng đất sẽ cần tăng 3,5 nghìn tỷ USD/năm để chúng ta có cơ hội đạt được cân bằng phát thải vào năm 2050. Nghĩa là tăng 60% so với mức đầu tư hiện tại.

Con số đó tương đương một nửa lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu, 1/4 ngân sách thu từ thuế của cả thế giới và 7% chi tiêu hộ gia đình.

Với Việt Nam, ước tính sẽ cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 (tương đương gần 6,8% GDP hàng năm) để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường.

Thế còn chuyển đổi số? Chi tiêu cho chuyển đổi số toàn thế giới được dự báo sẽ đạt gần 4 nghìn tỷ USD vào năm 2027, theo International Data Corporation. Ở Việt Nam, ước tính tỷ lệ chi cho chuyển đổi số nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Mỗi dự án chuyển đổi có tính chất khác nhau và tổng chi phí chuyển đổi số sẽ không giống nhau tùy thuộc vào mỗi công ty, ngành nghề, hình thức chuyển đổi và nhiều yếu tố khác. Chi phí bình quân của một dự án chuyển đổi số là 27,5 triệu USD, theo International Data Corporation.

Cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ, ở đó, tài chính đóng một vai trò thiết yếu.

Vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết. Chi phí đầu tư là thách thức hàng đầu trong chuyển đổi số, theo 60 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Thay đổi nghe có vẻ tốn kém nhưng chậm trễ thay đổi còn tốn kém hơn. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thay đổi để vượt lên trong bối cảnh thế giới xoay chuyển như vũ bão hiện nay? Lựa chọn là của mỗi chúng ta.

*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

Ý kiến ( 0)
Chuyển đổi số: Tầm nhìn của một quốc gia hưng thịnh

Chuyển đổi số: Tầm nhìn của một quốc gia hưng thịnh

Leader talk -  5 ngày

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và những doanh nghiệp tiên phong, chuyển đổi số được xem là động lực đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên thịnh vượng mới.

Doanh nghiệp 'lúng túng' chuyển đổi xanh

Doanh nghiệp 'lúng túng' chuyển đổi xanh

Phát triển bền vững -  3 tuần

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, tìm kiếm nhân sự và các giải pháp kỹ thuật khi chuyển đổi xanh.

Tấm vé đến với chuyển đổi xanh

Tấm vé đến với chuyển đổi xanh

Leader talk -  9 tháng

Theo ông Trần Đức Trí Quang - Giám đốc Dữ liệu tại FPT IS – Công ty thành viên Tập đoàn FPT, công nghệ và dữ liệu sẽ đóng vai trò là “xương sống” trong hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, đồng thời là “tấm vé” giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh từ các tổ chức tín dụng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Sớm tháo gỡ 'điểm nghẽn' thể chế

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Sớm tháo gỡ 'điểm nghẽn' thể chế

Leader talk -  1 ngày

Trong ba 'điểm nghẽn' lớn nhất hiện nay gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế chính là 'điểm nghẽn' của 'điểm nghẽn', Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

Vốn hóa chi phí lãi vay: ‘Bom nổ chậm’ của ngành địa ốc?

Vốn hóa chi phí lãi vay: ‘Bom nổ chậm’ của ngành địa ốc?

Leader talk -  5 ngày

Dù là nghiệp vụ phổ biến, việc vốn hóa chi phí lãi vay có thể mang lại những rủi ro cho tình hình tài chính các doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt trong bối cảnh các dự án bị ‘treo’ nhiều như hiện nay.

Chuyển đổi số: Tầm nhìn của một quốc gia hưng thịnh

Chuyển đổi số: Tầm nhìn của một quốc gia hưng thịnh

Leader talk -  5 ngày

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và những doanh nghiệp tiên phong, chuyển đổi số được xem là động lực đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên thịnh vượng mới.

Doanh nhân Việt và khát vọng vươn ra biển lớn

Doanh nhân Việt và khát vọng vươn ra biển lớn

Leader talk -  1 tuần

Doanh nhân Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong bản đồ tồn tại và phát triển như vũ bão này, sẽ đi hay sẽ chạy để không phải đứng im và càng không phải bị đối thủ bỏ xa, bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh tốc độ lành mạnh này?

Cục diện mới của kinh tế tư nhân

Cục diện mới của kinh tế tư nhân

Leader talk -  1 tuần

Một khu vực tư nhân năng động và có năng lực cạnh tranh cao là một bảo đảm vững chắc cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới và bối cảnh thế giới mới.

Quản trị nhân sự thời Gen Z

Quản trị nhân sự thời Gen Z

Tủ sách quản trị -  1 phút

Cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z" mang đến chiến lược hiệu quả giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và quản lý thế hệ Gen Z, xây dựng đội ngũ nhân sự trẻ sáng tạo, gắn bó.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Cuộc chơi tốn kém ra sao?

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Cuộc chơi tốn kém ra sao?

Leader talk -  37 phút

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, mở ra các cơ hội mới nhưng cũng đòi hỏi mức chi phí khổng lồ.

Hạnh phúc nhờ trải nghiệm xuất sắc

Hạnh phúc nhờ trải nghiệm xuất sắc

Diễn đàn quản trị -  1 giờ

Tổ chức gắn kết mạnh mẽ, cùng vượt qua thách thức và đạt mục tiêu chung là nền tảng để tạo nên trải nghiệm khách hàng xuất sắc và sự phát triển vững bền của doanh nghiệp.

SHB mở rộng gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất từ 4,8%

SHB mở rộng gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất từ 4,8%

Nhịp cầu kinh doanh -  1 giờ

Gói tín dụng SHB quy mô 16.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4,8% được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh với thời gian phê duyệt nhanh.

Hạnh phúc ở một doanh nghiệp tí hon vĩ đại

Hạnh phúc ở một doanh nghiệp tí hon vĩ đại

Diễn đàn quản trị -  2 giờ

LuxGroup không chỉ duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch sang trọng mà còn xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, lấy khách hàng làm trung tâm.

SeABank lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng sau 9 tháng

SeABank lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng sau 9 tháng

Tài chính -  2 giờ

SeABank đạt lợi nhuận trước thuế 4.508 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước với các chỉ số kinh doanh tích cực nhờ quản trị rủi ro hiệu quả.

Vàng ròng từ nông nghiệp bền vững

Vàng ròng từ nông nghiệp bền vững

Phát triển bền vững -  3 giờ

Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững ngay từ những ngày đầu đã giúp Phúc Sinh trở thành một trong những người dẫn dầu xuất khẩu hồ tiêu và cà phê.