Việt Nam cam kết đủ điện, đẩy mạnh thu hút FDI
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không thiếu điện, có các ưu tiên tăng trưởng và thu hút FDI trong các lĩnh vực ưu tiên.
Sau nhiều năm dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại ASEAN, Việt Nam vẫn cần làm nhiều hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tháng trước, Việt Nam đã đón dự án đầu tư nước ngoài tỷ USD đầu tiên của năm nay với số vốn 1,07 tỷ USD từ một trong những “ông lớn” ngành bán dẫn là Amkor (Hàn Quốc).
Đại diện lãnh đạo của tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho doanh nghiệp này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Nguồn vốn này đã giúp nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam tại Bắc Ninh lên mức 1,6 tỷ USD.
Điều này đã giúp nâng tổng số vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng gần 20% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số này tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài dù cạnh tranh toàn cầu ngày càng căng thẳng.
Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hàng năm từ 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, Việt Nam trong rất nhiều năm duy trì vị trí thứ ba trong ASEAN về lượng FDI nhận được.
Ngoài dự án đáng chú ý của Amkor mới đây, Bắc Ninh – một trong những trung tâm FDI của cả nước – còn là nơi đặt trung tâm sản xuất hàng đầu của Samsung.
Kể từ khi Samsung thành lập nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008 tới nay, hơn một nửa sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD.
Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam.
Sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI, HSBC nhận định trong phân tích mới nhất.
So sánh chi phí lao động ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và các quốc gia khác, dù người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng – điều được thể hiện qua kết quả khảo sát PISA của Việt Nam ở mức cao.
Các chi phí khác, chẳng hạn như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy, ở Việt Nam cũng cạnh tranh. Khi so sánh giá điện cho kinh doanh, Việt Nam thấp thứ hai so với các quốc gia khác trong ASEAN, chỉ cao hơn Indonesia.
Tuy nhiên, những thay đổi gần đây khiến thời gian điều chỉnh giá điện rút ngắn hơn có thể ảnh hưởng đến tình hình hiện tại, HSBC lưu ý.
Trong khi đó, dầu diesel, vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, cũng cho thấy một lợi thế cạnh tranh về giá.
Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như EVFTA hay CPTPP. Nhờ vậy, những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở nên ngày càng cởi mở hơn với FDI, theo OECD.
Một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu.
Tính đến hiện tại, các yếu tố hấp dẫn đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và giúp Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm, hiện tại có thể sánh với Singapore.
Ngân hàng UOB trong đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn nhìn nhận tích cực về triển vọng của Việt Nam, vượt qua những thay đổi về chính trị.
“Chúng tôi vẫn lạc quan trong nửa cuối năm vì những dữ liệu FDI này cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng”, ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Tập đoàn UOB cho biết.
Vị này nhận định, sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm.
Điều đáng chú ý là sự gia tăng hội nhập của Việt Nam lại chủ yếu diễn ra thông qua liên kết ngược nhiều hơn, HSBC đánh giá.
Việt Nam hiện tại được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian phức tạp cho khâu lắp ráp cuối cùng, minh chứng là tỷ lệ nội địa hóa thấp trong ngành hàng điện tử.
Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này, HSBC khuyến nghị.
So với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.
Mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Điều này thôi thúc chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới.
Sự thiếu hụt nhân công có chuyên môn cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như logistics và vận tải hàng hải.
Bên cạnh mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, theo HSBC, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước có thể giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp.
Chẳng hạn, công ty sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ Synopsys mới đây ký thỏa thuận hợp tác làm việc cùng sinh viên và giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM trong thiết kế, đào tạo và nghiên cứu vi mạch.
Điều đáng khích lệ là đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp thâm nhập vào Việt Nam.
Cách đây hai năm, Samsung đã thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn.
Trong khi đó, Apple cũng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.
Các yếu tố bên cạnh cân nhắc về thuế, chẳng hạn như chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước.
Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cũng như tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới.
Bên cạnh sự tin tưởng vào tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng cho rằng còn nhiều vấn đề cần cải thiện để thúc đẩy hơn nữa dòng đầu tư vào thị trường này.
Theo đó, Việt Nam cần hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác.
Cùng với đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi như đường, cảng, cầu; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài và bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không thiếu điện, có các ưu tiên tăng trưởng và thu hút FDI trong các lĩnh vực ưu tiên.
Đây là một trong những đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và từng bước nội địa hóa sản phẩm.
Nhiều dự báo cho thấy, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy việc thu hút dòng vốn FDI trong năm 2024.
Chuẩn bị thanh tra việc quản lý khai thác, kinh doanh đất hiếm, vonfram, bô xít tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Nông và một số doanh nghiệp.
Với sự tài trợ của Tập đoàn TH, 23 phao neo đã được thả tại Vườn Quốc gia Cát Bà, với tổng diện tích gần 34ha mặt biển được khoanh vùng bảo vệ.
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2025 với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô, di sản văn hóa.
Vietnam Airlines được Quốc hội duyệt tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nhu cầu sạc xe điện sẽ gia tăng áp lực lên sản lượng điện và công suất truyền tải, đòi hỏi Việt Nam phải tăng đầu tư cho ngành điện để đáp ứng.
Trong thời đại công nghệ số, trải nghiệm số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc, chinh phục khách hàng và kiến tạo tương lai vững mạnh.
Luật Địa chất và khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm siết chặt quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.