Chuyển đổi số ngành F&B nhìn từ cái bắt tay giữa MoMo và iPOS.vn

Quỳnh Chi - 08:47, 26/11/2021

TheLEADERViệc đẩy mạnh hợp tác với MoMo là một bước tiếp theo trong chiến lược của iPOS.vn nhằm hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái bán hàng trên kênh tự xây dành cho các đơn vị kinh doanh ẩm thực để tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên thứ ba, đồng thời, khai thác hiệu quả xu hướng mua đồ ăn trực tuyến của thực khách hiện nay.

Thương hiệu F&B chuyển mình theo thị trường

Tháng 8/2021, giữa thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành nặng nề khắp cả nước, iPOS.vn - đơn vị chuyên cung ứng giải pháp quản lý ngành nhà hàng cà phê đã tung ra công cụ bán hàng trực tuyến miễn phí iPOS WebOrder. Bộ công cụ này nhanh chóng có hơn 7.500 cửa hàng sử dụng và nhận đơn đều hàng ngày. 

Sau khi kết nối với AhaMove để hoàn thiện giải pháp vận chuyển đồ ăn cho cửa hàng vào tháng 9, đến nay iPOS WebOrder đã chính thức hoàn thiện kết nối thêm với GrabExpress và MoMo để hoàn thiện nghiệp vụ logistics và thanh toán điện tử.

Chuyển đổi số ngành F&B nhìn từ cái bắt tay giữa MoMo và iPOS.vn
Các nhà hàng nhanh chóng chuyển mình để thích ứng với sự thay đổi trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng.

Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Trong đó, dự báo việc ăn uống và mua sắm trực tuyến tại nhà sẽ tiếp tục được duy trì đều đặn kể cả sau khi đại dịch qua đi, chiếm tương ứng 84% và 78% thời gian của người tiêu dùng.

Trong khi đó, khảo sát “SYNC Đông Nam Á” do Facebook và Bain & Company dự báo, tổng giá trị mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2026. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.

Khách hàng ở đâu, thương hiệu phải ở đó. Khi khách hàng đã chuyển đổi thói quen sang mua sắm trực tuyến thì thương hiệu cũng không thể ngồi yên. Theo đó, rất nhiều thương hiệu nhà hàng cà phê đã bước vào cuộc đua “lên app” với các ứng dụng giao đồ ăn như BAEMIN, GrabFood, ShopeeFood,… 

Trong bối cảnh các lệnh giãn cách vẫn có thể xảy ra đồng thời hành vi của thực khách đã được huấn luyện, việc hiện diện trên các kênh trực tuyến không còn là điều lựa chọn mà đã thành bắt buộc với nhiều thương hiệu.

Tuy nhiên, khi nhà nhà tìm lên các ứng dụng, thị trường sẽ dần bão hòa, bài toán đối với các thương hiệu F&B giờ đây không chỉ là lên online hay không mà là online thế nào và lên online rồi thì tiếp tục ra sao.

Xây dựng kênh bán hàng riêng để tự chủ trong hoạt động kinh doanh

Sự kết hợp giữa iPOS.vn và MoMo vốn được phát triển từ lâu khi một bên là đơn vị cung ứng giải pháp quản lý úy tín riêng cho ngành F&B, một bên là ứng dụng ví điện tử dẫn đầu thị trường. Nhận thấy thị trường F&B tại Việt Nam có dấu hiệu “kiệt quệ” kéo dài từ quý II tới hết năm 2021, hai đơn vị đã cùng nhau đưa ra giải pháp kết hợp để hỗ trợ tốt hơn cho thị trường. 

Theo đó, trên công cụ iPOS WebOrder miễn phí của iPOS.vn, các chủ cửa hàng đã có thể tích hợp trực tiếp luôn tài khoản MoMo cá nhân của chính mình để nhận tiền thanh toán khi thực khách đặt đồ trực tuyến. Thay vì phải đăng ký tài khoản MoMo doanh nghiệp với nhiều khâu xét duyệt và thời gian xử lý, việc tích hợp trên iPOS WebOrder chỉ mất dưới 30 giây. 

Điều này rất có lợi cho thực khách khi không cần tiếp xúc với người giao hàng để thanh toán, đồng thời chủ cửa hàng cũng hoàn toàn không mất phí giao dịch với MoMo khi sử dụng tính năng này.

Ông Vũ Thanh Hùng, CEO của iPOS.vn nhận định, khi các nền tảng ngày càng đông đúc thương hiệu, các cửa hàng nên chạy song song, xây thêm một kênh bán hàng riêng để chủ động và dần dần hướng khách hàng về kênh của mình. Theo ông Hùng, tỷ lệ hợp lý của số đơn hàng bán trực tuyến ngành F&B hiện nay là khoảng 80% trên các bên thứ ba và 20% trên kênh tự xây.

“Tuy nhiên, do tính chất ngày càng khốc liệt, mang tính thanh lọc của thị trường hiện nay, dù là kênh nào thì các thương hiệu cũng cần có sự đầu tư về mặt chất xám nếu muốn khai thác hiệu quả, song song với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây là thời điểm thanh lọc của thị trường”, ông Hùng cho biết thêm. 

Chuyển đổi số ngành F&B nhìn từ cái bắt tay giữa MoMo và iPOS.vn 1
Ông Vũ Thanh Hùng, CEO của iPOS.vn

Và rõ ràng, nếu các kênh tự chủ làm tốt, tỷ lệ 80:20 mà ông Hùng đưa ra sẽ dần được thu hẹp. Theo nghiên cứu của Facebook và Bain & Company, 49% người tiêu dùng đã chuyển đổi lựa chọn trang thương mại điện tử trong vòng ba tháng qua ở Việt Nam, dựa trên các cân nhắc về ưu đãi giá, chất lượng sản phẩm và mức độ sẵn có của hàng hóa.

Hoàn thiện xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số

Việc các đơn vị công nghệ trên thị trường như iPOS.vn, MoMo, AhaMove,... bắt tay nhau để đưa ra các gói giải pháp thúc đẩy ngành F&B cho thấy, đây là thời điểm chín muồi để một ngành truyền thống ở Việt Nam như kinh doanh ẩm thực trở mình. Số hóa hay chuyển đổi số thực tế có thể bắt đầu bằng những thứ đơn giản nhất.

Trong giai đoạn tiếp theo, MoMo dự kiến tiếp tục hợp tác với iPOS.vn nhằm đưa thêm những giải pháp tiếp thị trực tuyến để tiếp cận khách hàng trong phạm vi gần, giúp người dùng MoMo dễ dàng tìm kiếm các hàng quán xung quanh mình để đặt hàng trực tuyến hoặc nhận voucher đến sử dụng tại cửa hàng. Kỳ vọng của hai bên là kích cầu tiêu dùng nhằm giúp tăng doanh thu cho ngành F&B, sớm trở lại trạng thái như trước dịch.

Theo đại diện iPOS.vn, kể cả khi dịch bệnh qua đi thì mọi thứ cũng đã thay đổi so với trước đây, thói quen đặt hàng, mua sắm trực tuyến sẽ được duy trì. 

Lúc này, việc đầu tư vào các kênh trực tuyến được nhận định là xu hướng bền vững và lâu dài để doanh nghiệp thích ứng với các "trạng thái on-off" bất cứ lúc nào. Đặc biệt, những người làm F&B sẽ cần một hướng tiếp cận toàn diện và chủ động hơn.