Chuyên gia giải mã "bệnh hội nhập" của doanh nghiệp Việt

Nguyễn Lê - 08:00, 21/12/2017

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đình Cung, thiếu thông tin, thiếu nhân lực và không biết phải làm gì là ba khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong việc chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã theo đúng lộ trình và tình hình phát triển của đất nước và bối cảnh thế giới. 

Cùng với WTO, Việt Nam cũng chủ động trong việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn và chất lượng cao hơn, tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại. 

Do đó, dù mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 6,04%/năm trong giai đoạn 2007-2017 (thấp hơn so với 7,51%/năm trong 2000 - 2006), song chất lượng và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày một vững chắc hơn.

Tuy nhiên, trong 10 năm hội nhập kinh tế quốc tế, dường như các doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng tốt hơn các cơ hội từ tiến trình hội nhập này, đặc biệt những cơ hội có được từ những FTA mà Việt Nam đã ký kết.

"Bệnh hội nhập" của doanh nghiệp Việt
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến từ cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Rào cản từ các hàng rào phi thuế quan 

Trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cũng cho thấy: Riêng giai đoạn 2016 – 2017, có tới 23 vụ kiện phòng vệ thương mại; trong đó, nổi bật là Australia với 6 vụ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp với nhôm ép và thép mạ kẽm, thép dây cuộn và tháp gió. 

Tình thế lưỡng nan của nền kinh tế Việt Nam 2
Nguồn: MUTRAP (2014)

Hiện nay, các biện pháp phi thuế quan rất đa dạng và phức tạp. Các thị trường khác nhau áp đặt những rào cản khác nhau.

Dựa trên các cuộc điều tra kinh doanh ITC từ 11 nước đang phát triển, biểu đồ sau thể hiện những loại hàng rào phi thuế quan tiêu biểu làm hạn chế xuất khẩu từ các quốc gia đang phát triển.

"Doanh nghiệp Việt Nam rất thụ động trong việc đáp ứng các yêu cầu này. Trong khi đó, ngược lại với giảm thuế, việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan không hề đơn giản", ông Cung nhận định.

Các rào cản phi thuế quan đến từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy, việc dỡ bỏ chúng đòi hỏi phải có những thay đổi về nhiều mặt bao gồm thể chế, pháp lý hay quy trình, kỹ thuật,...

Dỡ bỏ những rào cản này có thế gặp phải những khó khăn mang tính chính trị, ví dụ như do thiếu những lợi ích kinh tế đủ lớn để hỗ trợ; do hàng loạt chính sách có phạm vi quá rộng; do sự ưa thích của người tiêu dùng, ngôn ngữ, địa lý hoặc vì những nhạy cảm chính trị khác. 

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Cung, các doanh nghiệp cần phải có thái độ tích cực với các chính sách và các rào cản bởi đây là những chuẩn mực mang tính toàn cầu, được áp dụng kể cả ở trong chính các nước đó. Đồng thời, việc đáp ứng được các chuẩn mực mới giúp doanh nghiệp Việt tận dụng được cơ hội để tiếp cận thị trường, đặc biệt là các thị trường phát triển như EU, Hoa Kỳ, hay Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về các thị trường đối tác và các FTA mới thông qua các cơ quan chức năng đầu mối; thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan Chính phủ, nêu lên các thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Rào cản đến từ các chuẩn mực của các công ty đa quốc gia (Private standard)

Theo ông Cung, những quy định, tiêu chuẩn mà các công ty đa quốc gia - những gã khổng lồ dẫn đầu chuỗi giá trị - thậm chí còn khó vượt qua hơn. Các rào cản loại này không chỉ ở nước ngoài, mà có thể được tạo ra bởi các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Những tập đoàn lớn như Samsung, Intel, đều có các bộ tiêu chuẩn và quy định riêng. Theo đó, câu chuyện các doanh nghiệp Việt thậm chí không cung cấp nổi chiếc đinh vít - hay xa hơn là không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu - là điều đáng suy ngẫm. 

Như vậy, ngoài việc thay đổi và bổ sung luật công nghiệp phụ trợ, Nhà nước cần hỗ trợ và phân loại doanh nghiệp để giúp đáp ứng được các yêu cầu mà các doanh nghiệp lớn đặt ra.

Đặc biệt câu chuyện những hệ thống siêu thị nước ngoài đưa ra một số tiêu chuẩn mang tính phân biệt đối xử, thiết lập môi trường cạnh tranh không lành mạnh đối với doanh nghiệp nội cần phải được giải quyết. 

Muốn vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu, hiểu biết đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện cần có để tham gia chuỗi giá trị có liên quan, trước hết là đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt nam; đồng thời, yêu cầu họ cung cấp, giới hiệu đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện mà các doanh nghiệp việt nam phải có để có thể tham gia chuỗi giá trị của họ, kể cả các siêu thị.

"Trường hợp có những tiêu chí, tiêu chuẩn hay điều kiện bất hợp lý hoặc có hàm ý phân biệt đối xử bất lợi cho các nhà cung cấp nội địa, thì yêu cầu họ thay đổi, bãi bỏ. Ở điểm này, tôi nghĩ Bộ công thương và những cơ quan cạnh tranh hoàn toàn có thể can thiệp được", ông Cung nói. 

Thách thức từ chính doanh nghiệp

Viện trưởng CIEM cho biết, doanh nghiệp Việt Nam thường không có chiến lược kinh doanh dài hạn, nên thường không chú ý đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và quản lý. Họ cũng không chú ý đến việc gọi vốn đầu tư dài hạn và hay xây dựng niềm tin của thị trường, đối tác và đặc biệt, có thiên hướng lách luật.

Lối kinh doanh này không những không đáp ứng được tiến trình hội nhập mà còn không giúp ích gì cho sự phát triển của doanh nghiệp, gây hại cho các doanh nghiệp khác và môi trường kinh doanh.

Tình thế lưỡng nan của nền kinh tế Việt Nam 3

"Doanh nghiệp Việt Nam cũng không chủ động chuẩn bị cho việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do. Theo điều tra của chúng tôi trong tiến trình chuẩn bị cho hiệp định thương mại Việt Nam - EU, có 63% doanh nghiệp không có chuẩn bị gì và chỉ có chưa đầy 1% doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ trong việc thực hiện các yêu cầu và tận dụng cơ hội mà hiệp định EVFTA mang lại", ông Cung cho biết.

Theo đó, thiếu thông tin, thiếu nhân lực và không biết phải làm gì là ba khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp trong chuẩn bị thực thi hiệp định.

Đề cập đến giải pháp, ông Cung đề xuất các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết nhất có thể về các hiệp định thương mại. 

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chủ động và tăng cường hơn nữa khả năng tận dụng các ưu đãi trong các hiệp định kinh tế thương mại mà Chính phủ đã ký kết thời gian qua. 

Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận cạnh tranh và tìm cách vươn lên trong cạnh tranh, bao gồm cả việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và kết nối với bên ngoài. 

Trong quá trình này, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường đổi mới công nghệ, chủ động ứng phó với các rủi ro.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải đồng hành với Chính phủ và biết đối thoại pháp lý để đối phó với những rào cản thương mại mới, đặc biệt là các hàng rào phi thuế quan trong quá trình hội nhập. 

Hỗ trợ của Chính phủ sẽ thiếu ý nghĩa nếu bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nhu cầu, khó khăn và thách thức của mình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.