Doanh nghiệp phải minh bạch tài chính để bảo vệ mình

Nguyễn Lê - 17:01, 14/12/2017

TheLEADERTheo chuyên gia World Bank, việc áp dụng các chuẩn mực và quy tắc quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán sẽ tạo ra một khuôn khổ để củng cố hệ thống tài chính trong nước, phát hiện những yếu kém tiềm tàng và tăng cường minh bạch.

Trả lời phỏng vấn TheLEADER bên lề Hội thảo công bố Báo cáo Đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán, bà Trần Thị Phương Mai - Chuyên gia Quản lý Tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới đã làm rõ hơn về tầm quan trọng cũng như những thách thức trong quá trình cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo sự phát triển của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS).

Thưa bà, tầm quan trọng của báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa hiện nay là như thế nào?

Bà Trần Thị Phương Mai: Việc đánh giá doanh nghiệp để phục vụ mục đích cổ phần hóa không chỉ đơn thuần là áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) mà còn liên quan đến một mảng khác quan trọng không kém, đó là chuẩn mực định giá, và bộ chuẩn mực định giá này ở Việt Nam vẫn còn rất sơ khai, trong khi ở quốc tế đã rất phát triển và hoàn thiện. 

Đó là công việc mà Cục quản lý giá của Bộ Tài chính đang tiến hành. Hiện tại, trên trang web của Bộ tài chính cũng đã có một số bộ chuẩn mực, nhưng việc hoàn thiện bộ chuẩn mực định giá này để tiến hành áp dụng định giá doanh nghiệp vẫn là một câu chuyện lớn.

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế bên cạnh việc giúp cho việc định giá doanh nghiệp đúng đắn, nó còn nâng cao vị thế của doanh nghiệp, bởi vì khi nhà đầu tư cân nhắc mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước, bao giờ họ cũng muốn mua cổ phần của một doanh nghiệp có hệ thống báo cáo tài chính minh bạch.

Do đó, việc có một số khoản hạch toán không tương đồng với quy tắc quốc tế sẽ làm cho doanh nghiệp bị đánh giá thấp hơn và như thế là thua thiệt cho chính phủ Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa.

Bà đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc cập nhật và áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS)?

Bà Trần Thị Phương Mai: Đối với 50 doanh nghiệp mà Ngân hàng thế giới chọn và phỏng vấn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đã niêm yết, thì không có một doanh nghiệp nào nói rằng không muốn làm IFRS.

Tôi còn nhớ câu nói của một tập đoàn tư nhân lớn rằng 10 hay 15 năm trước đây các doanh nghiệp có thể kỳ vọng sự không minh bạch có thể làm lợi cho doanh nghiệp ở một mặt nào đó nhưng cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhận thức rất rõ ràng rằng phải minh bạch để bảo vệ chính mình, bởi càng không minh bạch càng rủi ro.

Hay như tập đoàn Điện lực Việt Nam, họ nói rõ ràng rằng "chúng tôi cần báo cáo IFRS để vay vốn bởi vì nhu cầu làm lưới điện quốc gia là quá lớn và Nhà nước không để nào rót vốn cho chúng tôi mãi được". Như vậy, chúng tôi đánh giá cao sự nhận thức của các doanh nghiệp trong tiến trình minh bạch hóa và quốc tế hóa hệ thống kiểm toán, kế toán doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phải minh bạch tài chính để bảo vệ mình
Bà Trần Thị Phương Mai - Chuyên gia Quản lý Tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới

Trong lĩnh vực ngân hàng, các khoản nợ xấu đang được xử lý thông qua công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới các quy định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Theo bà, phương pháp này ảnh hưởng như thế nào đến tính minh bạch trong báo cáo tài chính của các ngân hàng?

Bà Trần Thị Phương Mai: Từ cách thức giải quyết nợ xấu của VAMC từ năm 2016 (thời điểm chúng tôi thực hiện báo cáo) trở về trước, chúng tôi chưa thấy sự chuyển biến đáng kể về tiến trình xử lý nợ xấu bởi các giao dịch ghi nhận trái phiếu về bản chất chỉ là cơ chế cho phép các tổ chức tín dụng dàn đều chi phí cho các khoản nợ xấu không thể thu hồi trong khoảng thời gian dài hơn và do đó, công bố tỷ lệ nợ xấu thấp hơn. 

Khi các TCTD bán nợ xấu cho VAMC, khoản nợ xấu này không còn nằm trong sổ sách của các TCTD. Như vậy, trong tương lai, khi trái phiếu ghi nợ của VMAC phát hành cho doanh nghiệp đáo hạn, nếu chưa giải quyết được khoản nợ xấu này, VAMC sẽ chuyển về lại cho TCTD, TCTD sẽ sử dụng khoản dự phòng đã trích lập cho trái phiếu của VAMC để xử lý khoản nợ.

Như vậy, công tác mua bán nợ thực chất lại chỉ là những bút toán nhằm phân loại một doanh nghiệp đang có nợ đọng thành một doanh nghiệp vay nợ bình thường. Theo tôi, đây là tác động tiêu cực đối với sức khỏe của cả hệ thống.

Trong điều kiện tính tính minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, thị trường chứng khoán hiện nay lại có quá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia và dễ chịu tổn thất tài chính do thiếu hiểu biết cần thiết về tài chính doanh nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Bà Trần Thị Phương Mai: Tính đến đầu năm 2016, trên hai sàn chứng khoán có hơn 700 công ty niêm yết, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết là hơn 60 tỷ USD, tương đương 34% GDP.

Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam hiện tại dựa quá nhiều vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ và đây cũng có thể là một trong những lý do mà thị trường vốn chưa phát triển được. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư giàu chuyên môn và kinh nghiệm lại rất ít, do đó, họ có rất ít tác động đến thị trường. 

Trong khi nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thậm chí còn không có khả năng đọc báo cáo tài chính (BCTC). Họ chỉ quan tâm đến những con số, lên hay xuống, để đầu tư, chứ không hề quan tâm đến độ khỏe mạnh của doanh nghiệp như thế nào.

Các tổ chức đầu tư, những người có khả năng đó, thì lại đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và thói quen đầu tư ủy thác qua tổ chức đầu tư của thị trường Việt Nam vẫn chưa được hình thành. Các nhà đầu tư cá nhân mặc dù không am hiểu nhưng vẫn luôn muốn tự đầu tư thay vì đầu tư ủy thác. Tôi nghĩ đây chính là thực trạng cần khắc phục bằng cách nên tạo điều kiện và thu hút các quỹ đầu tư để đóng vai trò tạo lập thị trường thay vì phải chịu những con sóng bất thường của các nhà đầu tư tư nhân.

Theo bà, những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cập nhật chuẩn mực kế toán Việt Nam theo IFRS là gì?

Bà Trần Thị Phương Mai: Chúng tôi nhận thấy một tín hiệu rất tích cực trong quá trình khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiêp nào cũng khẳng định "chỉ cần Bộ Tài chính bật đèn xanh thì tất cả mọi người sẽ làm". 

Tất cả các doanh nghiệp đều phải quan sát động thái của Bộ Tài chính, bởi vì tiến hành thay đổi hoàn toàn rất tốn kém.Theo con số chúng tôi ước tính, nếu một tập đoàn nhà nước làm theo chuẩn mực chuyển đổi phải bỏ ra tới trung bình trên 10 triệu USD; do vậy họ cần phải có cơ sở pháp lý để bắt tay vào thực hiện. Như vậy, theo tôi, đây là thách thức đầu tiên và cũng là lớn nhất.   

Xin cảm ơn bà!

Một số khuyến nghị mà Báo cáo ROSC đưa ra, bao gồm:

- DNNN lớn và các ngân hàng thương mại là các đơn vị có lợi ích công chúng, do đó cần có báo cáo tài chính cho mục đích chung

- Các hướng dẫn tài chính đặc thù, các yêu cầu giám sát an toàn phục vụ mục đích quản lý nhà nước không nên thay đổi số liệu của báo cáo tài chính cho mục đích chung

- Số liệu phục vụ cho mục đích quản lý nên để ở thuyết minh, tương tự như thuyết minh về đối chiếu giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế

- Đảm bảo tất cả các báo cáo của các doanh nghiệp có lợi ích công chúng được soạn lập dựa trên hệ thống chuẩn mực và chế độ như nhau, có thể so sánh được với nhau

- Bộ chuẩn mực kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp có lợi ích công chúng, bao gồm cả các DNNN và các ngân hàng, nên tuân thủ hoàn toàn IFRS

- Việc này giúp giảm chi phí lập 2 bộ báo cáo song song của các DNNN và các ngân hàng, vì IFRS cần thiết cho quá trình tiếp cận vốn và cổ phần hóa

- Báo cáo tài chính của các DNNN cần được công bố đầy đủ cả thuyết minh và ý kiến kiểm toán