Chuyển vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc sang cơ quan điều tra
Linh Lan
Thứ hai, 30/10/2017 - 18:35
Chiều ngày 30/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Theo thông báo của Văn phòng Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan là công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Đồng thời, ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.
Cục Quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin, dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc trên.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh xem xét thông tin về việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “KHAISILK – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”.
Vụ việc xuất phát từ phản ánh trên trang Facebook của cá nhân Đặng Như Quỳnh về việc công ty của người nhà mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai và phát hiện có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Việt Nam”, vừa có mác “Made in China”.
Khi kiểm tra toàn bộ lô hàng,Công ty này phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn và đã yêu cầu cửa hàng làm rõ tại sao có hai nhãn mác.
Lúc đầu, phía cửa hàng chống chế, khẳng định các mẫu khăn lụa đều thuộc thương hiệu Khaisilk và được làm từ 100% lụa tơ tằm. Riêng chiếc khăn có 2 nhãn mác là do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng, do thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may hiện đang sản xuất cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
Khaisilk lập luận rằng, chiếc khăn này nằm trong đơn hàng 350 chiếc do Khaisilk sản xuất cho khách hàng Design GO tại Hong Kong, may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách vì lý do thủ tục nhập khẩu riêng của khách.
Tuy nhiên, sau đó ông Hoàng Khải, người sáng lập và chủ sở hữu Khaisilk chính thức lên tiếng với báo giới và thừa nhận bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc từ những năm 1990, đồng thời xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại nếu khách hàng muốn trả lại sản phẩm.
Khaisilk – thương hiệu tơ lụa nổi tiếng đã lấy hàng Trung Quốc, gắn mác “Made in Vietnam”, gây nên một cuộc khủng hoảng truyền thông chấn động. Kèm theo đó là sự phẫn nộ của người dùng, vì mấy chục năm qua đã tin rằng Khaisilk là hàng truyền thống của Việt Nam 100%!
Dự án bất động sản triệu USD, xe sang, biệt thự Phú Quốc...và nhiều tài sản khác trong các công ty của Hoàng Khải đang được dùng làm tài sản bảo đảm khoản vay tại các ngân hàng.
Quản lý thị trường Hà Nội hôm nay phối hợp với cảnh sát kinh tế đã xuống kiểm tra, lập biên bản cửa hàng 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Đây là nơi khách hàng phát hiện bán chiếc khăn lụa thương hiệu Khaisilk có gắn mác sản xuất tại Trung Quốc.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.