Không đầy đủ chứng cứ, “xử” Khaisilk cách nào?

Cát Anh - 15:48, 27/10/2017

TheLEADERKhaisilk – thương hiệu tơ lụa nổi tiếng đã lấy hàng Trung Quốc, gắn mác “Made in Vietnam”, gây nên một cuộc khủng hoảng truyền thông chấn động. Kèm theo đó là sự phẫn nộ của người dùng, vì mấy chục năm qua đã tin rằng Khaisilk là hàng truyền thống của Việt Nam 100%!

Không đầy đủ chứng cứ, “xử” Khaisilk cách nào?
Khaisilk gây một cơn chấn động về truyền thông.

Khaisilk có vi phạm hay không, xử lý được hay không thì có nhiều phân tích pháp lý. Trong đó vấn đề quan trọng là cần có chứng cứ. Mác Made in China đã bị cắt, người tiêu dùng cũng không thể chứng minh những khăn lụa mình đã mua từ Khaisilk là khăn Trung Quốc. Cũng không thể biết khăn nào là khăn Khaisilk nhập hàng Tàu, khăn nào Khaisilk tự sản xuất 100% made in Việt Nam…

Cách duy nhất để “xử lý” Khaisilk là không lệ thuộc vào chứng cứ mà cần dùng… chứng lý!

Một hành vi, dính nhiều quy định

Có khá nhiều quy định trong các lĩnh vực khác nhau cùng đề cập đến hành vi gian dối “treo đầu dê, bán thịt chó”. Ví dụ, người tiêu dùng có thể thấy mình bị thiệt hại vì đã mua hàng Trung Quốc giá đắt, tin lầm vào xuất xứ hàng lụa Khaisilk.

Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định quyền của người tiêu dùng là “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa… mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”. Điều 10 luật này cũng liệt kê các hành vi bị cấm. Trong đó, cấm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Hàng hóa, dịch vụ”.

Doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử phạt theo Nghị định 19/2012 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 7 Nghị định này quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với doanh nghiệp “Che giấu, cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác”.

Vấn đề pháp lý đặt ra là xử như trên thì phải chứng minh sản phẩm vốn là Made in China, có hành vi cắt mác, gắn mác khác Made in Vietnam. Theo thông tin hiện tại, chỉ có khách hàng trong vụ 60 khăn lụa có bằng chứng một chiếc khăn trong đó còn mác Made in China. Các khăn khác đã bị cắt mác, không rõ là mác gì. Ông Hoàng Khải có trả lời báo chí là 50% số khăn nhập Trung Quốc để bán. Nhưng số khăn đó đã bán cho ai, thị trường nào… có cắt mác China thay bằng mác Việt Nam hay để nguyên mác China mà bán… thì không rõ.

Chứng minh được việc thay mác thì mới xử phạt được theo hành vi trên.

Trong lĩnh vực thương mại, Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đề cập đến “hàng giả”. Theo đó, “Hàng giả” cũng bao gồm cả “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”. Như vậy, khăn Made in China mà cắt mác China đi, gắn mác Made in Vietnam để giả mạo nguồn gốc là hàng Việt Nam, có nghĩa là hàng giả.

Cách xử phạt trong lĩnh vực thương mại về hàng giả lại khá chi li theo cách tính mức phạt trên giá trị của “hàng thật” tương đương. Cách tính này đòi hỏi có “hàng thật” và thống kê số “hàng giả”, lại không phải dễ dàng gì để truy lại số khăn mà Khaisilk đã tráo mác và bán ra thị trường.

Có thể xử không cần chứng cứ

Tình huống pháp lý của Khaisilk sẽ xử lý như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật Đại học Tôn Đức Thắng, chuyên gia hàng đầu về Luật Cạnh tranh, phân tích cách thức áp dụng pháp luật cho trường hợp Khaisilk.

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Khải Silk đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Luật Cạnh tranh có Điều 40 về Chỉ dẫn gây nhầm lẫn. Đây là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều 40 “cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”. “Cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn”.

Từ quy định trên, Nghị định 71/2014 quy định Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng nếu doanh nghiệp “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”; “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn”.

Trường hợp Khaisilk kinh doanh trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên nên mức phạt tiền sẽ gấp đôi. Đồng thời Khải Silk còn bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm, buộc cải chính công khai.

Trường hợp Khaisilk đã gắn mác Made in Vietnam, nghĩa là đã đưa thông tin về xuất xứ làm sai lệch nhận thức của khách hàng về khăn lụa làm từ lụa Việt Nam, tại Việt Nam, trong khi có khăn Made in China.

Việc Khải Silk thừa nhận có 50% hàng lụa Trung Quốc cũng gây “sốc” cho người tiêu dùng. Bởi lẽ hàng chục năm qua, người tiêu dùng vẫn nghĩ rằng hàng Khaisilk là tơ lụa thuần Việt. Chỉ cần cơ quan chức năng làm một khảo sát nhận thức người dùng, rằng họ nhận thức xuất xứ hàng hóa Khaisilk là hàng thuần Việt hay hàng nhập khẩu là sẽ cho kết quả ngay.

Đã có người tiêu dùng nào mua khăn Khaisilk mà biết Khaisilk nhập hàng Trung Quốc hay không? Có ai từng biết “đế chế” tơ lụa đắt đỏ của Việt Nam này dùng hàng Trung Quốc? Khaisilk đã khiến cho người dùng tin rằng tơ lụa của họ hoàn toàn thuần Việt!

Việc xử lý hành vi này không cần phải có chứng cứ cụ thể là bao nhiêu chiếc khăn, giá bao nhiêu tiền. Việc xử lý có thể dựa trên “chứng lý”, đó là các lý lẽ dựa trên thực tiễn thương mại, trong đó có bao gồm khảo sát về nhận thức của người dùng, rằng họ đã bị làm sai lệch nhận thức như thế nào, TS Nguyễn Ngọc Sơn phân tích.

TS Sơn cũng cho biết bên cạnh khả năng bị xử phạt hành chính, Khaisilk có thể phải đối mặt với các vụ kiện từ người tiêu dùng, các Hiêp hội ngành nghề về tơ lụa, dệt may… Vẫn chưa biết là chứng cứ thế nào, bên kiện có khả năng chứng minh đến đâu, mức bồi thường ra sao. Trước mắt, thiệt hại lớn nhất mà Khaisilk đã phải chịu là thiệt hại về danh tiếng, uy tín và thị trường. Với một thương hiệu lớn, xưa nay vẫn được xem là sang trọng, giàu có, cao cấp, đắt giá, thuần Việt… thì khách hàng họ rất quan tâm đến xuất xứ, danh tiếng, và không dễ gì để Khaisilk lấy lại được uy tín.