Doanh nghiệp
Cổ đông bị chiếm dụng cổ tức hơn 10 năm
Mỗi khi doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ bị giảm tương ứng, tức là tài sản của nhà đầu tư đã bị giảm sẵn, và sẽ được “bù” lại khi tiền cổ tức về tài khoản. Mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì nếu tiền cổ tức không mất tới 3 năm, 8 năm hay thậm chí là 12 năm vẫn không về tài khoản.
Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) vừa có nghị quyết thay đổi thời gian chi trả cổ tức. Theo đó, cổ tức năm 2016 và 2017 sẽ chuyển đến cuối năm 2024 với tổng số tiền khoảng 213 tỷ đồng. Đây lần lượt là lần thứ 9 Sudico thông báo hoãn cổ tức của năm 2016 và lần thứ 5 hoãn cổ tức năm 2017 cho cổ đông.
Vào giữa năm 2019 và đầu tháng 12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có công văn nhắc nhở Sudico nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ chi trả cổ tức cho cổ đông theo đúng quy định hiện hành và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, bất chấp việc bị nhắc nhở, đến nay Sudico vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ cổ tức.
Sudico không phải cái tên duy nhất “khất” trả nợ cổ tức cho nhà đầu tư. Trước đó, Công ty Lilama 45.4 thông báo thay đổi ngày trả cổ tức tới lần thứ 8. Đợt thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền được dời từ cuối năm 2022 sang cuối năm 2023.
Giải trình của Lilama 45.4 cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Công ty sẽ sắp xếp nguồn vốn và ưu tiên trả các khoản nợ người lao động, ngân sách, do đó chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
Công ty Sông Đà 4 (SD4) mới đây thông báo hoãn thời gian chi trả cổ tức bằng tiền năm 2016 đến ngày 28/6/2024. Theo kế hoạch lần đầu, công ty sẽ chi trả vào ngày 26/2/2018 với tỷ lệ 15%.
Trước đó ngày 28/6/2022, Sông Đà 4 thông báo lùi lịch trả cổ tức 2016 sang ngày 30/6/2023. Tuy nhiên do công tác thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư chưa đạt kết quả nên chưa thể cân đối được tài chính.
Với thông báo này, SD4 đã có 12 lần gia hạn trả cổ tức năm 2016 chỉ trong 5 năm trở lại đây. Nhà đầu tư càng khó khăn hơn khi trên thị trường chứng khoán, 10,3 triệu cổ phiếu SD4 đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hủy niêm yết ngày 14/6 vừa qua do do báo cáo tài chính kiểm toán của công ty có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021 và 2022). Hiện tại, cổ phiếu này đã được chuyển xuống giao dịch trên sàn UPCom..
Công ty Đầu tư Hải Phát cũng đã chậm chi trả cổ tức cho nhà đầu tư hơn 2 năm nay. Với hơn 304 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Hải Phát phải chi khoảng 152 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021. Tuy nhiên, công ty chưa cân đối, bố trí được dòng tiền để thực hiện chi trả cổ tức, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông.
Ban lãnh đạo Hải Phát lý giải, do nửa cuối năm 2022 là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản do thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản, việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được. Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu bất động sản cầm cố cho các khoản vay margin của các công ty chứng khoán liên tục diễn ra để thu hồi nợ trước hạn.
Bên cạnh đó, do tác động của ngoại cảnh, từ tháng 10/2022 đến hiện tại, áp lực trả nợ các khoản vay, trái phiếu đến hạn lớn. Dòng tiền đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của công ty âm.
Việc các công ty không chịu trả cổ tức gây thiệt hại lớn cho các cổ đông. Mỗi khi doanh nghiệp chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ bị giảm tương ứng, tức là tài sản của nhà đầu tư đã bị giảm sẵn, và sẽ được “bù” lại khi tiền cổ tức về tài khoản.
Mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì nếu tiền cổ tức không mất tới 3 năm, 8 năm hay thậm chí là 12 năm vẫn không về tài khoản.
Mâu thuẫn hơn khi theo quy định thì công ty chỉ có thể trả cổ tức sau khi xác định có lợi nhuận được kiểm toán. Nghĩa là công ty phải có lợi nhuận, được phân phối đầy đủ sang các quỹ sau đó mới có thể trích một phần ra để trả cổ tức.
Việc công ty viện lý do khó khăn không có tiền trả cổ tức sau khi đã chốt quyền trả cổ tức khó có thể thuyết phục nhà đầu tư, cho thấy công ty nhiều khả năng đã sử dụng tiền không đúng với kế hoạch.
Như trường hợp của Sudico, từ năm 2017 đến nay có 2 lần phần lợi nhuận dùng để trả cổ tức được rút khỏi vốn chủ sở hữu của công ty nhưng không trả cho nhà đầu tư. Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Sudico ghi nhận, cổ tức bằng tiền phải trả còn lại lần lượt là 99 tỷ đồng cổ tức 2016 và 114 tỷ đồng cổ tức năm 2017. Đây có thể xem là một “khoản nợ” không chịu lãi của Sudico với các cổ đông.
Thậm chí giữa năm ngoái, Đại hội cổ đông Sudico còn thông qua việc thay đổi hình thức chi trả cổ tức các năm 2018, 2019, 2020 với tổng số tiền là gần 262 tỷ đồng từ hình thức trả tiền sang trả bằng cổ phiếu. Nhờ đó, Sudico còn hoàn nhập số cổ tức này về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Mặt khác, những doanh nghiệp như Sudico, Sông Đà 4 hay Hải Phát chậm trả cổ tức còn tạo ra sự bất công cho chính các cổ đông. Các cổ đông mua cổ phiếu sau thời điểm công ty trả cổ tức sẽ được lợi nhiều hơn so với cổ đông được trả cổ tức mà không được nhận, vì thị giá mua thấp hơn. Việc công ty không trả cổ tức như thông báo giống như lấy một phần tài sản của cổ đông trước để chia cho các cổ đông đến sau.
Dù còn nhiều bất cập, song vẫn chưa có quy định cụ thể để xử lý các trường hợp trên. Các doanh nghiệp chậm trả cổ tức cả chục năm vẫn chỉ bị cơ quan quản lý nhắc nhở, cảnh báo.
Cổ đông thế chấp cảng Nam Hải Đình Vũ tại BaoViet Bank
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.