Cổ đông Ricons muốn Coteccons trả nợ

Trần Anh - 12:18, 30/06/2023

TheLEADERCoteccons hiện ghi nhận một khoản phải trả ngắn hạn cho Ricons là 323 tỷ đồng. Khoản phải trả này đã tồn tại từ khá lâu bởi Coteccons đã dừng hợp đồng với loạt thầu phụ như Ricons, Newtecons, SOL từ năm 2021 do có dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích.

Cổ đông Ricons muốn Coteccons trả nợ
Đại hội cổ đông thường niên của Ricons diễn ra hôm 23/6.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons, một cổ đông đặt câu hỏi về việc một cổ đông lớn không thực hiện việc thanh toán công nợ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông khác và nguồn vốn hoạt động của công ty. Ban lãnh đạo Ricons đã có biện pháp nào để thu hồi công nợ từ cổ đông lớn trên?

Trả lời câu hỏi này, phía Ricons cho biết: “Đối với khoản nợ từ cổ đông lớn là tổ chức, phải khẳng định rằng việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của cổ đông lớn. Ban điều hành cũng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan.

"Khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì Ricons buộc lòng phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, lãnh đạo Ricons nói.

Được biết, Công ty Xây dựng Coteccons là cổ đông lớn của Ricons và đang nợ công ty này một khoản tiền lớn. Báo cáo tài chính quý 1/2023 của Coteccons ghi nhận, doanh nghiệp này hiện vẫn là cổ đông lớn của Ricons, nắm giữ 14,3% cổ phần. Giá trị phần vốn góp này là hơn 301 tỷ đồng.

Mặt khác, Coteccons cũng ghi nhận một khoản phải trả ngắn hạn cho Ricons là 323 tỷ đồng. Khoản phải trả này đã tồn tại từ khá lâu bởi Coteccons đã dừng hợp đồng với loạt thầu phụ như Ricons, Newtecons, SOL từ năm 2021 do có dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích. Bản thân ban lãnh đạo của Ricons cũng cho biết Ricons đã không ký bất cứ hợp đồng nào với Coteccons kể từ cuối năm 2019.

Báo cáo tài chính của Coteccons cũng ghi nhận, khoản phải trả với Ricons bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2019. Số dư ban đầu của khoản vay là gần 600 tỷ đồng và giảm về hơn 300 tỷ đồng kể từ năm 2021 đến nay.

Ricons thành lập từ 2004, cổ đông sáng lập là Coteccons với tỷ lệ sở hữu 20%. Thời gian đầu, Ricons được thành lập nhằm phát triển các dự án bất động sản, sau đó Ricons có làm thầu phụ cho Coteccons.

Ban đầu, Ricons là công ty liên kết của Coteccons đến cuối năm 2019. Sau đó, do việc uỷ quyền 8,8% quyền biểu quyết tại Ricons của Coteccons hết hiệu lực, Coteccons không còn ảnh hưởng đáng kể đến Ricons và không còn ghi nhận Ricons là công ty liên kết.

Năm 2020, sau sự cố giữa ban lãnh đạo cũ Coteccons và nhóm cổ đông ngoại, Ricons chính thức tách khỏi Coteccons và xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Kể từ khi tách ra khỏi Coteccons, Ricons có những bước phát triển mạnh mẽ.

Năm 2022, dù diễn biến bất thường của tình hình nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường ngành xây dựng – bất động sản nói riêng, Ricons vẫn tăng trưởng ngoạn mục, vượt Coteccons để vào top 3 doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Ricons ghi nhận đạt 11.384 tỷ đồng, tăng 41% và lợi nhuận sau thuế đạt 91 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021.

Năm 2023, Ricons đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh khi thông qua kế hoạch doanh thu chỉ 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là 50 tỷ đồng.

Theo Ricons, ngành xây dựng và bất động sản Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng mới với nhiều rủi ro mang tính toàn diện, khó lường. Ricons đang đối diện với những khó khăn và thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập đến nay. Trong bối cảnh này, Ricons đã thận trọng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023.