Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu

Phạm Sơn - 10:29, 14/09/2023

TheLEADERCác doanh nghiệp hàng đầu thế giới mong muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam không chỉ thỏa mãn tiêu chí về chất lượng, giá cả mà còn phải đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải, hướng đến phát triển bền vững.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu
Sử dụng năng lượng tái tạo để giảm khí thải carbon là yêu cầu của nhiều tập đoàn toàn cầu khi lựa chọn nhà cung ứng. Ảnh: Hoàng Anh

Có mặt tại TP.HCM trong chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, ông Maxime Dourdan, Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng của Tập đoàn Boeing tại khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết, lãnh đạo hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này đã có nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu thị trường nhằm mục đích mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Ông Maxime cho biết, nhu cầu máy bay trên toàn cầu vẫn đang gia tăng, dự kiến cần thêm tới 48 nghìn chiếc vào năm 2042. Trong bối cảnh đó, nhiều đối tác của Boeing bị suy giảm nghiêm trọng khả năng vận hành do đại dịch Covid-19. Đây chính là lý do Boeing cần bổ sung thêm nhiều nhà cung ứng mới bền vững hơn ở các thị trường mới.

Đại diện Boeing nhấn mạnh tiêu chí tìm kiếm đối tác cung ứng không chỉ về chi phí, chất lượng mà còn phải cam kết thực hành các quy tắc ứng xử về kinh doanh có đạo đức. Ngược lại, Boeing cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp nhà cung ứng nâng cao năng lực, tối ưu hóa lợi nhuận.

Còn đối với nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart, Việt Nam là một nơi lý tưởng để tìm kiếm nhà cung ứng tốt nhất trong một số sản phẩm như hải sản, sữa đậu nành, hạt điều, cà phê, trái cây. Cùng với đó, hàng dệt may và thiết bị điện tử cũng là những lĩnh vực tiềm năng đang được Walmart cân nhắc.

Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch cấp cao Walmart International, cho biết, tập đoàn này luôn lựa chọn cẩn thận đối tác để mang đến cho khách hàng sản phẩm hợp với túi tiền nhưng cũng phải có sự minh bạch, được sản xuất, cung ứng bởi các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn cao về chất lượng cũng như trách nhiệm xã hội.

Cùng chung mong muốn là hãng đồ thể thao nổi tiếng toàn cầu Decathlon. Ông Lionel Adenot, Giám đốc điều hành Decathlon Việt Nam, cho biết, công ty đang muốn tìm kiếm những nhà cung ứng có năng lực cao, đặc biệt là doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ chuyển đổi số như quản lý kho tự động, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cũng là tiêu chí được Decathlon đánh giá cao khi lựa chọn đối tác cung ứng.

Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Lionel Adenot, đánh giá, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa cơ hội này, các đơn vị cung ứng của Việt Nam cần phải xác định tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là đối với xu thế cắt giảm khí thải carbon, hướng tới phát triển bền vững.

Đại diện Decathlon cho biết, chuỗi cung ứng của tập đoàn này, tính đến hiện tại đã cắt giảm được 17% phát thải khí nhà kính so với năm 2019, đồng thời kỳ vọng các nhà cung ứng sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để đóng góp tích cực hơn nữa vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của toàn cầu.

“Đây là điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến mới quan trọng trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế”, ông Lionel Adenot nhấn mạnh.

Từ góc nhìn một nhà cung ứng trong nước, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang, nhìn nhận, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu, được đưa vào chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, nỗ lực tập trung cắt gảm khí thải, tăng cường quay vòng vật liệu là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp, từ đó gia tăng thị phần, gia tăng giá trị nhận được khi tham gia vào chuỗi cung ứng.

Thực tế, ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đưa ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tức là cắt giảm khí thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dù đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng hoàn toàn có thể bị “loại khỏi cuộc chơi”, loại khỏi chuỗi cung ứng của đối tác nếu không nỗ lực giảm nhẹ phát thải carbon theo đúng yêu cầu của đối tác.