Công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo cần khung pháp lý ổn định

Nguyễn Cảnh - 20:14, 26/03/2022

TheLEADERTheo ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Ørsted Việt Nam, đây là một trong những đòi hỏi bức thiết nhằm phát triển điện gió ngoài khơi gắn với hình thành ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Xin trích đăng một số nội dung đại diện tập đoàn Ørsted chia sẻ với TheLEADER.

Công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo cần khung pháp lý ổn định
Theo đại diện Ørsted, Chính phủ không nên đưa ra các quy định ngặt nghèo về tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng

Theo công bố, Tập đoàn Ørsted, T&T Group và các đơn vị cung ứng hàng đầu thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn hình thành chuỗi cung ứng cạnh tranh, đáp ứng không chỉ thị trường trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực Châu Á và trên thế giới, ông hãy chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch này?

Ông Sebastian Hald Buhl: Xây dựng chuỗi cung ứng cạnh tranh trong nước không phải là mới mẻ đối với Ørsted vì điều này đã trở thành một phần của chúng tôi mỗi khi tham gia thị trường mới. Ørsted có hơn 3.600 cán bộ nhân viên làm việc về điện gió ngoài khơi, trong đó 2.000 cán bộ nhân viên chuyên trách về thiết kế kỹ thuật và mua sắm. 

"Để tạo ra một chuỗi cung ứng cạnh tranh để sau đó có thể hướng đến xuất khẩu cần các sáng kiến theo lộ trình"
"Để tạo ra một chuỗi cung ứng cạnh tranh để sau đó có thể hướng đến xuất khẩu cần các sáng kiến theo lộ trình"

Cách tiếp cận trong việc xây dựng chuỗi cung ứng cạnh tranh trong nước được chia làm ba bước khác nhau với cơ chế hoạt động như một ống khói:

Bước 1: sàng lọc nhà cung ứng. Chúng tôi đã khởi động bước này tại Việt Nam bằng cách tổ chức sự kiện chuỗi cung ứng cùng với đối tác. Rất may, đối tác của Ørsted là Tập đoàn T&T đã có kinh nghiệm và xây dựng được mối quan hệ rất tốt với các công ty trong chuỗi cung ứng của ngành điện gió trên bờ, do đó liên danh của chúng tôi có thể bắt đầu từ nền tảng tốt sẵn có này.

Hơn thế, từ năm 2016, nhà máy sản xuất của CS Wind đặt tại Việt Nam đã cung cấp cho Ørsted 25% số lượng tháp tua bin gió của toàn bộ các dự án điện gió ngoài khơi của chúng tôi ở Châu Á và Châu Âu. Ngoài ra, tàu vận hành dịch vụ đầu tiên được đóng tại Châu Á và sẽ sử dụng cho dự án Greater Changhua của Ørsted tại Đài Loan cũng đã được đóng tại xưởng ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Bước 2: lựa chọn nhà cung ứng có mối quan tâm phát triển kinh doanh trong ngành điện gió ngoài khơi và hỗ trợ họ. Thông thường, tại bước này chúng tôi sẽ đi sâu vào trao đổi chi tiết cũng như tổ chức các chuyến tham quan nhà máy của họ để đánh giá năng lực và nếu khả thi thì hỗ trợ họ xây dựng kế hoạch chi tiết. Ngoài ra Ørsted cũng khuyến khích các nhà cung ứng toàn cầu hiện tại cùng làm việc trao đổi với các nhà cung ứng trong nước để có các hỗ trợ kỹ thuật hình thành nên những liên danh mới.

Bước 3: ký kết các hợp đồng cung ứng với các nhà cung ứng được lựa chọn ở giai đoạn chín muồi hơn để có các bước làm việc tiếp theo.

Thời gian cần thiết để phát triển chuỗi cung ứng thường mất khoảng từ 3-5 năm. Ørsted rất cần khung chính sách ổn định giúp triển khai ký kết các hợp đồng với các nhà cung ứng, giúp họ có thể thực hiện các khoản đầu tư và xây dựng các nhà máy hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Thêm vào đó, để giúp chuỗi cung ứng có tính cạnh tranh, rất cần thiết để thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường. Các nhà cung ứng không chỉ trở nên cạnh tranh trong thị trường nội địa mà còn có cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Với nội dung này, cần nhấn mạnh rằng Chính phủ không nên đưa ra các quy định ngặt nghèo về tỷ lệ nội địa hóa (như tình huống nhìn thấy tại Đài Loan: khi quy định này làm các nhà phát triển dự án không thể có sự linh hoạt trong lựa chọn nhà cung ứng. Từ đây dẫn đến rủi ro lớn hơn cho Chính phủ là các dự án không thể triển khai vận hành đúng tiến độ - do hoạt động sản xuất các cấu phần cấu kiện trong chuỗi cung ứng bị đình trệ).

Hình bên dưới thể hiện các ví dụ xây dựng chuỗi cung ứng thành công mà chúng tôi đã thực hiện ở các thị trường khác. 

Công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo cần khung pháp lý ổn định

Công nghệ phụ trợ NLTT tại Việt Nam là hoạt động rất mới và ‘giàu tiềm năng’ khi nhận được quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Với kinh nghiệm và năng lực đã được chứng minh (tại nhiều thị trường ở khu vực và thế giới), ông đánh giá ra sao về tương lai của ngành công nghiệp này trong năm 2022 cũng như trong trung hạn (tới năm 2030)?

Ông Sebastian Hald Buhl: Như đã đề cập, Ørsted đang làm việc với đối tác của mình xem xét đánh giá cơ hội cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Chúng tôi rất lạc quan về những kết quả đánh giá ban đầu qua các trao đổi và làm việc với các nhà cung ứng hiện có trên thị trường cũng như các nhà cung ứng mới.

Với nội dung dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII tăng mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi lên 7GW đến 2030 chúng tôi tin sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch của các nhà cung ứng trong ngành dầu khí sang điện gió ngoài khơi. Ørsted cam kết xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi sôi động, giúp thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong các thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Đài Loan là một ví dụ cụ thể. Kể từ năm 2018, Ørsted đã nỗ lực phát triển hệ sinh thái điện gió ngoài khơi cho thị trường, bằng cách không chỉ xây dựng các trang trại ĐGNK để cung cấp lượng điện sạch mà còn cam kết hỗ trợ Đài Loan xây dựng một hệ sinh thái toàn diện trong suốt cả vòng đời dự án từ phát triển xây dựng và vận hành bảo dưỡng (O&M).

Chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ nhà cung ứng, nuôi dưỡng tài năng và giới thiệu chuyên môn sâu và đặc biệt về O&M. Chúng tôi đang làm việc với hơn 200 nhà cung ứng trong và ngoài nước cũng như các nhà thầu phụ để đảm bảo cao nhất các tiêu chuẩn về chất lượng, sức khỏe, an toàn và môi trường (QHSE) cũng như triển khai dự án ĐGNK Greater Changhua 1&2a công suất 900MW đúng tiến độ, chất lượng và đảm bảo an toàn.

Để xây dựng chuỗi cung ứng lớn mạnh, giàu sức cạnh tranh, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong từng dự án ĐGNK tại Việt Nam, theo ông, cần những điều kiện cần và đủ ra sao?

Ông Sebastian Hald Buhl: Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư và ngành công nghiệp rất cần một khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả với mục tiêu công suất các dự án ĐGNK quy mô lớn tham vọng và có tính tiếp diễn nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường đầu tư lành mạnh để các nhà cung ứng có thể tham gia, phát triển và đạt được thành công qua thời gian.

Để tạo ra một chuỗi cung ứng cạnh tranh để sau đó có thể hướng đến xuất khẩu cần các sáng kiến theo lộ trình. Theo thời gian khi ngành công nghiệp ĐGNK trưởng thành thì có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ví dụ, việc đề ra các mục tiêu xây dựng các dự án công suất 1-2GW, theo thời gian, trong ít nhất là 5-10 năm, sẽ mang lại các cơ hội phát triển ổn định và thành công cho các nhà cung ứng cho phép họ mạnh dạn triển khai đầu tư. 

Chính phủ có thể xây dựng các chương trình hỗ trợ khuyến khích nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng – đặc biệt là các nhà cung ứng nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, mở nhà máy tại địa phương cũng như các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp tham gia vào ĐGNK, chính là các biện pháp khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trong dài hạn.

Tuy nhiên, để xây dựng thành công ngành ĐGNK thì còn đòi hỏi thêm nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ như triển khai xây dựng các hạ tầng cần thiết có liên quan khác như cảng dùng trong quá trình xây dựng hay O&M hay hạ tầng truyền tải trên bờ cho phép điện sản xuất từ dự án được truyền tải đến người tiêu dùng. 

Cuối cùng, nhưng cũng rất quan trọng là việc tương tác và vai trò của các bên liên quan chủ chốt như Chính phủ, ngư dân và người dân địa phương đối với việc triển khai xây dựng thành công các dự án ĐGNK.

Xin cảm ơn ông!