Cú hích mang tên thanh toán điện tử

Việt Hưng - 14:54, 27/10/2020

TheLEADERTrước những tác động của Covid-19, thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến và tương lai của ví điện tử được dự báo sẽ ngày một phát triển tại Việt Nam.

Trước những thách thức của đại dịch Covid-19, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng nhận ra những lợi ích thiết thực của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo "Thị trường điện thoại và ứng dụng di động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020" do Appota phát hành, số giao dịch điện tử tăng 76% so với cùng kì năm ngoái, giá trị giao dịch lên tới 4,9 triệu tỉ VNĐ tăng 178%.

Trong đó, số giao dịch trên smartphone đạt 472 triệu giao dịch tăng 177%. Đặc biệt, trong thời điểm giãn cách xã hội, số giao dịch qua ebanking tăng từ 15 đến 30 triệu giao dịch trong 1 ngày.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhận định: "Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, những phương thức thanh toán nhanh chóng và thông minh hơn ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết - và công nghệ không tiếp xúc sẽ mở đường cho chúng ta để đáp ứng nhu cầu tăng cao này của thị trường".

Trong 97 triệu người Việt Nam, số người sử dụng internet chiếm 70%, số người sử dụng internet thông qua thiết bị điện thoại chiếm 34%, chính vì thế Việt Nam được xem như là 1 thị trường béo bở để phát triển thanh toán điện tử.

Cú hích mang tên thanh toán điện tử
Các ví điện tử tăng trưởng nhanh theo xu hướng thanh toán không tiền mặt

Đặc biệt, các ví điện tử cũng tăng nhanh theo xu hướng thanh toán không tiền mặt, cụ thể: Ví MoMo đạt mức tăng trưởng ở quý 2 là 50% so với quý 1, ví Zalo Pay và Nganluong.vn cũng tăng lần lượt là 36% và 30% so với quý 1. Theo báo cáo của Appota, người dùng vẫn sẵn sàng dùng ví ngay cả khi không có khuyến mãi.

Rõ ràng, trước những tác động của Covid-19, thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến và tương lai của Ví điện tử ngày một phát triển tại thị trường Việt Nam.

Cũng trong tháng 10 đã có thêm 1 đơn vị được NHNN Việt Nam cấp phép trung gian thanh toán là AppotaPay. Như vậy, đã có 39 doanh nghiệp không phải ngân hàng đã được NHNN cấp phép trung gian thanh toán.

Sự phát triển lượng người dùng ngày càng lớn khiến càng nhiều đơn vị muốn nhảy vào thị trường Ví điện tử. Chính vì vậy, thị trường này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với những cuộc đua "đốt tiền" không cân sức từ các ông lớn nhằm thu hút người dùng.

Bà Liên Nguyễn - Giám đốc phát triển doanh nghiệp Appota đánh giá: "Thị trường thanh toán online ở VN sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới, và thực tế dịch Covid-19 đã tạo ra cú hích khá bất ngờ, thúc đẩy thanh toán số phát triển và đem lại những tín hiệu khả quan trong thị trường ví điện tử".

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ đang dần thay đổi thói quen và hành vi khá nhanh, ví dụ với các hình thức mới livestreaming các đơn vị e-commerce và online payment có thể kết hợp với nhau tung ra các khuyến mãi nhất định để thúc đẩy người dùng thanh toán online nhiều hơn.