Đằng sau niềm vui đón dòng FDI ‘sơ tán’ đến Việt Nam

Kiều Mai - 14:21, 22/08/2019

TheLEADERChiến tranh thương mại đang kéo không ít nhà đầu tư ngoại đến Việt Nam nhưng sự xuất hiện này không phải là niềm vui bất tận.

Đằng sau niềm vui đón dòng FDI ‘sơ tán’ đến Việt Nam
Không chỉ tại Mỹ hay Trung Quốc, thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại kéo dài. Ảnh: CNN

Sau khoảng thời gian hơn 1 năm qua, chiến tranh thương mại đã trở thành cụm từ quen thuộc và cho đến nay, vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc. Liên tiếp các đợt gia tăng thuế quan diễn ra và các lĩnh vực khác cũng “vạ lây” bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trong động thái gần nhất, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố loại bỏ một số sản phẩm của Trung Quốc ra khỏi danh sách đánh thuế mới nhất vì lý do sức khỏe, an toàn và an ninh quốc gia.

Đây là danh sách đánh thuế 10% được USTR công bố hồi giữa tháng 5 với tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ ở mức 300 tỷ USD, dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 1/9 tới.

USTR cũng cho biết mức thuế 10% này sẽ được trì hoãn đến ngày 15/12/2019 đối với một số mặt hàng, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi điện tử, một số đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép, quần áo.

Vòng đánh thuế mới nhất từ Washington đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị gia tăng thuế quan.

Tình trạng đối đầu thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.

Thông tin từ Nikkei cho biết hơn 50 công ty toàn cầu, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Mỹ đã thông báo hoặc cân nhắc về kế hoạch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Apple đã kêu gọi các nhà cung cấp đánh giá việc chuyển khoảng 15 – 30% hoạt động sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc cũng như sản xuất thử nghiệm tai nghe AirPods tại Việt Nam.

Thương hiệu máy tính HP và Dell cũng tính đến kế hoạch chuyển 30% hoạt động sản xuất máy tính cá nhân sang Đông Nam Á hoặc nơi khác Trung Quốc.

Hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản và thế giới Sharp cách đây không lâu thông báo loại bỏ kế hoạch sản xuất màn hình LCD bán cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc và thay vào đó, chuyển sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan gia tăng.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đang "theo chân" các nhà sản xuất nước ngoài chuyển ra khỏi quốc gia này nhằm giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại.

Chia sẻ tại sự kiện Café Quản trị tổ chức bởi Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng không nên quá kỳ vọng vào xu hướng dịch chuyển trên.

Những công ty quốc tế đổ vào Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có nhiều trụ sở sản xuất, dịch chuyển theo xu hướng mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện không ít công ty băn khoăn với lựa chọn Việt Nam trước viễn cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” có thể xảy ra.

Đằng sau niềm vui đón dòng FDI ‘sơ tán’ đến Việt Nam
PGS. TS. Phạm Thế Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn kinh tế cho các tổ chức trong và ngoài nước.

Nguyên nhân xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua cho biết có khả năng xem xét Việt Nam về vấn đề thao túng tiền tệ cũng như thặng dư thương mại với Mỹ.

Nếu bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ đứng trước khả năng bị áp thuế giống như Trung Quốc hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc, Việt Nam được xem là nơi tránh được thương chiến, có nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế này và đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, các công ty trên chủ yếu thuộc những ngành hàng như dệt may, da giày, may mặc hay linh kiện điện tử, tận dụng lợi thế nhiều lao động của Việt Nam bởi chủ yếu chỉ cần lắp ráp, gia công đơn giản.

PGS. TS. Phạm Thế Anh đánh giá “những thứ đó giải quyết công ăn việc làm rất nhiều cho Việt Nam nhưng giá trị gia tăng đối với thu nhập của người dân không đáng kể”.

Do đó, Việt Nam được nhận định cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ngay từ bây giờ.

“FDI đóng góp vào kinh tế Việt Nam thuần túy là sử dụng lao động nhưng trong khoảng 10 năm nữa, chúng ta không cần quá lo lắng về vấn đề lao động. Không cần ưu đãi gì thì Việt Nam cũng còn rất nhiều lợi thế. FDI cần Việt Nam chứ không chỉ Việt Nam cần FDI”.

Bên cạnh đó, trong 1 thập kỷ tới, lực lượng lao động hẹp lại rất nhiều so với cơ cấu dân số vàng hiện tại khi tăng trưởng dân số ở mức thấp.