Đâu là biệt dược chữa 'nhái thương hiệu' bất động sản?

An Chi - 08:57, 22/08/2018

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu cũng chính là bảo vệ khách hàng.

Doanh nghiệp đau đầu vì thương hiệu "nhái"

Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, thời gian gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp lớn đang "dở khóc dở cười" trước cảnh thương hiệu và hình ảnh dự án của mình bị các doanh nghiệp mới thành lập "nhái", gây nhầm lẫn cho khách hàng. 

Chia sẻ tại chương trình Café Doanh nhân với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết, mới đây ông đã rất bất ngờ khi một dự án bất động sản tại số 149 Trường Chinh đã lấy tên là dự án Tràng An và sử dụng hình ảnh tại dự án Tràng An Complex Phùng Chí Kiên của GP Invest để quảng bá bán sản phẩm.

Đâu là biệt dược chữa 'nhái thương hiệu' bất động sản?
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp bất động sản" do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng 21/8

Theo ông Hiệp, đây chính là vi phạm của thương hiệu và hình ảnh nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này. 

"Khi GP Invest liên hệ với phía dự án thì được biết một công ty môi giới đã lấy hình ảnh của chúng tôi để quảng cáo cho dự án ở Trường Chinh. Sau đó, chúng tôi đã yêu cầu họ gỡ bỏ hình ảnh và tên dự án khỏi các trang online, ngoài ra họ không chịu bất kỳ hình phạt nào", ông Hiệp chia sẻ.

Một trường hợp khác, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud, doanh nghiệp của ông sau khi cổ phần hoá đi đăng ký lại tên doanh nghiệp đã không thể đăng ký được dù chỉ thêm hai chữ "cổ phần" vào tên công ty vì đã có doanh nghiệp khác đăng ký trước tên “Công ty CP kinh doanh phát triển nhà Hà Nội”. 

Do đó, doanh nghiệp của ông buộc phải thêm hai chữ “đô thị” vào tên gọi cũ vốn là của mình.

Còn theo ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow, việc vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay trên mạng tương đối nhiều, có thể là do chủ ý hoặc cố ý. Ví dụ như trường hợp của Eurowindow, các doanh nghiệp, nhà sản xuất khác cũng sử dụng từ "Euro" tuy nhiên sau đó thêm các từ viết tắt khác hoặc các hình ảnh dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ), thông tin trên website và bản thân website rất dễ bị đánh cắp, bằng nhiều hình thức, người ta có thể có một website riêng nhưng khi vào dự án của các anh họ lại link sang trang web của người khác.

Nếu như ở nước người các nhãn hiệu đã được bảo hộ và bản thân các thương hiệu của họ cũng rất khó để đánh cắp nhưng ở Việt Nam lại chưa làm được vấn đề này. Do đó, thông qua môi trường kỹ thuật số, thách thức đặt ra hiện nay đối với các doanh nghiệp là rất lớn, ông Bình nhấn mạnh.

Cơ quan Nhà nước chưa bảo vệ doanh nghiệp?

Từ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp, lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp hiện nay bị "nhái thương hiệu", ông Đính cho rằng, một hạn chế rất lớn trong việc đăng ký kinh doanh đó là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được chú trọng.

Dường như những thủ tục này đang quá “dễ", vì vậy ông Đính khuyến nghị, nên đưa bổ sung các yếu tố này thêm vào trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW, về việc đăng ký tên doanh nghiệp, hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có kết nối với Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đơn vị đăng ký kinh doanh khó có thể tìm kiếm và xác nhận được thông tin mà chỉ đơn thuần là search google nếu không trùng với tên một doanh nghiệp nào đó cho doanh nghiệp đăng ký. 

Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết, luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu. Nếu phát hiện ra việc bị “nhái” thương hiệu nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực để bảo vệ doanh nghiệp.

Theo ông Hà, khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó và dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, tại những thành phố lớn, thanh tra từ Bộ Khoa học và công nghệ, hay các đơn vị chức năng khác có thể dễ dàng trong việc đánh giá có vi phạm song, tại các địa phương xa hơn, thanh tra tại các Sở Khoa học và công nghệ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và chức năng khác nhau. 

Vì vậy, họ gặp khó khăn trong việc xác định vi phạm của doanh nghiệp. Ngoài ra, thẩm phán tại các tỉnh hiện nay, số lượng thẩm phán có kinh nghiệm về xử lý sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Việt Nam cũng chưa có toà án chuyên trách để xử lý vấn đề này.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Hồng cũng cho rằng, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ. 

Mặt khác, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra toà để giải quyết, do đó thông thường, doanh nghiệp sẽ phải tự thoả thuận để giải quyết vấn đề của mình, ông Hồng chia sẻ.

Doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu bằng cách nào?

Trước thực trạng tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đang xảy ra ngày càng nhiều trên thị trường bất động sản thời gian gần đây, theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest Corporation, thực tế phần lớn dự án rơi vào tinh huống nhầm lẫn thương hiệu đều là các thương hiệu không có tính biểu trưng cao.

Cách đặt tên của các thương hiệu này không đặc thù, không được bảo vệ thương hiệu bài bản, hình ảnh dự án chưa nổi tiếng tới mức người tiêu dùng thông thường có thể nhận ra. Như vậy, có thể thấy, chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp chưa đạt được khả năng giúp người tiêu dùng bình thường có thể phân biệt được.

Không dễ đối phó với nạn "nhái thương hiệu" bất động sản 2
Ông Lê Quốc Vinh

Theo ông Vinh chia sẻ, thương hiệu có 2 phần: 1 là hữu hình, hình ảnh có thể nhìn thấy và 1 là vô hình. Nhãn hiệu là phần hữu hình, nhà nước có thể bảo hộ, còn giá trị vô hình, tự doanh nghiệp phải tự bảo vệ.

Vậy doanh nghiệp tự bảo vệ bằng cách nào? Từ kinh nghiệm tư vấn thương hiệu, ông Vinh thừa nhận một thực tế rằng nhiều trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu không liên quan đến việc có hay không đăng ký thương hiệu. Có nhiều thương hiệu lớn mặc dù không cần đăng ký tuy nhiên vẫn rất mạnh và doanh nghiệp khác không thể “nhái”. Ngược lại, cũng có những nhãn hiệu mặc dù đã đăng ký song vẫn không thể phổ biến với người tiêu cùng và vẫn bị các doanh nghiệp nhái lại.

Ông Vinh lấy ví dụ như dự án khu đô thị Linh Đàm. Dự án này không cần bảo hộ vì không có bất cứ dự án nào khác “nhái” nhãn hiệu này tại Bắc Ninh hay TP. HCM bởi nó gắn liền với địa danh tại Hà Nội, bản thân tên dự án đó đã có tính biểu trưng cao và khó bắt chước.

Trong khi đó, có nhiều tên dự án bị trùng khắp nơi và không thể bảo hộ như các dự án có tên gắn với các tính từ. "Tôi có biết một tạp chí là Tạp chí Đẹp, mất 15 năm đi bảo vệ thương hiệu vẫn không bảo vệ được. Hay như các dự án có gắn với từ "Eco" hiện nay cũng xuất hiện trên thị trường rất nhiều", ông Vinh cho hay.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, đối với một dự án hay một doanh nghiệp, việc đặt tên là quan trọng nhất, doanh nghiệp cần chọn được một tên gọi tạo sự khác biệt, mang tính nhận biết và đặc trưng riêng. Mặt khác, nếu bảo vệ nhãn hiệu một cách toàn diện có gắn kèm với hình ảnh, logo, tính bảo hộ sẽ cao hơn. Bởi có những thương hiệu nghe thôi thì không thể phân biệt được cho đến khi nhìn thấy.

Ông Vinh đề xuất có hai cách đặt tên: Một là, dùng một danh từ không liên quan ngành nghề của mình. Đơn cử như thương hiệu Apple - công ty máy tính đặt tên gọi của từ "quả táo", có lẽ sẽ không có công ty máy tính hay điện tử nào khác có ý định dùng cách đặt tên tương tự như vậy.

Hai là, sử dụng danh từ chung ghép lại thành những từ vô nghĩa nhưng lại tạo sự khác biệt và dễ nhận biết như EuroWindow. Để hai từ tách riêng thì có nghĩa là "cửa sổ Châu Âu" nhưng ghép lại thì không có nghĩa gì cả.

Ba là, lấy tên theo công ty mẹ đã được bảo hộ ví dụ như Vingroup, FLC, Sun Group.

Sau khi xây dựng được một thương hiệu hoàn chỉnh và đăng ký bảo hộ, ông Vinh cho rằng, quá trình truyền thông, làm cho người dân nhận diện được thương hiệu còn quan trọng hơn nhiều lần.

"Doanh nghiệp cần làm thế nào để các công ty khác thấy rằng, thương hiệu của mình đã quá nổi tiếng, không nên bắt chước nữa hoặc khả năng vô tình bắt chước là hoàn toàn không có. Các trường hợp vô tình "nhái" chủ yếu là do thương hiệu đó quá mờ nhạt", ông Vinh nói. 

Bên cạnh việc lựa chọn tên thương hiệu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng thương hiệu và đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ cho thương hiệu của mình.

Doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự bảo vệ khách hàng. "Doanh nghiệp không thể tự bảo vệ thương hiệu của mình thì sao khách hàng có thể tin tưởng vào dự án", ông Đính nhận định